Một cung đường 'hút chân' khách ẩm

Đường Bắc Sơn (TP. Thái Nguyên) có chiều dài hơn 10km, nhưng có một cung đoạn kể từ vị trí giáp nối với đường Bắc Kạn và đường Lương Ngọc Quyến có khá nhiều nhà hàng, quán cà phê. Hằng ngày, từ sớm đến nửa khuya thường rộn ràng khách ẩm, lúc nào cũng vui như Tết, nên nhiều người dân Thái Nguyên gọi đó là một cung đường ẩm thực.

Đường Bắc Sơn (TP. Thái Nguyên) có chiều dài hơn 10km, nhưng có một cung đoạn kể từ vị trí giáp nối với đường Bắc Kạn và đường Lương Ngọc Quyến có khá nhiều nhà hàng, quán cà phê. Hằng ngày, từ sớm đến nửa khuya thường rộn ràng khách ẩm, lúc nào cũng vui như Tết, nên nhiều người dân Thái Nguyên gọi đó là một cung đường ẩm thực.

Một góc cung đường ẩm thực Bắc Sơn.

Một dạo, ẩm thực Thái Nguyên được nhiều người dân nhắc đến là “Thịt chó nhà sàn”. Có một khu phố, người dân quen gọi là… "phố chó".

Từ khu phố một thời được gắn tên với con vật sang đến cung đường ẩm thực Bắc Sơn bây giờ chưa đến 10 phút đi bộ. Một khu phố mới vươn lên giữa lòng thành phố, dù còn bề bộn nhưng vẫn toát lên vẻ hào nhoáng, choáng ngợp bởi muôn ánh đèn trang trí, xứng là một khu phố ăn chơi của thời hiện đại.

Nhà cao tầng không nhiều, nhưng san sát các đại lý, cửa hàng bán buôn, bán lẻ đồ gia dụng. Đáng chú ý hơn với chúng tôi vẫn là các địa chỉ ẩm thực, với vô số tên gọi hấp dẫn, như: Trâu giật, trâu tươi; Cơm niêu Singapore; Bún sáng, bia chiều; Lẩu cá chép om dưa; Yến sào... Xen cạnh đó là những cái tên đại chúng, như: Chè ngon mẹ nấu; Cây mít quán; Xèo xèo quán…

Vô thiên lủng đồ ăn thức uống do các đầu bếp từ các tỉnh Nam Định, Huế, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và người Thái Nguyên chế biến. Chỉ sợ người muốn giữ bụng eo, lưng gọn và mắc chứng “viêm màng túi” thì mất đi cơ hội thưởng ẩm.

Dạo một lượt phố, chân cũng vừa mỏi, chúng tôi tấp vào quán phở, gọi tô bình dân. Vừa lúc đó, một thanh niên bước vào, ngoéo tay gọi chủ quán cho bát phở thượng hạng. Thoáng lát sau, chủ quán đã đặt tô phở trước mặt. Người thanh niên đó hỏi: Thượng hạng, tiền nhiều gấp đôi so với phở bình dân mà chỉ thế này à? Chị chủ quán nhẹ nhàng thanh minh: Hôm nào em cũng phải thức từ 2 giờ sáng để ninh xương lấy nước lèo, nên bát phở ngon, ngọt không cần cho mì chính.

Vậy mới hay, người làm ở các nhà hàng, quán ăn thường phải thức khuya, dậy sớm. Lúc 3 giờ sáng mỗi ngày các hàng phở, bún… nước đã sôi sùng sục, họ bắt đầu nhập bún, bánh được chuyển về từ Cao Bằng, Bắc Kạn hoặc mang từ Hà Nội lên. Các nhà hàng đặc sản, bình dân cũng mở cửa nhập nguyên liệu, thịt phải tươi roi rói.

Thịt trâu, bò, dê, lợn hoặc hàng hải sản đều được các đầu bếp sành sỏi lựa chọn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm mới nhập vào, chế thành các thức món. Dao thớt chí chát, mỗi người một việc, sẵn sàng lên món cho khách ăn tại chỗ hoặc bán cho khách mang đi.

Hầu hết các nhà hàng đều tuân thủ nghiêm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Một chủ nhà hàng tiếp thị: Ngành ẩm thực chúng tôi không thể “làm chơi ăn thật”. Chủ quan một chút, nhập phải thực phẩm kém chất lượng thì chẳng mấy chốc phá sản. Vậy nên thịt con bay trên trời, con lội dưới nước và thịt con chạy trên đồng cỏ đều phải tươi, ngon mới thành bổ dưỡng…

Chủ quán khéo léo dẫn dụ câu chuyện khiến chúng tôi ngồi quanh bàn ăn từ khi nào. Chuyện trò rôm rả mà nhận ra ở cung đường ẩm thực Bắc Sơn có rất nhiều món khoái khẩu, kể từ “sơn hào, hải vị” cho đến món bình dân bên lề đường là xôi thịt băm, bánh mì pate... Ăn xong có thể vào các quán gần đó để thưởng thức ly cà phê Buôn Ma Thuột; ăn kem hiệu Tràng Tiền hoặc uống tách trà Tân Cương, hát karaoke… Vui tới bến với bạn để khi đứng dậy bước ra ngoài cửa đã thấy đèn điện nhấp nháy, sáng choang một góc phố.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202212/mot-cung-duong-hut-chan-khach-am-07367de/