Một bản án còn nhiều nghi điểm cần làm rõ

Ảnh minh họa

Vụ tranh chấp hợp đồng hụi giữa nguyên đơn là bà Đoàn Thị Nhân và bị đơn là vợ chồng ông Nguyễn Thành, bà Trương Thị Kim Tuyến (cùng trú thôn Nam Bình 1, xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa) còn nhiều nghi điểm. Thế nhưng, thay vì làm rõ những bất cập đó, TAND huyện Đông Hòa lại tuyên án và có dấu hiệu vi phạm tố tụng…

Chơi hụi nợ hơn 1,47 tỉ đồng

“Bản án sơ thẩm 37 ngày 15/11/2019 của TAND huyện Đông Hòa đã vi phạm thủ tục tố tụng. Vì vậy, để vụ án được giải quyết một cách khách quan, công bằng, tòa cấp phúc thẩm cần xem xét lại bản án sơ thẩm một cách thấu tình đạt lý. Tránh lợi dụng việc tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động nguồn vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác”, luật sư Quê nhấn mạnh.

Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn thì từ năm 2016 đến đầu năm 2019, bà Đoàn Thị Nhân là chủ hụi, bà Tuyến chơi hụi với số tiền 5 triệu đồng/chân hụi và tham gia rất nhiều dây hụi. Đến tháng 2 âm lịch năm 2019, khi chốt nợ, vợ chồng ông Thành bà Tuyến nợ bà Nhân hơn 1,14 tỉ đồng, cộng các khoản nợ trước, nâng tổng nợ hơn 1,5 tỉ đồng. Sau đó, vợ chồng ông Thành trả hơn 70 triệu đồng, còn nợ bà Nhân hơn 1,47 tỉ đồng. Do đó, bà Nhân khởi kiện ra tòa đề nghị vợ chồng ông Thành phải trả số tiền này.

Trong khi đó, ông Thành cho biết mình không hề tham gia chơi hụi hay vay mượn bà Nhân. Còn bà Tuyến thì thừa nhận chơi hụi, cuối năm 2017 đã chốt và trả hết nợ cho bà Nhân; đến năm 2018 và đầu năm 2019, bà chơi hụi tiếp với số tiền gốc nhận được 140.000 đồng. Sau đó, bà Tuyến góp dần và chỉ còn nợ bà Nhân hơn 337 triệu đồng. Vì vậy, vợ chồng bà chỉ chấp nhận còn nợ bà Tuyến hơn 337 triệu đồng.

Sau nhiều lần hòa giải bất thành, ngày 15/11/2019, TAND huyện Đông Hòa đưa vụ án ra xử sơ thẩm. Tại phiên xử, các nguyên đơn và bị đơn đều giữ nguyên quan điểm của mình.

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn, theo luật sư Nguyễn Ninh (Văn phòng luật sư Nguyễn Ninh), căn cứ vào tài liệu và chứng cứ có tại hồ sơ thì việc bà Nhân cung cấp các sổ và giấy biên nợ, nhưng chỉ ghi số và không ghi đơn vị tính nên không phải là chứng cứ theo khoản 1 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì yêu cầu của nguyên đơn là không có căn cứ. Vì vậy, luật sư yêu cầu hội đồng xét xử buộc bà Tuyến chỉ phải trả cho bà Nhân hơn 337 triệu đồng.

Đại diện quyền thực hành quyền công tố tại tòa, kiểm sát viên Dương Thanh Nhuận (Viện KSND huyện Đông Hòa) thì căn cứ vào tài liệu hồ sơ cũng như việc tranh tụng tại tòa, bà Nhân yêu cầu bà Tuyến phải trả hơn 1,47 tỉ đồng nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh việc ông Thành, bà Tuyến còn nợ số tiền này nên đề nghị hội đồng xét xử chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của bà Nhân, buộc bà Tuyến phải trả cho bà Nhân hơn 337 triệu đồng.

Vụ án có nhiều nghi điểm, nhưng kết thúc phiên xử, thẩm phán Mai Tấn Hồng (TAND huyện Đông Hòa) không chấp nhận ý kiến của bị đơn và luật sư, cũng như quan điểm giải quyết vụ án của kiểm sát viên, mà lại chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, buộc vợ chồng ông Thành, bà Tuyến phải trả cho bà Nhân hơn 1,47 tỉ đồng…

Nhiều bất cập cần làm rõ

Theo luật sư Nguyễn Hương Quê (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh), quá trình giải quyết vụ án, TAND huyện Đông Hòa đã xác định không đúng quan hệ tranh chấp, nên không đảm bảo được hướng tiếp cận vụ án, nhận định không thống nhất. Cụ thể, ở Thông báo thụ lý 70 ngày 28/5/2019 ghi rõ: “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” nhưng tại Bản án 37 ngày 15/11/2019 của TAND huyện Đông Hòa thì ghi: “Tranh chấp hợp đồng hụi”. Như vậy, việc xác định ngay từ khi thụ lý vụ án đến khi tiếp cận chứng cứ thì quan hệ tranh chấp đã không đúng. Do đó, bản án sơ thẩm tuyên ngày 15/11/2019 không tuân thủ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành.

Cũng theo luật sư Quê, nếu xét về quan hệ tranh chấp, đây phải là “Tranh chấp hợp đồng hụi”. Theo quan hệ tranh chấp này thì ông Thành hoàn toàn không chơi hụi mà chỉ một mình bà Tuyến chơi. Nếu theo nhận định của tòa án cấp sơ thẩm thì từ năm 2016 đến đầu năm 2019, bà Nhân xác lập hợp đồng hụi, với hình thức có lãi. Theo đó, bà Nhân là chủ hụi, bà Tuyến là con hụi. Mặt khác, bà Tuyến tham gia nhiều dây hụi và hốt hụi đầu, sau đó đóng hụi chết cho bà Nhân cho đến khi không chơi hụi nữa là đầu năm 2019, nên việc tòa án căn cứ Nghị định 19/2019/NĐ-CP ngày 19/2/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường để giải quyết vụ án là một vi phạm nghiêm trọng về căn cứ pháp luật. Bởi việc chơi hụi giữa bà Nhân và bà Tuyến phải được điều chỉnh bằng Nghị định 144 ngày 27/11/2006 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường.

Hơn nữa, các quyển sổ mà bà Nhân cung cấp cho tòa án hoàn toàn không phải là sổ họ hợp pháp theo quy định. Đặc biệt, không hề có bất cứ chữ ký nào của bà Tuyến xác nhận còn nợ bao nhiêu tiền trong tất cả các quyển sổ của bà Nhân. Như vậy, các quyển sổ mà bà Nhân cung cấp không được coi là chứng cứ hợp pháp theo quy định tại các điều 93, 94, 95 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành.

Hiện TAND tỉnh đã thụ lý kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của bị đơn.

LỆ VĂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/164/232627/mot-ban-an-con-nhieu-nghi-diem-can-lam-ro.html