Mong muốn 'an cư' của người dân xóm Vạn

Vì nằm trong khu vực quy hoạch công viên cây xanh nên nhiều năm nay, các hộ dân xóm Vạn, thuộc Tiểu khu 2, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất. Mấy mươi năm chờ đợi, mong mỏi là thế nhưng giấc mơ 'an cư' của người dân xóm Vạn vẫn khó thành hiện thực.

Người dân xóm Vạn phải sống trong những căn nhà chật hẹp, xuống cấp suốt mấy chục năm qua - Ảnh: T.P

Gia đình ông Nguyễn Văn Trợ (sinh năm 1965) là một trong những hộ sống tại xóm Vạn đến nay chưa được cấp giấy CNQSD đất.

Cách đây khoảng 30 năm, thời điểm thị trấn Ái Tử vừa mới thành lập, dân cư còn thưa thớt, ông Trợ cùng một số hộ dân sống tại xã Triệu Lương (nay là phường Đông Lương, TP. Đông Hà) quyết định chuyển hộ khẩu vào đây.

Trên phần đất rộng chừng 49 m2 được địa phương cho mượn, ông cất tạm một căn nhà nhỏ, đơn sơ để con cái có chỗ trú mưa, trú nắng trong lúc mình đi làm công việc đánh bắt cá trên sông và ở như thế cho đến bây giờ.

Qua thời gian, từ vài hộ gia đình ban đầu, đến nay xóm Vạn đã có khoảng 36 hộ gia đình đang sinh sống.

Ngày trước khi con cá, con tôm còn nhiều, người dân nơi đây còn tha thiết bám sông đánh bắt tôm, cá. Giờ cá, tôm khan hiếm, các hoạt động khai thác cát, sạn cũng bị cấm nên cuộc sống của họ thực sự rất khó khăn. Họ phải xoay xở đủ nghề để kiếm miếng ăn.

“Mấy chục năm nay, chúng tôi phải sống trong cảnh ăn không yên, ở không yên vì không có giấy CNQSD đất. Nhà cửa xuống cấp không thể sửa sang, cơi nới. Chúng tôi cũng không thể vay vốn ngân hàng để đầu tư làm ăn”, ông Trợ chỉ tay về những ngôi nhà tạm bợ xung quanh, giọng ngậm ngùi.

Ở xóm Vạn, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà xập xệ, chật hẹp với diện tích chỉ từ 20 - 50 m2 , được chắp nối nhiều lần và đã xuống cấp nghiêm trọng. Đó là nơi sinh hoạt của hai, ba, thậm chí là bốn thế hệ trong một gia đình. Phòng khách vừa là phòng ngủ, vừa là phòng ăn... Không riêng gia đình ông Trợ mà cả gia đình 5 người của anh Lê Văn Thế (sinh năm 1983) hiện sống chen chúc nhau trong ngôi nhà có tổng diện tích chỉ vỏn vẹn 20 m2 .

Trước đây, khi còn sống tại thôn An Lệ, xã Triệu Phước, con thuyền không chỉ là phương tiện kiếm sống mà còn là nơi trú ngụ của vợ chồng anh. Mãi đến năm 1996, gia đình anh mới chuyển về xóm Vạn này.

Anh chia sẻ: “Tôi vốn quen với những công việc trên sông nhưng vài năm trở lại đây, thu nhập từ nghề này không đủ để tôi trang trải cho cuộc sống. Tôi cũng cố gắng tìm kiếm nhiều công việc khác để làm nhưng hoàn cảnh gia đình tôi không khấm khá nổi. Nhà cửa chật chội, các con tôi không có được một chỗ ngồi học cho đàng hoàng”.

Trưởng Tiểu khu 2, thị trấn Ái Tử Trần Văn Tùng cho biết, khu vực xóm Vạn qua hơn 30 năm, đến nay đã có trên 36 hộ gia đình đang sinh sống, trên thực tế đã xây nhà riêng lẻ.

Tuy nhiên, trong số đó có đến 26 hộ chưa được cấp giấy CNQSD đất do khu vực này nằm trong khu vực quy hoạch cây xanh theo Quyết định số 2358/QĐ-UB ngày 27/9/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Phần đông các hộ dân nơi đây đều có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt khó khăn vì không có công việc ổn định, thu nhập bấp bênh. Những năm qua, mặc dù được sự quan tâm của chính quyền thị trấn và huyện Triệu Phong song mong muốn được di dời của người dân xóm Vạn vẫn chưa thực hiện được.

“Mùa nắng tuy nóng nhưng vẫn đỡ hơn mùa mưa bão. Mưa xuống là nước ngập, người dân rất vất vả. Chúng tôi phải lập tức vận động di dời người già và trẻ em lên địa điểm cao hơn để trú ẩn. Mong muốn lớn nhất của người dân bây giờ là được cấp giấy CNQSD đất để họ yên tâm làm ăn; hỗ trợ vốn, tạo sinh kế để phát triển kinh tế, tạo dựng cuộc sống mới”, ông Tùng bộc bạch.

Đứng bên cạnh Trưởng Tiểu khu 2, ông Trợ nói thêm: “Chúng tôi tuy khó khăn nhưng từ trước đến nay luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, tích cực tham gia vào các hoạt động, phong trào do địa phương tổ chức.

Giờ đây chỉ mong hoặc là chính quyền các cấp quan tâm, xóa bỏ quy hoạch để cấp giấy CNQSD đất cho chúng tôi hoặc sớm di dời chúng tôi đến nơi ở mới. Chúng tôi đồng ý hoàn trả lại mặt bằng cho địa phương, chấp nhận rời đi mà không đòi hỏi điều gì, chỉ mong được xem xét hỗ trợ xây dựng căn nhà nhỏ, kiên cố để ổn định cuộc sống”.

Trao đổi với lãnh đạo thị trấn Ái Tử về vấn đề này, Chủ tịch UBND thị trấn Ái Tử Lê Xuân Lương cho hay, Quyết định số 2358/QĐ-UB ngày 27/9/2016 của UBND tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ban hành từ lâu nhưng đến nay việc di dân vẫn chưa thực hiện. Trong lúc đó, người dân tại xóm Vạn không được phép xây dựng mới dù nhà cửa đã xuống cấp nghiêm trọng vì vướng các thủ tục pháp lý.

Tuy đã kiến nghị nhiều lần lên các cấp, thế nhưng cho tới hiện tại, cư dân xóm Vạn với hơn 150 nhân khẩu vẫn đang phải tiếp tục chờ đợi để được an cư. “Trước đây, huyện đã có bố trí 2 tỉ đồng để quy hoạch một khu đất đưa người dân xóm Vạn đến nơi ở mới.

Tuy nhiên, việc này vấp phải những ý kiến trái chiều của người dân sống tại vị trí dự kiến đó nên vẫn không thể thực hiện được. Từ thực tế cuộc sống của người dân, UBND thị trấn Ái Tử đã kiến nghị, đề xuất lên cấp có thẩm quyền xem xét các phương án xử lý bao gồm: Phương án một là đề nghị sớm bố trí kinh phí hỗ trợ bồi thường, giải phóng mặt bằng di dời để thực hiện quy hoạch đã được phê duyệt. Dự kiến tổng kinh phí từ 40 - 50 tỉ đồng.

Đồng thời, đề nghị hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực bến xe tại chợ Ái Tử đã được điều chỉnh quy hoạch (diện tích 5.000 m2 ) qua quy hoạch đất ở và phân lô, bố trí tái định cư cho người dân xóm Vạn.

Phương án hai là nếu không thực hiện quy hoạch, đề nghị các cấp có thẩm quyền cấp giấy CNQSD đất cho hộ dân để ổn định cuộc sống và điều chỉnh quy hoạch từ đất cây xanh công viên sang đất ở để thực hiện cấp phép xây dựng, quản lý trật tự theo đúng quy định...

Mong rằng những kiến nghị này sớm được quan tâm, xem xét để người dân được “an cư”, ông Lê Xuân Lương nói.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/mong-muon-an-cu-cua-nguoi-dan-xom-van/179071.htm