Một ngày của học sinh trong ngôi trường không bài tập, thi cử

Lịch trình của các học sinh trong trường Brooklyn Free, Mỹ xoay quanh các hoạt động như cờ vua, thảo luận, xem phim và đọc truyện tranh hay bất kỳ điều gì các em thích.

Mô hình trường học kiểu mới hay trường học tự do đã có từ nhiều thập kỷ trước. Trong lòng New York (Mỹ) tồn tại một ngôi trường theo mô hình này. Đó chính là Brooklyn Free School.

Tại đây, tất cả học sinh đều không cần phải làm bài tập, điểm danh hay làm bài tập về nhà. Thậm chí nếu không muốn, các em cũng không cần phải đến lớp.

Kỷ yếu của học sinh tại Brooklyn Free School. Ảnh: Brooklyn Free School.

Học tập tự nguyện, làm điều mình thích

Sophia Bennett Holmes, 12 tuổi, luôn mơ ước trở thành một nhà thiết kế thời trang, ca sĩ hay diễn viên tài năng. Nếu ở trường học bình thường, phần lớn thời gian của cô bé sẽ gắn với bài tập, sách vở hay các hoạt động trên lớp.

Nhưng ở Brooklyn Free School, Sophia có thể làm bất kỳ điều gì cô bé thích mà không bị ràng buộc bởi những quy định, lớp học hay kỳ thi nào.

Trước khi con trai David Johnston vào học Brooklyn Free School, chị Randy Karr đã phải đánh vật với các bài tập về nhà cùng con. Sau đó, con trai 12 tuổi theo học ngôi trường kiểu mới, David Johnston bỗng chốc hứng thú với hơn việc tới trường.

Cậu bé không còn phải học những môn mình ghét nữa. Thay vào đó, em giúp các giáo viên điều hành một lớp học, trợ giảng về dược lý và luôn mang theo một cuốn sổ ghi chép những gì mình học được trong ngày.

"Mọi đứa trẻ ở đây chắc chắn đều có một động lực để học cái gì đó”, Alan Berger, cựu hiệu trưởng một trường công lập, đồng thời là người sáng lập Brooklyn Free School chia sẻ với CBS News.

Cựu hiệu trưởng thông tin: “Chúng tôi tin rằng nếu để các em theo đuổi đam mê và điều mình muốn, các em sẽ tìm hiểu sâu hơn và học được cách tự học”.

Tại Brooklyn Free School, phần lớn các quyết định của nhà trường đều có sự tham gia của ngay cả những học sinh. Cuộc họp thường diễn ra hàng tuần - đó là điều bắt buộc duy nhất ở đây. Cuộc họp dân chủ sẽ là buổi họp mà học sinh tham gia bình bầu, đề xuất những quy tắc và thiết lập chính sách.

Ngay cả những em nhỏ tuổi nhất cũng có quyền tương đương học sinh lớp trên hay nhân viên của nhà trường. Và nếu quy tắc hay quyết định nào đã thiết lập đều phải được tôn trọng.

Học sinh tại Brooklyn Free School có thể tham gia bất kỳ lớp học nào, học thứ mình thích mà không cần bận tâm đến bài kiểm tra hay bài tập về nhà. Ảnh: Brooklyn Free School.

Mỗi ngày, học sinh được yêu cầu có mặt tại trường tối thiểu 5,5 h. Đây là quy định để đáp ứng điều kiện pháp lý cho Brooklyn Free School. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đó, các em muốn làm gì là quyền của mỗi người. Trường chỉ có 42 học sinh, độ tuổi từ 5-17 với đa dạng chủng tộc, hoàn cảnh gia đình.

Ngày học của học sinh nọ có thể bắt đầu bằng việc chơi cờ, đọc sách tập yoga hay giải phẫu gà con. Một ngày khác, nhóm học sinh sẽ tụ họp trong phòng sinh hoạt chung, nghe về cuộc họp báo của Tổng thống George W. Brush trên đài phát thanh. Nhóm khác thì nô đùa, chạy nhảy trên tầng. Các em có thể làm bất kỳ điều gì mình hứng thú, không giới hạn tuổi tác hay giới tính và chủng tộc.

Để đảm bảo chi phí vận hành, Brooklyn Free School thu phí 10.000 USD/năm. Nhiều phụ huynh muốn đăng ký vào trường nhưng không thể bởi nhà trường cũng không nhận nhiều học sinh. Ban Giám hiệu còn có cả danh sách chờ với 35 phụ huynh đăng ký.

Trường chỉ có 42 học sinh, độ tuổi từ 5-17 với đa dạng chủng tộc, hoàn cảnh gia đình. Ảnh: Brooklyn Free School.

Còn nhiều băn khoăn

Với nhiều điểm mới mẻ, tiến bộ nhưng một số phụ huynh và ngay chính học sinh cũng lo lắng bởi cách giảng dạy tại Brooklyn Free School.

“Tôi cho rằng họ sẽ vất vả khi vào đại học để thích nghi với áp lực và không còn được tự do làm điều mình thích”, Victoria Rothman, 17 tuổi, một học sinh khác tại trường công chia sẻ.

Mỗi ngày Victoria dành phần lớn thời gian ở trường và học thanh nhạc: “Có nhiều trẻ em chỉ ngồi và chơi điện tử cả ngày. Tôi nghĩ cần đặt giới hạn cho điều đó hoặc cấm hành động này”.

Những mô hình “free school” (trường học tự do) đã có từ nhiều thập kỷ trước. Chúng vận hành dựa trên cơ chế để trẻ phát triển tự nhiên. Các em học hỏi qua trí tò mò và điều mình thích thú thay vì bị ép học theo chương trình, giáo án đã soạn sẵn.

Trong thập niên 1960-1970, có hàng trăm trường học như vậy mở ra tại Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều đóng cửa, chỉ còn lại một số như Albany Free School và Sudbury Valley School ở Massachusetts.

Các chuyên gia giáo dục chia sẻ quan điểm gần như họ không thể tìm ra cách các trường học tự do thành công. Một số báo cáo cho rằng nhiều học sinh trưởng thành từ ngôi trường như vậy không bị ảnh hưởng nhiều khi vào đại học.

Theo CBS News, để tốt nghiệp Brooklyn Free School, học sinh phải trải qua những yêu cầu, thể hiện sự thành thạo trong các lĩnh vực như giao tiếp, điều tra, tư duy logic, phản biện.

Thiên Nhan
Theo CBS News

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-ngay-cua-hoc-sinh-trong-ngoi-truong-khong-bai-tap-thi-cu-post1101226.html