Một lần chạy bom ở Tanzania

Hảo Phạm Fiori lấy chồng người Italy. Cô tới châu Phi khi chồng tham gia tổ chức Bác sĩ không biên giới. Đời sống, văn hóa ở lục địa đen khiến ta ngỡ ngàng qua ngòi bút của Hảo Phạm Fiori. 'Đoàng', tiếng nổ thứ hai vang lên. Tôi tưởng sắp gục xuống vì sợ hãi. Chuyện xảy ra vào một ngày tháng 4/2011 ở thủ đô của Tanzania.

Mãi rồi cũng đến giờ ăn tối, hai chúng tôi ăn mặc chỉnh tề rồi cùng con gái đến “điểm hẹn” là nhà hàng bên bờ biển của khách sạn, sẵn sàng cho một buổi tối lãng mạn.

Lạ thật, mấy vị khách ít ỏi hồi sáng không thấy xuống dùng bữa. Xung quanh đây đâu có nhà hàng nào, nếu không ăn ở khách sạn thì họ sẽ đi đâu nhỉ? Vậy mà mới đêm qua thôi, có tới cả trăm người tiệc tùng nhộn nhịp ở đây.

Thế là thay vì ra gần biển để dùng bữa tối thơ mộng dưới ngọn nến lung linh và những vì sao lấp lánh của châu Phi như đã mường tượng, chúng tôi chọn một chiếc bàn gần bể bơi, ngay dưới ngọn đèn cao áp sáng choang, cho chắc ăn.

Bàn ăn của chúng tôi cũng là chiếc duy nhất trên cái sân rộng mênh mông và sáng trưng như ban ngày này.

Khi đang thưởng thức món mực nướng kiểu Ấn Độ, tôi chợt nhận ra chẳng còn ai xung quanh nữa. Tất cả nhân viên của nhà hàng và khách sạn đều đã biến mất.

“BÙM!”

Một tiếng nổ vang lên làm tôi nhảy dựng khỏi ghế, nó khiến tôi nhớ tới tiếng pháo cối trong đêm Giao thừa ở Hà Nội mà tôi vẫn nghe hồi nhỏ. Tiếng nổ dường như mới xảy ra ở đâu đó rất gần, có lẽ là chỉ ở ngay ngoài cổng khu resort thôi.

“Cái gì thế? Ai đang đốt pháo à?”, tôi hỏi chồng. “Là bom đấy! Chạy mau!”, chồng tôi la lớn.

Qua vẻ mặt và giọng nói của chồng, tôi biết anh không đùa vì anh từng công tác ở vài nơi có chiến sự trước khi đưa tôi và con đi theo. Chắc chắn anh phân biệt được giữa pháo và bom giỏi hơn tôi.

Khỉ thật, điều gì đang xảy ra thế này?

Không thể tin vào những gì vừa nghe thấy, tôi sửng sốt hỏi lại:

“Anh đang nói cái gì thế?”

Chồng tôi giục: “Cầm lấy túi của em đi! Chúng ta phải chạy vào chỗ nào đó an toàn vì anh chắc chắn đó là bom”.

Vừa thì thào, anh vừa đẩy vội chiếc xe nôi mà Baba đang ngồi vào một góc tối. Tôi chạy theo anh, hai chân như tê cứng vì hoảng hốt. Tôi vẫn chưa hình dung được điều gì đang xảy ra.

Chúng tôi khom người sau một rặng cây, trong bóng tối. Tôi nói với chồng rằng tôi muốn về phòng vì ở đây nhỡ trúng tên rơi đạn lạc thì sao, nhưng anh bảo lúc này rất nguy hiểm.

Để về được đến phòng, chúng tôi sẽ phải chạy qua hành lang có một bên mở ra phía ngoài khoảng không, xung quanh tối đen như mực nên điều này là rất nguy hiểm.

 Cảnh Dar es Salaam, Tnazania. Ảnh: Getty Images.

Cảnh Dar es Salaam, Tnazania. Ảnh: Getty Images.

“ĐOÀNG!” Tiếng nổ thứ hai vang lên.

Tôi tưởng sắp khuỵu xuống vì sợ hãi. Baba bắt đầu khóc, tôi không rõ liệu con bé đang sợ hay quá buồn ngủ nên quấy không. Chồng bảo tôi cố gắng trấn an Baba trong lúc anh đi tìm người quản lý. Tôi răm rắp làm theo những gì anh bảo như một cái máy, đầu trống rỗng vì không nghĩ được điều gì.

Tôi lấy Ipad, mở video có nhạc Mozart ưa thích cho Baba xem rồi ôm con bé vào lòng, nhưng không dám để âm thanh lớn vì sợ bị phát hiện, cố nựng cho con ngủ.

Thật khó tưởng tượng việc tôi - cô tiểu thư đến từ Hà Nội - một thành phố thanh bình, đang mang bầu đứa con thứ hai ở tháng thứ năm, lại ôm con nấp trong bụi rậm để tránh bom ở một đất nước xa lạ, trên một châu lục xa lạ.

Vì sao tôi lại ở đây cơ chứ?

Cùng lúc này, chồng tôi cúi người lao vào bóng tối.

Ba phút chờ chồng dài tựa thế kỷ, cảm giác như lâu hơn cả những lần mà tôi đợi anh trở về sau các dự án cứu trợ ở những nơi nguy hiểm.

Còn lại một mình trong bóng tối với cô con gái bé bỏng đã thiu thiu ngủ trong vòng tay, tôi mường tượng đủ thứ trong đầu. Tôi nghĩ tới bố mẹ, gia đình và bạn bè tôi ở Việt Nam, tôi đang ở xa họ quá và không muốn bỏ mạng ở nơi này. May sao chồng tôi đã quay lại để thông báo tình hình:

“Người quản lý nói chúng ta đang gặp nguy hiểm vì khu resort bị tấn công. Cảnh sát sắp đến để đưa chúng ta đi sơ tán".

Một nhân viên người Phi đi ngang qua, tôi thấy bộ đồng phục mà anh ta đang mặc ướt đẫm mồ hôi. Bằng chút tiếng Anh bập bẹ, anh trấn an chúng tôi rằng những người ở ngoài kia không thù hằn gì với khách đến nghỉ tại resort mà họ đến trả thù ông chủ Ấn Độ của khách sạn này.

Lý do là 10 ngày trước đó, một thanh niên địa phương say rượu đã mò vào làm loạn tại một bữa tiệc ở đây mà không mua vé nên ông chủ khách sạn đã đánh anh ta rồi đổ xăng thiêu sống, khiến anh này phải nhập viện. Đêm hôm trước, tức là đêm mà chúng tôi tới, chàng trai bất hạnh đã chết do vết thương quá nặng.

Hảo Phạm Fiori / NXB Kim Đồng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-lan-chay-bom-o-tanzania-post1134086.html