Món ăn hỗ trợ trị vàng da do viêm gan

Y học cổ truyền không phân chia các loại viêm gan như y học hiện đại mà liệt kê vào các chứng khác nhau với pháp trị thường là trị triệu chứng phối hợp với thể bệnh mà gia giảm. Trong đó, chứng hoàng đản (vàng da) thường gặp nhất.

Theo các tài liệu giáo trình của Đại học Y Hà Nội và Đại học Y dược Tp. Hồ Chí Minh, bệnh viêm gan với các triệu chứng được mô tả gần giống của các chứng hoàng đản (vàng da), hiếp thống (đau vùng hông sườn), thổ tả (ói mửa kèm tiêu chảy). Đa phần do bất thường chức năng của hệ thống tỳ vị mà gây bệnh và pháp trị thường là trị triệu chứng phối hợp với thể bệnh mà gia giảm.

Trong nhóm này, hoàng đản là triệu chứng chính của bệnh, nên có thể theo đó mà cân đối món ăn.

Vàng da là triệu chứng thường gặp ở người viêm gan A.

1. Với người bệnh có da màu vàng sẫm

Nếu người bệnh có da màu vàng sẫm, tiểu sẫm màu, tay chân ẩm lạnh, người mệt mỏi chỉ thích nằm, rịn mồ hôi, cảm giác sợ lạnh, mạch trì, lưỡi bệu nhạt màu, là thuộc "thể âm hoàng" thuộc nhóm lý, hư, hàn chứng.

Trong ăn uống nên tăng thêm các món bổ nhưng vẫn dễ tiêu hóa, đủ dưỡng chất. Tốt nhất nên ăn cháo hoặc các thực phẩm chứa nhiều tinh bột có trong gạo, ngô, khoai tươi mới, các loại ngũ cốc; chất đạm có trong đậu mè còn nguyên vỏ lụa; chất béo trong dầu mè thực vật; vitamin có trong các loại rau thơm. Nên hạn chế ăn món có vị chua, đắng, lạnh quá.

Một số món ăn gợi ý như cháo thịt bằm hầm cùng kỷ tử, cháo gan heo khoai tây hoặc củ dền hoặc các loại đậu, cháo thịt xay cà rốt, cá chạch kho nghệ, thịt gà xào lá cách, lươn om lá cách, cháo thịt bò nấu đậu, thịt xào cà chua củ hành tây…

Cá chạch kho nghệ tốt cho người bệnh có da màu vàng sẫm.

2. Với người bệnh có sắc da vàng tươi

Nếu bệnh nhân có sắc da vàng tươi, người hâm hấp nóng, cảm giác bứt rứt, khát nước, buồn bực không yên, mạch sác, lưỡi khô sắc đỏ, có thể thuộc thể "dương hoàng", phân vào nhóm lý, thực, nhiệt. Người bệnh nên tăng cường ăn rau, củ, các quả tươi có vị chua tính mát, hạn chế ăn món có vị cay, nóng, mặn, bổ béo nhiều dầu mỡ quá.

Một số món ăn gợi ý như canh rau má, chè đậu xanh, cà rốt su su hấp hoặc xào tỏi ít dầu, rau càng cua bóp dấm, cháo bồ công anh thịt bằm, canh rau mồng tơi, canh bí đao, canh mướp đắng, khổ qua xào trứng, canh hoa atiso, canh rau đắng có lóc đồng...

Về nước uống thì nên uống nước hãm từ nhân trần, râu ngô, atisô, mã đề, râu mèo, diệp hạ châu.

Canh rau má tốt cho người bệnh có sắc da vàng tươi.

3. Một số lưu ý

Dù nhân trần, râu ngô, atisô, mã đề, râu mèo, diệp hạ châu là những vị thuốc y học cổ truyền thường dùng cho các thể viêm gan nhưng bệnh nhân không nên uống nước hãm từ các vị thuốc này liên tục lâu ngày. Nguyên nhân do đa số các vị thuốc này có tính lợi tiểu nên cơ thể dễ mất nước, mệt mỏi và có thể khiến gan phải tăng tiết dịch mật nhiều hơn dẫn đến tổn thương tế bào gan nhiều hơn.

Tốt nhất có thể uống mỗi ngày khoảng nửa lít nước thuốc kèm với các món nước khác hoặc đơn giản là nước đun sôi để nguội.

Các vị này có tính mát nên những người bị chứng "âm hoàng" không nên uống.

Mời bạn xem tiếp video:

Phát hiện mắc viêm gan B, bạn cần làm gì? | SKĐS

BSCKI. Nguyễn Trần Như Thủy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mon-an-ho-tro-tri-vang-da-do-viem-gan-169231025152100107.htm