Một đời thương chỉ một người

Ngoại mấy hôm rày mất ngủ. Ban đêm chỉ thiêm thiếp đâu chừng mươi phút lại giật mình tỉnh giấc. Ngoại đi ra nhà ngoài thắp nhang, xong ngồi xuống ghế nhìn lên di ảnh ông ngoại trên bàn thờ. Ngoại lại nhớ ông…

Ông hỏi cưới bà khi đất nước đang ở giai đoạn chiến tranh khốc liệt. Nhà ông nghèo. Nhà bà cũng chẳng khá hơn. Tài sản lớn nhất ông có thể trao cho bà chính là tính hiền lành, chịu khó. Vậy mà bà không hề nghĩ ngợi, nhanh chóng gật đầu về làm vợ ông chỉ với chai rượu đế và đôi miếng trầu, trái cau làm sính lễ. Lấy nhau chưa được bao lâu, bà lại theo ông lưu lạc từ Quảng Nam vào tới Bình Thuận, rồi xuống tận Đồng Tháp Mười.

Sau khi sinh má tôi, cậu ba, cậu út, ông đi vào Chiến khu 9, bà một mình ở nhà gánh luôn trách nhiệm của ông. Ngày cấy lúa, trồng khoai, đánh giậm, cất rớ... Đêm đào hầm, làm giao liên cho cán bộ nằm vùng. Mấy lần địch nghi ngờ có chồng “cộng sản”, bà bị gọi lên tra xét đủ đường. May là “thoát” được. Có những hôm nghe tiếng máy bay gầm rú, biết địch đi càn, bà lại phải tay nách xách mang đưa lũ con thơ xuống hầm trú ẩn. Đứa lớn lên sáu, đứa nhỏ nằm nôi nhưng bà chưa một lời than thở. Năm 1968, ông hy sinh, để lại cho bà lời hứa: “Chờ ngày đất nước thống nhất, tui sẽ trở về cùng bà nuôi dạy các con”. Tính ra thời gian ông ở cạnh bà chỉ vài năm ngắn ngủi.

Sau ngày đất nước thống nhất, ngoại dắt theo má và các cậu trở về quê cũ, còn ông đành gửi tạm nơi vùng nước nổi Tháp Mười. Lúc đó ngoại vẫn còn trẻ, chưa đầy bốn mươi. Cũng có nhiều người thương muốn gá nghĩa cùng nhau nhưng ngoại lắc đầu không ưng. Ngoại thương ông còn một mình nằm trong đồng không mông quạnh, thương lũ con thơ, sợ cảnh “con vợ, con chồng” nên quyết một mình ở vậy nuôi con.

Má nói: “Cả cuộc đời ngoại bây đã quá nhiều thăng trầm khổ cực nên luôn phải mạnh mẽ gánh gồng. Hình như ngoại bây chỉ có 3 lần khóc lớn. Lần thứ nhất là khi hay tin từ đồng đội báo về ông ngoại đã hy sinh. Lần thứ hai là lúc cậu bây trở thành lính biên phòng, tiếp tục mang trên mình sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc như ông. Và lần thứ ba là khi ông ngoại bây được quy tập về đây, nằm tại nghĩa trang này, chấm dứt những ngày mòn mỏi. Ngoại bây đối với ông không phải là yêu mà là thương. Bởi yêu đôi khi nó cồn cào như sóng nhưng rồi dễ nhạt, chóng tan. Còn thương nó cứ dai dẳng, theo hoài không dứt để rồi phải nhớ đến hết cuộc đời”.

Ông ngoại về trời đã gần sáu mươi năm, bà ngoại cũng đã bước sang tuổi tám bảy. Mắt ngoại giờ đã mờ, chân tay đã yếu, đầu óc lúc nhớ lúc quên. Vậy mà những câu chuyện ít ỏi về ông từ hồi xửa hồi xưa, ngoại vẫn nhớ như in, cứ kể hoài kể miết. Hết con rồi tới cháu, ai cũng từng nghe. Trong chiếc rương gỗ dưới đầu giường của ngoại vẫn còn giữ kỷ vật của ông. Là bức thư duy nhất ông gửi ra từ chiến khu cho ngoại năm 1967. Một bức thư ố vàng không còn nhìn ra mặt chữ, nhưng ngoại vẫn xem như báu vật của đời mình.

Có những chiều đang ngồi bên đám cháu, ngoại lại vô tình buông câu nói: “Ngoại cũng sắp gặp ông bây rồi”. Một câu không đứa nào muốn nghe nhưng đều hiểu: Ngoại đã đi qua hết mọi thăng trầm của cuộc sống. Giờ là lúc an vui cùng con cháu và thanh thản đợi chờ ngày gặp lại ông. Bởi ngoại thương ông, thương trọn một đời.

Quốc Việt

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/151242/mot-doi-thuong-chi-mot-nguoi