Món ngon miền Tây

Dọc dải miền Tây, đâu đâu cũng thấy miệt vườn, hoa trái. Nhưng ẩm thực miền Tây không chỉ có hoa tươi quả ngọt, còn có những món ăn đậm đà tình đất, tình người.

Bát cháo bò Tri Tôn.

1.Đến vùng đất Tri Tôn (tỉnh An Giang), du khách đừng quên thưởng thức món cháo bò Tri Tôn ngon nức tiếng. Cháo bò Tri Tôn được nấu bằng thứ gạo ngon, thơm, để trên bếp than cho cháo thật nhừ. Bên cạnh đó, để có một bát cháo bò ngon phải chọn được thịt bò bản địa (bò nuôi tại vùng Bảy Núi), đặc biệt bộ lòng phải làm thật kỹ và sạch.

Bà con vùng Tri Tôn còn dùng huyết bò được pha vào cháo loãng để tạo nên màu sắc rất đặc trưng. Thịt bò ngon xắt lát mỏng để lên mặt tô cháo cho thịt vừa tái ăn mới ngọt.

Nói thì có vẻ đơn giản, nhưng để có được nồi chào phục vụ thực khách ăn sáng, thì từ 3-4 giờ sáng, các chủ quán đã phải thức dậy đi mua lòng bò tại lò giết mổ. Sau đó, cạo sạch chất nhờn, rửa lại cho đến khi sạch hẳn, rồi bỏ vào luộc. Lòng phải luộc 2-3 giờ mới mềm, ngon. Nếu không cẩn thận ở khâu sơ chế lòng thì nồi cháo nấu ra mất ngon, không ai muốn ăn.

Đặc biệt, món cháo bò ở Tri Tôn còn có giá đậu xanh, ngò gai làm rau sống. Giống như món gà hấp lá trúc, món cháo bò Tri Tôn thơm ngon, hương vị riêng khó lẫn là nhờ có thêm mùi vị của trái trúc - một loại trái đặc sản vùng Tịnh Biên và Tri Tôn (An Giang). Trái này giống như trái chanh nhưng nồng và the hơn. Gia vị này cũng được coi là “phần hồn” của tô cháo bò. Dư vị chua thanh của nó sẽ thấm vào từng muỗng cháo, từng đũa thịt khiến cho món ăn bỗng chốc tinh tế hơn hẳn.

Khi dọn cháo lúc nào cũng có đĩa bún để ăn kèm. Đây có thể coi là sự tổng hòa, kết hợp khá lạ đã bổ sung và làm đa dạng thêm vào nét văn hóa ẩm thực dân gian miền Tây.

Muốn thưởng thức cháo bò Tri Tôn ngon “đúng điệu” thì hãy ghé qua thị trấn Tri Tôn hoặc xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ở mỗi nơi, cháo bò lại mang một hương vị đặc trưng khác nhau. Mỗi quán lại có một bí quyết riêng, gia giảm gia vị, hoặc các món ăn kèm. Thực khách hợp khẩu vị ở đâu thì thường “nghiện” cháo bò quán ấy.

Món gỏi được chế biến từ cây bồn bồn.

2.Đặt chân tới Đất Mũi Cà Mau bà con thường giới thiệu rất nhiều món nổi tiếng như cua Năm Căn, ba khía muối Rạch Gốc, lươn um rau ngổ… Đặc biệt nhất là những món ăn được chế biến từ bồn bồn - đặc sản của vùng đất này.

Bồn bồn còn được gọi là cỏ nến, trước kia là một loại cây dại mọc và phát rất nhiều ở huyện Cái Nước, Trần Văn Thời, Đầm Dơi… Theo lời kể của con, cứ vào khoảng tháng 4, tháng 5 (âm lịch), mùa mưa đến là lúc cây cỏ mọc tốt um, bồn bồn cũng vậy, phát triển nhanh và xanh mướt cả cánh đồng.

Bồn bồn sống rất khỏe, có cắt bỏ thì chỉ một thời gian ngắn nó lại vươn lên xanh um tùm. Khi bà con trồng lúa, nuôi tôm bồn bồn bị nhổ bỏ chất đầy bờ ruộng. Một số người nghèo tiếc mang về ăn thay rau với các món như muối dưa, làm gỏi. Rồi dần dà, bồn bồn trở thành đặc sản của vùng đất này.

Dọc trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn từ Cà Mau về huyện Cái Nước, rất dễ thấy hai bên đường san sát những mái chòi bên ngoài bày bán những hộp dưa bồn bồn, cả bồn bồn tươi được sơ chế, cắt bỏ lá, tách lấy lõi non bó thành từng bó hấp rất ngon. Cây bồn bồn to, nhưng chỉ giữ lại phần củ và lõi trắng nõn nà bên trong. Theo lời giới thiệu của chị bán hàng thì bồn bồn có thể chế biến thành rất nhiều món ngon. Dưa bồn bồn chấm cá rô kho tộ; lẩu chua với cá ngát cá trê, cá lóc; bồn bồn xào tôm, làm gỏi; bồn bồn nhúng giấm, bồn bồn nấu canh dừa… thậm chí có thể bồn bồn như một loại rau sống.

Đơn giản nhất là món canh dừa. Lấy thân bồn bồn tươi, phần non và trắng cắt khúc vừa ăn đem nấu canh. Khi canh đun chín tới cho phần lá bồn bồn đã sơ chế vào cùng gia vị vừa ăn.

Sau cùng mới đổ nước cốt dừa đậm đặc vào đảo đều và múc ra bát. Bồn bồn nấu nước dừa là món dễ chế biến và cũng là món giữ được vị ngọt đặc trưng của bồn bồn vì không cần dùng gia vị nhiều. Bát canh thơm mùi dừa có vị béo ngọt cùng cái giòn tan của bồn bồn mang lại một dư vị thật khó quên.

Đơn giản nhất là món dưa bồn bồn. Cách làm cũng khá đơn giản, bồn rửa sạch, bóc vỏ, chọn phần lõi trắng sau đó dùng dao chẻ làm đôi hoặc tư rồi cho vào hũ nước gạo có pha chút muối, đậy nắp kín, giữ khoảng vài ngày là được. Bồn bồn muối chua có mùi thơm đặc trưng của ruộng đồng, khi ăn có vị giòn, mềm, chua. Nhiều người sáng tạo còn cho thêm đường, bột ngọt và tỏi ớt vào thành một món dưa chua, ngọt, giòn rất lạ miệng.

Ngoài ra, dưa bồn bồn có thể chế biến thành những món ăn với cơm nóng rất ngon. Như dưa bồn bồn xào thịt, dưa bồn bồn kho cá… Nếu một lần đến Cà Mau, du khách đừng quên thưởng thức những món ăn được chế biến từ bồn bồn, chắc chắn bạn sẽ có những dư vị thật khó quên.

Bún nước lèo.

3.Bún nước lèo là món ăn dân dã, phổ biến tại nhiều địa phương miền Nam, đặc biệt nổi tiếng tại Cần Thơ, Kiên Giang, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Là một đặc sản ẩm thực xuất xứ từ người Khmer, trong quá trình cộng cư của các dân tộc Khmer, Kinh, Hoa và sự giao thoa trong ẩm thực, bún nước lèo trở thành món ăn phổ biến ở miền Nam với nguyên liệu, quy trình chế biến về cơ bản là giống nhau.

Đi các tỉnh miền Tây, du khách thường được rỉ tai nên thưởng thức món bún nước lèo. Mặc dù có ở nhiều tỉnh, tuy nhiên, nhiều người đánh giá, bún nước lèo ngon nhất và nổi tiếng nhất là ở Trà Vinh, vì bà con ở đây thường dùng mắm bò hóc để nấu. Nhiều người còn thuộc câu thơ: “Về Trà Vinh có nhớ/ Hàng me xanh rợp trời/ Ao Bà Om thắng cảnh/ Bún nước lèo ngon ơi!”. Ngoài ra, Sóc Trăng cũng được những người sành ẩm thực ví là “kinh đô lâu đời” của bún nước lèo.

Nguyên liệu không thể thiếu của món này là… bún. Bún được làm từ gạo dẻo, ngon nhất phải là gạo đầu mùa. Để có bát bún nước lèo ngon đúng điệu cần thực hiện nhiều công đoạn. Tùy nơi, bà con sẽ dùng một loại mắm như mắm cá sặc, mắm cá linh, mắm bò hóc để nấu.

Sau khi cho mắm vào nồi nước, gia thêm củ sả đập dập, ớt băm nhuyễn để lấy hương vị, ngãi bún (một loại củ giống củ nghệ, màu hơi đậm hơn nghệ) dùng để khử mùi tanh của mắm rồi đun nước sôi cho đến khi thịt mắm rã ra hết, lọc bỏ xương mắm lấy nước để riêng. Sau đó đến phần nước lèo (nước dùng chung với bún).

Nước lèo được nấu bởi nước súp xương heo hay xương gà. Sau khi có nồi nước súp từ xương hầm, người ta bắt đầu lấy phần mắm đã lọc cho vào nấu chung. Nhiều người cho thêm nước dừa tươi và sả đập dập vào nồi để nước lèo có mùi vị thơm ngon.

Bún nước lèo thường được ăn kèm với cá lóc luộc rỉa hết xương, tôm tươi lột vỏ, thịt heo quay xắt nhỏ, huyết heo hay bánh cống, chả giò chiên giòn. Thưởng thức bún nước lèo cũng phải đúng cách mới cảm nhận hết vị ngon. Thông thường, người ta chần bún qua nước sôi rồi bỏ vào tô, thêm các nguyên liệu như thịt, cá, tôm và chan nước lèo ngập mặt bún.

Ăn bún nước lèo cần có đĩa rau, gồm: bắp chuối, rau muống bào nhỏ, bông súng xắt theo chiều ngang, trộn đều với một ít rau thơm xắt nhuyễn. Vào mùa điều (còn gọi là đào lộn hột), có người còn thích băm một vài trái điều cho vào rau ghém để có vị ngon hơn. Món này cũng không thể thiếu chén mắm ớt dọn ăn kèm.

Không chỉ nổi tiếng với thực khách trong vùng, nhiều du khách trong và ngoài nước đến Trà Vinh cũng thích thú món bún nước lèo.

Là món ăn dân dã thường được bán ở các con hẻm, vỉa hè, nhưng ngày nay, bún nước lèo cũng xuất hiện trong cả các nhà hàng, khách sạn sang trọng. Bà con ở miền Tây cho rằng, bún nước lèo là một món ăn dường như có đủ vị từ miền sông nước, chứa đựng biết bao ý nghĩa.

LỤC QUẾ ANH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mon-ngon-mien-tay-10278818.html