Một cuốn tiểu thuyết dự đoán thảm họa Titanic trước 14 năm

Năm 1898, một cuốn tiểu thuyết của tác giả Morgan Robertson tình cờ kể về một thảm họa nổi tiếng xảy ra 14 năm sau.

Cuốn tiểu thuyết Futility được ra đời năm 1898. Vào thời điểm đó, Futility chỉ là một câu chuyện bình thường của Morgan Robertson, người đã dành những năm tháng tuổi trẻ của mình để làm việc trên tàu và thậm chí còn được thăng chức phó thuyền trưởng. Nhưng 14 năm sau, câu chuyện của Robertson trở thành tâm điểm của một trong những vụ đắm tàu nổi tiếng nhất mọi thời đại: vụ chìm tàu Titanic.

Lý do nào khiến Futility lại được chú ý và thậm chí đổi tên thành The Wreck of the Titan sau vụ chìm tàu Titanic? Là do Futility kể câu chuyện về con tàu hư cấu Titan, con tàu viễn dương lớn nhất thế giới và được cho là "không thể chìm". Trong hành trình băng qua phía bắc Đại Tây Dương, con tàu này đã va phải một tảng băng trôi và sau đó bị lật úp.

Cuốn sách được đổi tên sau khi vụ chìm tàu xảy ra. Ảnh: Amazon.

Và đây không phải là điểm tương đồng duy nhất giữa cuốn sách và vụ chìm tàu thực sự. Như Time đã đưa tin, con tàu trong sách và Titanic có kích thước gần như giống hệt nhau, chỉ kém nhau 25 m (82 feet). Thời gian chìm tàu đều xảy ra vào tháng 4 và cả hai con tàu chỉ có số lượng xuồng cứu sinh tối thiểu theo luật định, dẫn đến thiệt hại thảm khốc về nhân mạng.

Suốt nhiều năm, nội dung Robertson viết về con tàu Titan đã trở nên đan xen với vụ đắm tàu Titanic. Hình ảnh con tàu hư cấu đã được sử dụng làm quả trứng Phục sinh trong trò chơi điện tử cổ điển thập niên 90 Titanic: Adventure Out of Time. Tác phẩm này cũng được đề cập trong cuốn sách năm 1955 về Titanic A Night to Remember và thậm chí còn được nhắc đến trong tập The Wreck of the Titan của loạt phim Doctor Who năm 2010.

Kích thước 2 con tàu gần như tương đương nhau. Ảnh: Central Press.

Theo tin từ AP, từ sau khi vụ đắm tàu Titanic xảy ra, Robertson đã bị cho là có khả năng nhìn thấy trước tương lai trong suốt phần đời còn lại của mình. Nhưng nhìn vào quá trình trưởng thành và sự nghiệp của ông, hoàn toàn có thể giải thích lý do ông có rất nhiều kiến thức về tàu: Đơn giản là ông đã làm việc trên tàu trong rất nhiều năm.

Paul Heyer, chuyên gia về tàu Titanic cho biết: “Mọi người chạy đến chỗ Robertson và nói: 'Ông là nhà ngoại cảm à'. Nhưng ông trả lời: 'Không, tôi chỉ suy nghĩ logic về điều tôi muốn viết, thế thôi'".

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-cuon-tieu-thuyet-du-doan-tham-hoa-titanic-truoc-14-nam-post1444807.html