Một khu công nghệ cao hoàn toàn mới

TPHCM đang có kế hoạch xây dựng khu công nghệ cao thứ hai với nhiều thay đổi, khác biệt so với khu công nghệ cao thứ nhất

Nhằm chuẩn bị tích cực cho sự ra đời của khu công nghệ cao (CNC) thứ hai của TPHCM, ngày 17-4, Ban Quản lý Khu CNC TPHCM, các nhà quản lý, nhà khoa học… đã có buổi hội thảo đầu tiên để tập trung vào việc tìm kiếm, lựa chọn mô hình cho khu CNC thứ hai.

Tìm kiếm mô hình

Phát biểu khai mạc tại buổi hội thảo, PGS-TS Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC TPHCM, cho biết mục tiêu của hội thảo này là muốn được các nhà quản lý, nhà khoa học nêu ý kiến đóng góp, đề xuất lựa chọn mô hình cho Khu CNC thứ hai của TPHCM.

TS Nguyễn Anh Thi, Phó trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng nên xây dựng khu CNC thứ hai của TPHCM theo mô hình khu công viên khoa học công nghệ với sứ mạng là xây dựng môi trường thuận lợi để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển, ươm tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực CNC. Khu công viên khoa học công nghệ mới không nên trùng lắp với khu CNC thứ nhất mà phải có vai trò bổ trợ cho khu CNC hiện tại.

Trung tâm Đào tạo Công nghệ thông tin và Tự động hóa (Citares) thuộc Khu Công nghệ cao TPHCM. Ảnh: HỒNG THÚY

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên trưởng Ban Quản lý khu CNC TPHCM, cho rằng mô hình mới của khu CNC thứ hai nên tập trung nghiên cứu triển khai khoa học công nghệ, hạn chế diện tích dành cho các chức năng khác. Đồng thời đây phải là gạch nối giữa các viện, trường ĐH với thị trường. Mô hình mới cần trở thành tâm điểm chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, làm đầu mối gắn kết doanh nghiệp và các trường ĐH.

Đồng quan điểm trên, GS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cùng các nhà khoa học khác cho rằng khu CNC thứ hai có thể theo mô hình khu công viên khoa học công nghệ để tạo nên sự khác biệt với khu CNC thứ nhất. Việc xây dựng khu CNC thứ hai theo mô hình mới sẽ giúp ngành CNC Việt Nam có được nguồn nội lực để nghiên cứu và phát triển CNC. Đó cũng là kết luận thống nhất bước đầu, theo đó, khu CNC thứ hai của TPHCM sẽ theo mô hình khu công viên khoa học công nghệ.

Cần sự thay đổi mạnh mẽ

Các nhà quản lý, các nhà khoa học cũng cho rằng khu CNC thứ hai của TPHCM cần có sự khác biệt và thay đổi mạnh mẽ so với khu CNC hiện có.

Theo TS Nguyễn Anh Thi, khu CNC thứ hai nên tập trung vào 3 lĩnh vực chính là công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ nano và công nghệ sinh học. Khu CNC thứ hai cần tận dụng tiềm lực khu CNC hiện có, nguồn nhân lực chất lượng cao của các ĐH, viện nghiên cứu. Cần mời gọi đầu tư từ các trung tâm, viện nghiên cứu và phòng thí nghiệm mới là cách đi khôn ngoan, nhanh nhất.

Ông Phạm Chánh Trực đề nghị chọn ngành khoa học công nghệ năng lượng tái tạo làm trung tâm nghiên cứu và triển khai. Cần phải thực hiện nghiên cứu triển khai (R&D) và ứng dụng các lĩnh vực liên quan đến năng lượng tái tạo. Tiến hành sản xuất các sản phẩm liên quan đến năng lượng tái tạo như pin mặt trời chẳng hạn và thực hiện các dịch vụ tư vấn, gia công, lắp đặt các sản phẩm điện mặt trời…

GS Phan Thanh Bình cho rằng cần thiết phải xây dựng một chế độ tự chủ, cơ chế riêng cho khu CNC mới, cần xác định rõ sản phẩm cụ thể tạo ra của khu CNC mới là gì trước khi xây dựng. Ông Chu Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung, góp ý nên chú trọng đến nguồn nhân lực, cần người giỏi và năng động tham gia việc xây dựng khu CNC mới. Bên cạnh đó cần xây dựng mô hình tư nhân, doanh nghiệp trực tiếp tham gia xây dựng, quản lý, cần giảm bớt vai trò của Nhà nước.

PGS-TS Lê Hoài Quốc cho biết sẽ tiếp tục có các hội thảo khác sâu hơn để xác định chính xác mô hình, hướng đi, cách làm… cho khu CNC thứ hai nhằm nhanh chóng triển khai dự án này.

Khởi công xây dựng vào đầu năm 2013

Khu CNC thứ hai của TPHCM được thành lập dựa trên căn cứ pháp lý thành lập khu CNC thứ hai từ Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 6-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2025. Theo đó sẽ thành lập khu đô thị khoa học công nghệ Đông Bắc TP tại quận Thủ Đức và quận 9; thành lập trung tâm đào tạo ĐH, nghiên cứu khoa học tại quận 9 có diện tích khoảng 200 ha.

UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương bố trí khu CNC thứ hai với diện tích khoảng 200 ha tại phường Long Phước, quận 9. Ban Quản lý khu CNC có trách nhiệm với các sở, ngành liên quan xây dựng và thống nhất báo cáo đầu tư dự án khu CNC thứ hai để báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước tháng 6-2012. Dự kiến khu CNC thứ hai sẽ khởi công xây dựng vào đầu năm 2013. TPHCM đã thành lập tổ thực hiện “Đề án Công viên Khoa học và Công nghệ TPHCM”. Tổng vốn đầu tư xây dựng dự án (chưa phân kỳ) khoảng 2.612,391 tỉ đồng.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/2012041809549355p1017c1038/mot-khu-cong-nghe-cao-hoan-toan-moi.htm