Món quà từ nước Nga

Kỷ niệm 99 năm Cách mạng tháng Mười Nga (7-11), đến thăm Thượng tá Hoàng Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Công binh Quân khu 5 ở 656 Trưng Nữ Vương, Đà Nẵng, chúng tôi bắt gặp ông đang tần ngần bên hai kỷ vật xinh xắn, đáng yêu. Câu chuyện về các thầy cô giáo nước Nga tặng ông món quà này của hơn 40 năm trước vì thế cứ miên man…

Đồng chí Hoàng Văn Phúc (ngoài cùng bên trái) cùng thầy giáo Khabarop năm 1981.

Cuộc đời của Thượng tá Hoàng Văn Phúc gắn liền với nghiệp công binh. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, khi đất nước còn chiến tranh, chàng trai Nghệ An đã nhập ngũ, sau đó được học trường Sĩ quan Công binh, rồi vào chiến đấu ở các chiến trường Quảng Trị và Lào cho đến ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước. Trên cương vị tiểu đoàn trưởng công binh, ông được đào tạo cán bộ nguồn ở Học viện Lục quân. Chính ngôi trường này đã đưa ông đến nước Nga...

Học viện Công binh Quybưsep ở Moskva khá trang nghiêm, cổ kính. Đã có tất cả 165 sinh viên Việt Nam trưởng thành từ đây về xây dựng đất nước. Năm 1978, lớp công binh Việt Nam đợt ấy chỉ có ông cùng Nguyễn Xuân Đức, Nguyễn Văn Báu và Đinh Văn Hùng. Suốt 5 năm như thế, hơn chục thầy cô thay nhau chỉ dạy 4 trò. Đi học lúc đã 37 tuổi và đã có 3 đứa con ở nhà nhưng do vóc dáng thư sinh, trắng trẻo, các thầy cô giáo coi ông như con dù họ hơn trò chỉ chừng chục tuổi. Nước Nga sâu đậm nhất trong ông chính là thầy giáo chủ nhiệm Khabarop đồng thời là giáo viên dạy môn trúc thành mang quân hàm trung tá. Đây là môn học khó nhất trong 6 môn học của công binh gồm cầu đường, vượt sông, trúc thành, bom mìn, xe máy và chỉ huy công binh. 5 năm gắn bó với nước Nga, kỷ niệm cứ đong đầy theo thời gian. Khó có thể nói hết tình yêu của thầy dành cho học sinh Việt Nam. Nhớ ngày mới qua, do dị ứng với khí hậu lạnh giá của Nga, da ông cứ mẩn đỏ, môi sưng vều lên. Ông trùm mũ kín mít để giấu, nhưng rồi không qua được mắt thầy Khabarop. Đang dạy trên lớp, thầy nhìn xuống: “Phúc, mặt em sao vậy?”. Thấy trò ấp úng, thầy bảo cả lớp tự ôn tập, rồi dẫn cậu trò yêu của mình đi trạm xá. Biết ông đã trải qua chiến đấu ở Quảng Trị, sợ bị ảnh hưởng chất độc hóa học, thầy bảo trạm xá làm xét nghiệm toàn bộ cho ông và điều trị với phác đồ khoa học. Cũng chính nhờ vậy mà ông Phúc hết hẳn bệnh dị ứng vào mùa lạnh bao năm nay. Một tuần ở đây, thầy thường xuyên đến thăm giúp ông ôn bài, tặng ông con lật đật để khỏi nhớ nhà. Con lật đật ấy cùng với con búp bê xinh đẹp do cô giáo dạy tiếng Nga tặng trong những ngày ở trạm xá sau này, ba đứa con ông đã chơi suốt tuổi thơ, đến bây giờ vẫn được trang trọng đặt trong phòng khách.

Ông Phúc bồi hồi: “Thầy Khabarop là hiện thân của tính cách Nga hồn hậu và giàu lòng nhân nghĩa. Còn nhớ khi mới qua, trong lần dã ngoại, nhiệt độ dưới âm 30 độ, chúng tôi mới chỉ được trang bị ủng ngắn. Thầy đi trước dùng chân gạt để tuyết không chui vào ủng người đi sau. Về trường, thầy liên hệ ngay để chúng tôi có được ủng cao đến gối. Những lần dã ngoại ấy, thầy đưa tất cả đi bằng xe của thầy, chuẩn bị đồ ăn uống chu đáo. Có khi đưa cả vợ theo, hỗ trợ nấu nướng cho cả lớp. Thầy biết môn học trúc thành khó là bởi phải tính toán thiết kế, thi công hầm hào chiến đấu ở mọi địa hình với nhiều trang bị kỹ thuật trong khi ở Việt Nam, những người lính công binh ngày ấy chỉ có cuốc, xẻng, giàn giáo chống tạm chủ yếu là cây rừng. Vì thế, khi đi chơi thầy cũng tranh thủ dạy những điều mà chúng tôi chưa thật hiểu. Thầy kết hợp dạy mọi lúc, mọi nơi rất nhẹ nhàng. Những ngày chúng tôi làm luận án, thầy Khabarop thường xuyên kiểm tra và giúp ôn tập. Ở môn cuối cùng, thầy không yên tâm cứ đi qua đi lại ngoài phòng thi. Khi cửa mở, thầy bật đến hỏi ngay kết quả. Biết tất cả đều đạt điểm cao, thầy mừng rỡ ôm hôn từng học trò. “Ngày chia tay, thầy đưa chúng tôi ra tận sân bay, rơm rớm nước mắt, dặn tôi cố chọn đề tài nghiên cứu phó tiến sĩ để có dịp quay lại gặp thầy lần nữa. Nhưng tôi về là sáp ngay vào chiến trường K nên không thể thực hiện lời khuyên ấy”-ông Phúc bồi hồi.

Ông Hoàng Văn Phúc với các kỷ vật từ nước Nga.

Theo Thượng tá Hoàng Văn Phúc, khó có thể nói hết những tốn kém công sức, tiền của mà Học viện Quybưsep đã dành cho học sinh Việt Nam. Ngày ấy các học viên được tham quan, nghiên cứu thực tế các đơn vị công binh của Nga, tiếp xúc với mọi khí tài công binh hiện đại nhất lúc đó. Ở môn cầu đường, các trò Việt được học lái ô tô, máy xúc, máy đẩy, máy húc... và sử dụng thành thạo. Có lần, nhân bài học về môn vượt sông, nhà trường tổ chức một lữ đoàn công binh thao diễn bắc cầu phao trọng lực 80 tấn. Phà TBB, xe chuyên dùng, khí tài hỗ trợ, cùng nhiều phương tiện khác được huy động chỉ để phục vụ cho 4 sinh viên học tập. Khi biết những học sinh công binh Việt Nam đã qua chiến đấu, các thầy càng thêm yêu quý. Những kinh nghiệm của trò cũng được thầy đưa vào bài học. Về nước, những kiến thức được học 5 năm ở bạn là hành trang vô giá để ông Phúc góp phần xây dựng Trung đoàn Công binh 270, Quân khu 5 (nay là Lữ đoàn) trên cương vị Trung đoàn trưởng, sau này là Phó Chủ nhiệm Công binh Quân khu 5. Xây dựng đường sá, làm cầu phao cho dân qua sông dịp lũ, công trình phòng thủ, rà phá bom mìn... đều có từ những bài giảng năm xưa. Đáng nhớ nhất là năm 1985, ông được điều sang chiến trường K chỉ huy đơn vị đánh Pol Pot ở Ngã ba biên giới. Làm đường tuần tra, công sự, làm tạm cầu phao, đặt mìn, rào mốc, cắm chốt..., mọi việc khẩn trương ấy có được từ sự thành thục ở Quybưsep.

Hàng chục năm nay, hội đồng môn Học viện Công binh Quybưsep đều gặp mặt thường niên ở Hà Nội, có năm còn có cả chuyên gia nước Nga công tác bên Lăng Bác tham dự. Thượng tướng Trương Quang Khánh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cựu sinh viên của Học viện luôn có mặt trong các lần gặp gỡ. Họ cùng nhau ôn lại một thời thanh niên sôi nổi, cùng hát những bài hát Nga lãng mạn và trữ tình. Cách đây 3 năm, ông thấy trên truyền hình VTV1 cô dạy tiếng Nga, bà trong đoàn đại biểu các cựu chiến binh Nga thăm Việt Nam, ông mừng như chính gặp được bà. Những người bạn của ông ở Hà Nội khi xem truyền hình cũng có chung tâm trạng ấy. Nhớ cô giáo với những lần tạo bất ngờ bằng món quà sinh nhật, con búp bê ở trạm xá; ngày cuối tuần kéo cả lớp về ăn uống. Nhớ những lần đi thăm lăng Lênin hay các bảo tàng sau giờ học lịch sử; lời cô dặn dò, hướng dẫn tỉ mỉ khi lớp được chọn trong đội hình đứng tại lễ duyệt binh kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga hàng năm ở Quảng trường Đỏ...

Nước Nga yêu thương mãi mãi không quên trong ông, dù năm tháng trôi qua...

Hồng Vân

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_157265_mo-n-qua-tu-nuo-c-nga.aspx