Món quà Giáng sinh nào của Triều Tiên sẽ khiến cả Mỹ và TQ chấn động?

Phóng vệ tinh, thử nghiệm tên lửa liên lục địa thậm chí kích nổ đầu đạn hạt nhân là những cách mà Triều Tiên có thể làm để thu hút sự chú ý của Mỹ nhằm quay lại đàm phán.

“Chúng tôi đã quay trở lại hành động quen thuộc”, Triều Tiên một lần nữa đưa ra cảnh báo ẩn ý mà các quan chức trên thế giới đang tìm cách để giải mã. Cái gọi là “món quà Giáng sinh cho Mỹ”, “thời hạn chót” và một “con đường mới” đã được Bình Nhưỡng đưa ra trong tháng 12, CNN cho biết.

Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã gặp nhau 3 lần với hy vọng đạt được thỏa thuận nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, để đổi lấy việc gỡ bỏ các lệnh cấm vận và thiết lập quan hệ bình thường với Mỹ.

Tuy vậy, khả năng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn không thực sự chắc chắn. Ngay cả những bộ óc nhạy bén và giàu kinh nghiệm nhất khi nghiên cứu về Triều Tiên cũng nói rằng dự đoán của họ về những gì xảy ra tiếp theo cũng chỉ là phỏng đoán.

Dường như có một sự đồng thuận hình thành trong giới phân tích, rằng Triều Tiên thất vọng vì những gì mà họ cho là thiếu linh hoạt và sáng tạo từ các nhà đàm phán của Mỹ. Một điều đáng lo ngại hơn, bất kỳ điều gì Bình Nhưỡng sẽ làm tiếp theo là để thu hút sự chú ý của Tổng thống Trump.

Phóng vệ tinh

Phần lớn chuyên gia nói với CNN tin rằng bước tiếp theo rất có thể Bình Nhưỡng sẽ nỗ lực sử dụng tên lửa để phóng vệ tinh lên quỹ đạo. Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 14/11 đưa tin về “thử nghiệm quan trọng khác” đã được thực hiện thành công tại bãi phóng vệ tinh Sohae của nước này, một địa điểm mà Triều Tiên đã tuyên bố sẽ hủy bỏ sau cuộc đàm phán với Mỹ.

Bình Nhưỡng được cho là đã tiến hành 2 vụ thử động cơ tên lửa trong những tuần gần đây. Ảnh minh họa: KCNA.

Nó diễn ra khoảng một tuần sau thông báo tương tự về một “thử nghiệm rất quan trọng” đã diễn ra tại cơ sở trên. Bình Nhưỡng tuyên bố chương trình không gian của họ vì mục đích khoa học và hòa bình.

Ông Kim thường nói về mục tiêu xây dựng quốc gia thịnh vượng và hùng mạnh, thông qua nền kinh tế tự chủ về khoa học và công nghệ. Kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo đất nước từ năm 2011, nhà lãnh đạo trẻ tuổi đã phóng thành công 2 vệ tinh lên quỹ đạo.

Tuy vậy, những lời bào chữa đó không làm hài lòng cộng đồng quốc tế. Một vụ phóng vệ tinh sử dụng công nghệ tương tự như phóng tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân. Truyền thông nhà nước cũng xác nhận rằng vụ thử nghiệm gần nhất được thực hiện tại bãi phóng vệ tinh Sohae sẽ thúc đẩy năng lực “răn đe hạt nhân chiến lược đáng tin cậy” của đất nước.

Trong khi người ta vẫn chưa rõ những thử nghiệm gần đây phục vụ cho mục đích gì, mỗi vệ tinh mà Triều Tiên đưa vào quỹ đạo có thể cung cấp thông tin quan trọng cho chương trình tên lửa đạn đạo tiên tiến, nhưng chưa hoàn thiện của Bình Nhưỡng, các chuyên gia cho biết.

“Triều Tiên vẫn chưa thể hiện được khả năng mang tải trọng lớn trở lại bầu khí quyển Trái Đất, một yêu cầu cực kỳ quan trọng đối với chương trình tên lửa đạn đạo liên lục địa của họ”, Evans Revere, cựu chuyên gia về Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ nói.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong một chuyến thăm đơn vị quân đội. Ảnh: KCNA.

Ông Revere cho rằng cộng đồng quốc tế sẽ không có gì ngạc nhiên nếu Triều Tiên phóng vệ tinh để chứng minh khả năng mang tải trọng lớn vào Bắc Thái Bình Dương. “Đó là thông điệp đáng ngại được gửi tới Mỹ, rằng Triều Tiên có khả năng tấn công nước Mỹ bằng vũ khí hạt nhân”, ông Revere nhận định.

Triều Tiên đã làm điều tương tự vào năm 2012, khi Bình Nhưỡng và Washington ký thỏa thuận trao đổi lệnh cấm thử nghiệm tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, đóng cửa cơ sở hạt nhân Yongbyon để đổi lấy viện trợ lượng thực.

Tuy vậy, thỏa thuận đã sụp đổ sau khi Triều Tiên phóng vệ tinh vài tuần sau khi thỏa thuận được ký kết, bởi vì hai bên về cơ bản không đồng ý về việc một phương tiện phóng vệ tinh có được tính là tên lửa tầm xa hay không. Và cuộc tranh luận đó vẫn còn cho đến hôm nay.

Theo AP, sau thất bại tại Hội nghị thượng đỉnh lần 2 ở Hà Nội, Việt Nam vào tháng 2, Tổng thống Trump nói rằng nhà lãnh đạo Kim cam kết sẽ không thử tên lửa hoặc bất kỳ cái gì liên quan đến vũ khí hạt nhân, nhưng không đề cập gì đến việc phóng vệ tinh, vì vậy đó có thể là một khả năng để Bình Nhưỡng khai thác.

Adam Mount, thành viên cao cấp tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, nói rằng sự khác biệt này cho thấy lý do tại sao Washington thúc đẩy việc đóng băng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa để mở đường cho các cuộc đàm phán.

Ông Mount cho rằng bất kỳ điều gì mà Bình Nhưỡng làm sắp tới trong cái gọi là “quà tặng”, hoặc “con đường mới” sẽ không gây ngạc nhiên cho chính quyền Tổng thống Trump. “Trong suốt năm 2019, Triều Tiên liên tục leo thang áp lực để cố gắng kéo Mỹ trở lại bàn đàm phán. Nhưng chính quyền Tổng thống Trump không mấy bận tâm, họ chỉ mới thức tỉnh trong vài tuần gần đây và họ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tiềm tàng”, ông Mount nói.

ICBM hoặc hạt nhân

Một thử nghiệm ICBM hoặc kích nổ đầu đạn hạt nhân sẽ có tính khiêu khích mạnh hơn so với thử nghiệm vệ tinh và chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của Washington. Quay trở lại năm 2017, Bình Nhưỡng đã đề cập đến việc thử nghiệm ICBM đầu tiên của nước này, loại tên lửa được thiết kế để mang đầu đạn hạt nhân tới các mục tiêu khắp hành tinh, như một món quà cho Washington.

Vụ thử nghiệm diễn ra đúng vào ngày 4/7, ngày Quốc khánh Mỹ. Bình Nhưỡng tiếp tục thử nghiệm thêm 2 ICBM trong năm đó và tiến hành vụ thử hạt nhân trong lòng đất lớn nhất cho đến nay.

“Nếu bạn nhìn vào lịch sử cầm quyền của Kim Jong Un, ông ấy sẽ trở nên khiêu khích nhất khi mọi người ngừng chú ý đến ông ta”, Ami Bera, chủ tịch Tiểu ban đối ngoại Hạ viện ở châu Á - Thái Bình Dương nói.

Năm 2019, Triều Tiên liên tục thử nghiệm rocket phóng loạt và tên lửa đạn đạo chiến thuật, nhưng vẫn không thể kéo Mỹ trở lại bàn đàm phán. Ảnh: KCNA.

Bình Nhưỡng hiểu rằng thử nghiệm ICBM hoặc kích nổ đầu đạn hạt nhân sẽ được xem là một hành động khiêu khích lớn đối với Mỹ và thế giới, bao gồm đồng minh chính là Trung Quốc.

“Nếu Triều Tiên muốn nới lỏng các biện pháp trừng phạt, những thử nghiệm và khiêu khích không phải là lựa chọn phù hợp”, Bera nói.

Ông Revere cho biết Mỹ và Hàn Quốc có thể phản ứng lại sự khiêu khích bằng các cuộc tập trận và tăng cường triển khai sức mạnh quân sự xung quanh bán đảo Triều Tiên. Một sự căng thẳng tương tự năm 2017 sẽ phá vỡ tiến trình ngoại giao. Điều đó có thể là sự kết thúc cho bất kỳ triển vọng nới lỏng trừng phạt.

Triều Tiên đã không tiến hành thêm thử nghiệm hạt nhân nào kể từ năm 2017. Năm ngoái, Bình Nhưỡng cũng đã cho phá hủy đường hầm thử nghiệm hạt nhân ở Punggye-ri, nhưng các chuyên gia không chắc chắn đó có phải là một màn kịch hay không, khi những người được mời đến chứng kiến việc phá hủy là nhà báo, không phải chuyên gia.

“Bất kỳ điều gì Bình Nhưỡng làm đều có chủ ý, chúng ta nên nhớ rằng khả năng của họ vượt xa những gì chúng ta nghĩ và họ sẵn sàng làm bất kỳ điều gì cần thiết để tăng cường năng lực răn đe hạt nhân, bất kể phải trả giá ngoại giao như thế nào, đừng đánh giá thấp họ”, ông Revere nói.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/mon-qua-giang-sinh-nao-cua-trieu-tien-se-khien-ca-my-va-tq-chan-dong-post1025968.html