Một “chiến thắng” khác cho mạng xã hội trong bầu cử Tổng thống Mỹ 2016

Quá trình cử tri Mỹ chọn ra người đứng đầu đất nước của họ đã bị tác động khá nhiều bởi truyền thông mạng xã hội. Theo CNN, tính riêng trên Facebook đã có khoảng 8,8 tỷ bài viết, lượt thích và bình luận về bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Trong lịch sử, đây là lần đầu tiên mạng xã hội tỏ rõ vai trò quan trọng của mình trong hoạt động chính trị của nước Mỹ.

Mạng xã hội “tăng nhiệt” cho bầu cử

Reuters đưa tin, trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 có nhiều hoạt động, chiến dịch vận động tranh cử được thực hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội cũng như mạng xã hội để khuyến khích người Mỹ tiến hành bầu cử, thực hiện quyền công dân của mình.

Gã khổng lồ Google được xếp đầu tiên. Google đã mở màn chiến dịch tranh cử bằng cách hướng dẫn người dùng đăng ký bỏ phiếu. Trong thời gian bầu cử, Google cũng tích hợp tính năng hiển thị kết quả trong giao diện tìm kiếm. Từ liên kết tài trợ trong chương trình tìm kiếm trên Google, quảng cáo video trên Youtube và những chương trình quảng cáo mới lạ chạy tự động tại các trang trang báo điện tử như New York Times, các ứng cử viên tổng thống có rất nhiều phương tiện để tiếp cận đúng đối tượng thông qua Google.

Lee Dunn, người đứng đầu đội quản lý đội vận động tranh cử ở Google, nói với Glamour rằng YouTube sẽ giúp các ứng cử viên tiếp cận được công chúng mục tiêu dựa trên các yếu tố: vị trí địa lý, ngôn ngữ…

Tiếp đó, Facebook tạo dòng tin nhắn gắn đầu trang trên Newsfeed (Dòng tin tức) nhắc nhở công dân Mỹ trên 18 tuổi đăng ký tư cách cử tri để bầu cử. Twitter cũng không nằm ngoài xu hướng này khi tràn ngập dấu hashtag về bẩu cử nhằm kêu gọi thế hệ trẻ đi bỏ phiếu.

Không chỉ những ứng viên sử dụng mạng lưới truyền thông xã hội mà cả hàng triệu người dùng Facebook, Google, Twitter và Snapchat… đang khiến mỗi bit thông tin liên quan đến dòng sự kiện về chính trị gia “nóng” lên từng ngày.

Đại diện Twitter cho biết, tính đến thời điểm ông Trump đắc cử, có hơn 75 triệu tweet liên quan đến bầu cử Tổng thống Mỹ, cao gấp đôi so với năm 2012 khi ông Obama tái đắc cử - chỉ 31 triệu tweet.

Còn trên Facebook – mạng xã hội có số người dùng lớn nhất thế giới có 115 triệu người tham gia, đóng góp ý kiến về cuộc tranh cử của Hillary Clinton và Donald Trump, tạo ra hơn 716 triệu lượt thích, bình luận, chia sẻ. Đại diện Facebook nhấn mạnh đây là cuộc thảo luận chính trị lớn nhất từ trước đến nay.

Twitter thậm chí còn tổ chức một sự kiện tại Washington để trải thảm đỏ cho các ứng viên tranh cử. Và trang mạng xã hội này tiếp tục hợp tác với Square để người dùng có thể tweet để ủng hộ sự kiện và ứng cử viên yêu thích.

Một lần, Eric Laurence (làm việc ở Facebook) đã trích dẫn những lợi ích của quảng cáo video và nói rằng đó là “cách tuyệt vời để tiếp cận. vận động người ủng hộ và bỏ phiếu cho các ứng viên để giành chiến thắng trong bầu cử”. Ông cũng nói thêm rằng “những người bầu cử trên Facebook”, không đâu xa là khoảng 200 triệu công dân Mỹ tích cực sử dụng Facebook. Công ty còn có một đội ngũ chuyên môn cung cấp sự giúp đỡ qua các dịch vụ quảng cáo Facebook cho các ứng viên tranh cử.

Ngay cả những ứng dụng khá mới như Snapchat cũng ra mắt bộ lọc chỉnh ảnh cũng như video quảng cáo 10 giây để phục vụ cho các cuộc vận động chính trị. Một vài ứng cử viên đầu tiên đã chạy quảng cáo trên nền tảng này như John Kasich, Rand Paul and Scott Walker. Thậm chí Snapchat còn thuê Rob Saliterman – cựu lãnh đạo Google để tăng doanh số bán quảng cáo chính trị dưới thời chính quyền George W. Bush.

Năm nay là một năm nhiều cuộc vận động tranh cử ở Mỹ được thực hiện rầm rộ qua mạng xã hội. Theo nhiều ý kiến đánh giá, truyền thông xã hội đã tác động mạnh mẽ đến những cuộc đàm luận chính trị ở Mỹ. Và ở một khía cạnh nào đó, truyền thông xã hội cũng dành được chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này.

Chiến thắng nhờ “chiếm lĩnh” mạng xã hội

Donald Trump vượt trội trong khả năng tiếp cận người dùng trên Facebook thông qua các video trực tiếp

Sam Sanders, phát thanh viên ở Đài phát thanh quốc gia (National Public Radio), đã theo dõi tình hình chính trị diễn ra trên các mạng xã hội như Facebook, Twitter và các truyền thông xã hội khác cho biết: “Trong mùa bầu cử năm nay, mạng xã hội đóng vai trò quan trọng chưa từng có trong hoạt động chính trị ở nước Mỹ. Không một bài báo nào về bầu cử Tổng thống Mỹ mà không nhắc đến những trò hề của Donald Trump. Nói Donald Trump đã chiến thắng cuộc chiến truyền thông xã hội thì không đúng. Nhưng ông ấy có thể trở thành Tổng thống đầu tiên viết lại vai trò của truyền thông mạng xã hội”.

Phát thanh viên Sanders cũng cho rằng, Donald Trump đã chế ngự được truyền thông mạng xã hội năm nay và tạo ra sức ảnh hưởng lớn tới các ứng viên khác trên đường đua tranh cử Tổng thống Mỹ.

Facebook chính thức của Donald Trump nhận được hơn 13,7 triệu like, hơn 100.000 tài khoản đăng ký theo dõi trên Youtube, 14,1 triệu follower Twitter và 3,5 triệu follower trên Instagram. So với đối thủ nặng ký là bà Hillary Clinton: gần 9,2 triệu like fanpage Facebook, gần 136.0000 tài khoản đăng ký theo dõi trên Youtube, 10,9 triệu follower Twitter và 3,5 triệu follower trên Instagram.

Brigitte Majewski, Giám đốc nghiên cứu ở Forrester, nhận định: “Chỉ dựa vào số lượng người theo dõi không có nghĩa các ứng viên nhận được phiếu bầu từ họ. Nó chỉ có nghĩa rằng họ nằm trong sự quan tâm, chú ý của công chúng. Đó là một tín hiệu tốt, nhưng cuối cùng, tín hiệu đó vẫn không phải một lá phiếu bầu”.

“Nhưng khi nghiên cứu về lượng chia sẻ ý kiến và bình luận trên các mạng xã hội, rõ ràng Donald Trump là người nhận được nhiều quan tâm hơn cả so với những ứng viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng” – Sanders nói thêm.

Trong quá trình tranh cử kịch tính giữa bà Clinton và ông Trump, mạng xã hội được sử dụng để 2 đối thủ tăng cường chỉ trích, đả kích nhau và lôi kéo sự đồng thuận của người dân. Ngoài ra, người dùng bây giờ cũng biến Facebook trở thành một “phòng họp sôi nổi” để bàn luận về mọi vấn đề trong cuộc sống, từ những câu chuyện phiếm, chuyện cá nhân riêng tư tới các lĩnh vực kinh tế, xã hội, chính trị.

Theo Sander, Facebook có các thuật toán kiểm soát nội dung dòng tin tức trên trang cá nhân của mỗi facebooker dựa theo mối quan tâm của họ được ghi nhận qua mỗi thao tác “like” page trước đó và kết nối họ với quan điểm chính trị của mình.

Còn bà Kerric Harvey - tác giả của cuốn sách “Bách khoa về mạng xã hội và chính trị” - cho rằng, mỗi người dùng Twitter có thể tạo nên một cuộc đối thoại chính trị nghiêm túc trên trang của mình.

Qua sự tương tác đa chiều trong không gian của Facebook và Twitter cũng như nhiều trang web riêng, mọi người đều có thể cất lên tiếng nói của mình về một vấn đề đang được xã hội quan tâm. Nghĩa là cơ hội được lắng nghe và phát biểu ý kiến được chia đều cho mỗi người và nhờ đó họ cũng biết được người khác đã nói gì, nghĩ gì chứ thông tin không bị “lọc” qua một lăng kính truyền thông nào khác.

Cứ như thế, cuộc bầu cử 2016 trôi qua giữa những ngày dài tranh cãi trên mạng xã hội giữa các phe phái ủng hộ cho Donald Trump hoặc Hillary Clinton. Rõ ràng, những ứng viên chạy đua trong cuộc bầu cử 2016 đã khiến mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mạng xã hội trở nên “sục sôi”.

Sự trỗi dậy của các robot mạng cũng khiến cục diện chính trị bị thay đổi, vì thế một số bình luận viên đã gọi cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ 2016 là “cuộc chiến của các robot mạng”.

Theo một nghiên cứu gần đây của Đại học Oxford, trong 2 cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên, có 1/3 tweet ủng hộ cho “đấu thủ” Trump và chỉ có gần 1/5 tweet ủng hộ cho “đấu thủ” Clinton đến từ các robot mạng tự động. Cụ thể, các robot mạng đã tự động tạo ra hơn 1 triệu thông điệp trên Twitter.

Douglas Guilbeault (Đại học Pennsylvan) - một thành viên trong nghiên cứu này - cho biết, những thông điệp từ robot mạng không phải lúc nào cũng tốt và đáng tin cậy. Ông nói rằng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay “khối lượng, chiến lược và ảnh hưởng tiềm năng của thông tin tự động là chưa từng có tiền lệ - chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến thực sự của các bot (robot mạng)”.

Theo Sam Woolley - Giám đốc nghiên cứu dự án Political Bots, khi phân tích tác động của các robot mạng tới dư luận xã hội, luồng thông điệp tự động sẽ tạo ra “phông nền thông tin giả” và có thể tác động lên tâm trạng của người dùng và được tiếp nhận như “truyền thông thực”.

Hiện nay Twitter chứng tỏ phương pháp luận cho nghiên cứu này còn thiếu sót, nhưng họ không phủ nhận sự tồn tại của các robot mạng đã tác động lớn đến những cuộc luận đàm chính trị.

Theo trang web Business Insider, một số người đang đổ lỗi cho Facebook vì chiến thắng bất ngờ của Donald Trump trên đường giành ghế Nhà Trắng. Facebook và thuật toán kiểm soát dòng tin tức trên trang cá nhân đã tạo ra “bong bóng tin tức” và khiến người dùng không phân biệt nổi hiện thực và hư cấu. “Bong bóng tin tức” là cụm từ được Eli Pariser dùng trong cuốn sách bán chạy nhất năm 2011 của ông mang tên: “Bong bóng tin tức: Internet đang giấu bạn điều gì” (The Filter Bubble: What the Internet Is Hiding from You).

Theo thuật toán hiển thị Newsfeed (dòng tin tức) của Facebook, nếu ai đó chia sẻ một câu chuyện, tình tiết về một chính trị gia phù hợp với nhãn quan của bạn và bạn ấn “Like” điều đó, thì những nội dung tương tự sẽ tiếp tục được hiển thị trên dòng tin tức của bạn dù có thể tình tiết đó hoàn toàn sai lầm. Nhưng bạn khó có thể kiểm chứng mức độ tin cậy của tin tức, sau đó Newsfeed của bạn có thể chỉ tiếp tục hiển thị những chi tiết sai lệch. Ở mức độ cao hơn, nó có thể bỏ qua những tình tiết về các sự kiện khác trên thế giới. Việc này có thể sẽ “lái” quan điểm của bạn sang hướng khác.

Nghiên cứu Pew gần đây cho thấy, có 63% người trưởng thành Mỹ sử dụng Facebook như một nguồn thông tin về các sự kiện và vấn đề trong xã hội ngoài chức năng là nơi đăng ảnh gia đình và bạn bè.

Trong khi đó, Facebook không sẵn sàng nhận trách nhiệm trong việc này vì mạng xã hội này không hoạt động như một cơ quan thông tin hay một công ty truyền thông. Hồi tháng 8, người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg từng nói: “Chúng tôi là một công ty công nghệ, không phải công ty truyền thông. Khi bạn nghĩ về một công ty truyền thông nghĩa là mọi người đang sản xuất, chỉnh sửa nội dung. Đó không phải chúng tôi. Chúng tôi tồn tại để mang đến cho các bạn công cụ kết nối với mọi người, doanh nghiệp, các tổ chức trên thế giới và có được những trải nghiệm mà bạn muốn”.

Busines Insider bình luận: “Vì thế, khi thức dậy và thấy kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, nhiều người đã suy nghĩ lại về vai trò của Facebook và nó không phải theo hướng tốt”.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-thoi-su/mot-%e2%80%9cchien-thang%e2%80%9d-khac-cho-mang-xa-hoi-trong-bau-cu-tong-thong-my-2016