Một giọt trà

Được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc toàn quốc, nhưng nghệ nhân trà Đào Thanh Hảo chưa bằng lòng với những thành tích đã đạt được.

Chị Đào Thanh Hảo (giữa) giới thiệu với du khách về quy trình thu hái chè. Ảnh: Lưu Phượng

Sở hữu cơ ngơi nhiều tỷ, song chưa bao giờ chị Hảo quên những ngày khoai sắn thay cơm. Còn anh Phạm Quốc Đạt, chồng chị, rủ rỉ: Thế hệ 6X về trước như chúng tôi đều có tháng ngày lam lũ, tần tảo mà cái ăn luôn là nỗi lo canh cánh trong mỗi nếp nhà. Nhưng tháng ngày cực nhọc ấy là thời gian cho vợ chồng tôi trải nghiệm, làm nên thương hiệu chè của Hợp tác xã (HTX) Hảo Đạt bây giờ.

Phóng mắt nhìn bãi chè trước nhà vừa cúp tán, hoài niệm ùa về. anh Đạt kể: Ngày mới lấy nhau, các cụ bảo tôi cầm tinh con mèo (1963), vợ cầm tinh con rồng (1964) sẽ làm nên cơ nghiệp.

Đỡ lời chồng, chị Hảo nói nhỏ nhẹ: Chúng tôi lấy nhau khi vừa học xong lớp 10 (hệ 10/10). Dựng tạm cái nhà trên đất bố mẹ cho, hằng ngày đi làm HTX lấy công điểm. Thiếu khó ngập đầu, ngày giáp vụ củ sắn còn phải ăn vay.

Để “xóa đói”, vợ chồng chị tranh thủ làm thêm nghề tráng bánh cuốn, bánh phở, gánh đi bán cho bà con trong các ngõ, xóm. Tiền lời có bao nhiêu đều dành mua đất trồng chè. Chị tự hào: Chồng tôi người gốc Nam Định, có đặc sản nức tiếng cả nước là phở bò, bún đũa thành Nam và bánh cuốn Làng Kênh. Còn tôi người gốc Khoái Châu (Hưng Yên), một vùng đất màu mỡ cho nhãn, cam, bưởi Diễn, gà Đông Tảo. Nhà tôi cũng như nhà bên chồng, các cụ “mang” theo sự siêng năng, cần cù đến sinh sống ở vùng đất này trăm năm có lẻ, nên trồng chè là nghề chúng tôi được các cụ trao truyền lại. Chính vì thế tôi trăn trở là vì sao mình phải chịu đói nghèo khi ở nhiều vùng đất khác như tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Lâm Đồng… cây chè mang lại cho người dân sự giàu có.

Nhiều đêm thức trắng, chị nghiệm được giá trị cốt lõi của sản phẩm chè là chất lượng, chứ không phải số lượng. Song để thành công, vợ chồng chị áp dụng cách chế biến chè truyền thống, đồng thời tự đúc rút, trau dồi thêm kinh nghiệm. Say mê đến mức ngủ cũng mơ thấy mình đang đứng bên bếp sao chè.

Chị tự hào nói: Tôi có thể “nghe” được nhiệt lượng trong bếp lò đang thừa hay thiếu. Hoặc phân định ra từng phẩm cấp chè bằng mũi; biết chè thu hái ở đâu, lúc chế biến thiếu hay thừa lửa. Chính vì thế chè móc câu vợ chồng tôi làm ra, tư thương vào tận nhà mua hết.

Tiền công cho 1kg chè khô 5.000 đồng. Đêm nào “năng suất cao” được 500.000 đồng. Có thu nhập, quên hết mệt nhọc, vợ chồng chị không sao sấy chè thuê, mà đứng ra mua lại chè tươi của bà con trong vùng để sao sấy giao bán cho các đại lý. Công việc phải làm vào ban đêm, vì để sang ngày hôm sau chè bị ôi thiu, đỏ nước, mất giá, mất tín với bạn hàng.

Toàn bộ sản phẩm của HTX Chè Hảo Đạt được đóng gói hút chân không.

Tôi hỏi bâng quơ: Làm chè, vợ chồng chị đã bao giờ phải trả giá vì thất bại? Chị nhìn tôi vẻ nghĩ ngợi, rồi bảo: Chưa từng. Tôi lại hỏi: Chị có bí quyết gì không? Chị bảo: Làm gì cũng cần cân nhắc, tính toán kỹ rồi mới đi đến quyết định, nếu vào cuộc khi chưa đủ độ chín mình sẽ bị cơ chế thị trường nhấn chìm.

Thực tế ở vùng chè Tân Cương đã có nhiều “đại gia” chè nổi lên, rồi nhạt dần. Còn vợ chồng chị lại khác. Lặng lẽ tích lũy kinh nghiệm, kiến thức khoa học, tích lũy vốn liếng để thành công bằng chính tâm huyết của mình với cây chè.

Vợ chồng chị đã lặng lẽ, giấu mình suốt các kỳ Festival và những mùa hội chè xuân. Cho đến năm 2017, tức là sau 7 năm xây dựng Tổ hợp tác, vợ chồng chị mới quyết định thành lập HTX chè mang tên mình (HTX Chè Hảo Đạt). Và sản phẩm chè của HTX nhanh chóng lan tỏa đến mọi miền đất nước.

Khi ghé thăm không gian giới thiệu sản phẩm trà, thưởng trà và giới thiệu công đoạn sản xuất, chế biến chè, từ việc gieo trồng, chăm sóc, thu hái, sao sấy, lên hương, đóng gói sản phẩm cho đến cách thức thưởng trà mới thấy vợ chồng chị bước vào thương trường bài bản, có chiều sâu.

Hai mươi năm trước, vợ chồng chị mang toàn bộ số tiền dành dụm được để mua lại 1 mảnh đất rộng hơn 100m2 ngoài trục đường chính của xã Tân Cương. Rồi khi thấy những mảnh ruộng không thuận nước cấy lúa của bà con trong vùng bỏ cỏ, chị bàn với chồng mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thế chấp ngân hàng, vay được 30 triệu đồng để mua lại 3.000m2 đất. Nay là nhà xưởng chế biến, không gian giới thiệu sản phẩm của HTX.

Cũng như việc thành lập HTX, ban đầu có 20 thành viên, đến nay phát triển lên 50 thành viên. Nói đúng hơn là HTX có 50 người lao động chính thức và hàng trăm lao động mùa vụ. HTX có tổng diện tích chè liên kết hơn 35ha. Ngoài ra, HTX đứng ra bao tiêu sản phẩm chè búp tươi cho khoảng 80% số hộ trong xã.

Khách tham quan, tìm hiều về văn hóa trà tại không gian giới thiệu sản phẩm của HTX Chè Hảo Đạt.

Để bảo đảm uy tín thương hiệu, từng công đoạn sản xuất, chế biến chè của HTX đều có cán bộ chuyên môn hướng dẫn, giám sát chặt chẽ, bảo đảm quy trình sản xuất VietGAP. Các công đoạn chế biến, đóng gói sản phẩm được tự động hóa trên dây chuyền sản xuất. Trong năm 2023, HTX dự kiến đạt sản lượng chè búp khô hơn 130 tấn, trong đó 80 tấn chè Tôm Nõn, 25 tấn chè Đinh và 25 tấn chè móc câu truyền thống. Đặc biệt, chè Tôm Nõn của HTX đạt OCOP 5 sao, chè Đinh đang được nâng hạng, dự kiến đạt OCOP 5 sao vào đầu năm 2024.

Để chúng tôi hiểu thêm về sản phẩm chè, chị cho biết: Chè không quan trọng là ở số nhiều, mà quan trọng là ở chất lượng, thương hiệu và giá trị cho từng sản phẩm. Hiện HTX có 14 dòng sản phẩm khác nhau để phục vụ các đối tượng có thu nhập khác nhau, như: Chè Đinh sao tay có giá bán 5 triệu đồng/kg; chè Đinh Đinh 3 triệu đồng/kg; chè Tôm Nõn đặc sản có giá bán 400.000 đồng/kg. HTX chúng tôi hiện có 50 đại lý trên toàn quốc. Những năm tới, HTX phấn đấu làm ra sản phẩm chè cao cấp số 1 Việt Nam. Từng bước đưa sản phẩm chè của HTX trở thành món quà tặng ý nghĩa tại nhiều nước trên thế giới.

Nhâm nhi chén trà, dư vị ngọt ngào mang mùi cốm thơm của hương trà Tân Cương lan tỏa. Lòng chợt thấy nhẹ nhõm, lâng lâng một niềm vui. Mong sản phẩm chè của Thái Nguyên, trong đó có sản phẩm chè của HTX Hảo Đạt lan tỏa hương vị đến nhiều miền đất...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202312/mot-giot-tra-368170a/