Mong chờ ngày được bước lên tàu metro Bến Thành - Suối Tiên

Hồi hộp, háo hức là cảm xúc của nhiều người TP.HCM khi thấy các đoàn tàu cuối cùng của tuyến metro số 1 cập cảng.

Từ khi bắt gặp đoàn xe dài chở toa tàu metro về depot Long Bình (TP Thủ Đức), chị Nguyễn Ngọc Thủy (40 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) mong một ngày cùng cậu con trai lên tàu vi vu vào quận 1.

“Cả nhà tôi ai cũng chờ ngày tàu chạy”, chị Thủy hào hứng nói khi hay tin toàn bộ 17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã về TP.HCM.

Từng toa tàu metro được đưa đến depot mang theo niềm vui và sự kỳ vọng của người dân. Ai cũng mong chờ ngày chuyến tàu metro đầu tiên lăn bánh ở TP.HCM.

Sự kiện đáng mong chờ

Là cựu du học sinh Australia, Minh Anh (24 tuổi) mất khá nhiều thời gian để làm quen với tàu điện tại nước bạn. Sau nhiều tháng, cô dần thuần thục và thích thú vì tàu điện giúp nữ sinh tiết kiệm khoản lớn chi phí đi lại. Song, Minh Anh cho biết hơn bao giờ hết, cô mong muốn được đi trên tàu điện tại chính quê hương của mình.

Một đô thị hiện đại và hướng tới đô thị thông minh như TP.HCM rất cần có nhiều tuyến metro.

Chị Hương Ly

Theo quan sát của Minh Anh, metro giải quyết được vấn đề kẹt xe, tiết kiệm thời gian, đồng thời người đi cũng rèn được tính kỷ luật và những thói quen tốt khác như đi bộ.

“Mỗi trạm tàu chỉ dừng ở một địa điểm nhất định nên sẽ không tiện tạt ngang tạt dọc. Nếu đến địa điểm mong muốn, ngoài tàu điện, tôi có khi phải đi cả xe buýt, xe điện và đi bộ. Tàu xuất phát đúng giờ nên nếu chọn đi làm, đi học bằng tàu điện, mình buộc phải đúng thời gian biểu", cựu du học sinh Australia chia sẻ.

Ga tàu điện ở Melbourne (Australia). Ảnh: Minh Anh.

Trong khi đó, Hương Ly (27 tuổi, quê Hà Nội, làm việc tại TP.HCM) cho biết so với tuyến tàu điện trên cao ở Hà Nội, metro số 1 TP.HCM được quy hoạch một phần ngầm, khiến cảnh quan đô thị đỡ "rối mắt" hơn.

"Khi đi tàu điện ở Hà Nội, tôi thấy văn minh. Tôi tin chắc metro ở TP.HCM cũng sẽ mang lại cảm nhận như vậy", Ly chia sẻ.

Sự văn minh ấy, theo cô, đến từ nhiều yếu tố như hệ thống bán, soát vé tự động; độ chính xác của giờ tàu chạy và không phải chịu tác động từ thời tiết như mưa hay nắng.

"Một đô thị hiện đại và hướng tới đô thị thông minh như TP.HCM rất cần có nhiều tuyến metro có thể phát huy được những ưu điểm này, khiến cuộc sống người dân văn minh, thuận tiện hơn", Ly chia sẻ.

Tàu điện Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.

Còn Đặng Tuấn Anh (27 tuổi, nhân viên văn phòng) mong ngóng tàu metro từ những ngày đầu mới đi làm. Người đàn ông này từng được trải nghiệm tàu metro ở Hà Nội nên khá mong đợi được đi tàu ở TP.HCM.

"Nhà tôi ở Thủ Đức, chuyến tàu này sẽ đi từ nhà tôi đến công ty ở quận 1. Nếu tàu được chạy sớm, tôi sẽ đi phương tiện công cộng thay cho xe cá nhân", Tuấn Anh nói.

Giấc mơ metro

Ông Vũ Ninh, thành viên HĐQT Tập đoàn Gemadept, cho biết sau nhiều năm làm việc, công tác tại nước ngoài, ông có dịp trải nghiệm tàu điện ở nhiều quốc gia.

Tôi ước mong một ngày được đi trên tàu điện ngầm ở TP.HCM.

Ông Vũ Ninh

"Chính vì điều đó, tôi ước mong một ngày được đi trên tàu điện ngầm ở TP.HCM. Đến hôm nay, khi Gemadept và các đơn vị vận chuyển đang hoàn tất những khâu cuối cùng để đưa đoàn tàu về depot, tôi biết rằng ước mơ đó sắp trở thành sự thật", ông Ninh bày tỏ và cho biết là một người dân sống tại TP.HCM, bản thân ông rất xúc động, tự hào khi nhìn thấy giao thông đô thị ngày một hiện đại.

Ông Vũ Ninh tại buổi đón 2 đoàn tàu metro số 1 cuối cùng ở cảng Khánh Hội (quận 4). Ảnh: Thư Trần.

Là sinh viên năm 2 ở Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, Nguyễn Minh Thùy cùng nhiều bạn bè mong muốn trải nghiệm tuyến giao thông này kể từ khi biết đến dự án gần 2 năm nay.

Lâu nay, phương tiện chính Thùy lựa chọn là xe buýt vì chi phí rẻ. Trường ở TP Thủ Đức, hàng ngày cô phải dậy từ 5h30 để đi xe buýt cho kịp giờ đến giảng đường. Tuy nhiên, việc trạm xe buýt ở xa, di chuyển đường dài, xe dừng đón khách nhiều khiến cô sinh viên có phần ngao ngán.

“Xe buýt hiện là lựa chọn tốt nhất của sinh viên, nhưng nhiều khi thời gian ngồi xe rất dài do đường bị kẹt hoặc ngập nước… Tôi mong kịp trải nghiệm tàu điện metro trước khi ra trường", Thùy cười.

Hai đoàn tàu metro cuối cùng được hạ cẩu lên xe siêu trường siêu trọng về depot. Ảnh: Thư Trần.

Cùng mong muốn, Lê Bảo Trân (25 tuổi, ở TP Thủ Đức) cũng hy vọng metro sớm hoàn thành để mọi người có thêm sự lựa chọn đi lại với chi phí hợp lý.

Metro số 1 là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM với mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng. Tuyến giao thông được kỳ vọng góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và giúp đô thị lớn nhất cả nước trở nên năng động, hiện đại hơn. Tính đến tháng 5, công trình đạt tổng khối lượng 90,5%.

Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết thời gian tới, dự án tập trung toàn lực vào công tác thi công lắp đặt của nhà thầu cơ điện Hitachi, thúc đẩy tiến độ để nhanh bước đến giai đoạn tích hợp hệ thống, thử nghiệm và vận hành trước khi khai thác chính thức.

Giai đoạn đầu, MAUR sẽ nhận và vận hành loại tàu có 3 toa (dài 61,5 m), sức chở 930 khách (147 khách ngồi, 783 khách đứng). Tàu có tốc độ tối đa 110 km/h khi đi trên cao và 80 km/h lúc chạy ngầm.

Các đoàn tàu sau khi về Depot Long Bình sẽ được kết nối với hệ thống tín hiệu tại khu vực này. Sau các bước đánh giá từ kết quả thử nghiệm giai đoạn 1, tàu metro sẽ tiếp tục được thử nghiệm trên chính tuyến (đường ray, hệ thống tiếp điện trên cao).

Thư Trần

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hao-huc-cho-ngay-buoc-len-tau-metro-ben-thanh-suoi-tien-post1301863.html