Môi trường đầu tư minh bạch, bình đẳng: Nóng về chủ đề Nhà máy nước hồ Quế Sơn

Việc Thanh Hóa cấp phép đầu tư và cho xây dựng nhà máy nước hồ Quế Sơn tại KKT Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia là chủ đề “nóng” nhất tại buổi tọa đàm về “môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng” diễn ra tại Hà Nội ngày 3/6/2017.

Tại buổi Tọa đàm có nhiều ý kiến của các DN, chuyên gia kinh tế khi đi sâu vào vụ việc rất bức xúc về tình trạng DN hiện nay đang bị o ép, vì lợi ích nhóm, sân sau hình thành quá rõ nét làm ảnh hưởng đến lợi ích của DN, ở đây có nghĩa “chính quyền không chung thủy” khiến cho DN gặp nhiều khó khăn, thậm chí lâm vào phá sản.

Bình luận về rủi ro pháp lý đối với DN và nhà đầu tư tại buổi tọa đàm, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng: Lẽ thường kinh doanh là phải chấp nhận lãi, hòa hoặc lỗ và rủi ro lớn nhất là mất toàn bộ tài sản.

Tuy nhiên, kể từ năm 1945 đến nay, dường như rủi ro lớn nhất trong kinh doanh lại là rủi ro pháp lý hay rộng hơn là rủi ro chính sách, thay vì rủi ro thị trường hay bất cứ thứ rủi ro nào khác.

Thanh Hóa cho xây dựng nhà máy nước hồ Quế Sơn cũng đồng nghĩa nhà máy nước Nghi Sơn sẽ đối diện với nguy cơ phá sản

Luật Đầu tư năm 2005 và 2014 quy định rõ về bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật. Như vậy, khi pháp luật thay đổi theo hướng lợi hơn hay bất lợi hơn thì nhà đầu tư vẫn được bảo đảm ưu đãi tốt hơn hoặc không bị giảm đi.

Tuy nhiên, trên thực tế lại diễn ra nhiều hành động vô tình hay cố ý loại bỏ, gây khó và đánh đố nhà đầu tư.

Đưa ra dẫn chứng cụ thể về hai trường hợp xảy ra tại Nhà máy nước Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa và bến xe Thượng Lý, Hải Phòng thời gian gần đây, khiến cho dư luận và cộng đồng DN bức xúc:

Trường hợp Công ty TNHH Bình Minh, Thanh Hóa là một ví dụ. Năm 2007, Công ty đã đầu tư xây dựng Nhà máy nước sạch Nghi Sơn, với công suất 90.000 m3/ngày đêm ở KKT Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, để phục vụ cho Khu kinh tế và Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Theo quy hoạch, Khu kinh tế Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Nhà máy nước sạch Nghi Sơn sẽ bảo đảm cấp nước cho khu vực Đông Nam khu kinh tế Nghi Sơn đến năm 2025. Năm 2010, Công ty đầu tư xây dựng giai đoạn 1 là 30.000m3/ngày đêm. Năm 2016, tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn 2 là 60.000m3/ngày đêm.

Thế nhưng, UBND tỉnh Thanh Hóa đã “thần tốc” ký Quyết định số 1982/QĐ-UBND ngày 10/6/2016, chấp thuận chủ trương cho liên doanh Tổng Công ty Anh Phát – Sông Chu làm chủ đầu tư nhà máy nước sạch mới tại hồ Quế Sơn, Khu kinh tế Nghi Sơn, với công suất 60.000m3/ngày, chặn họng nguồn nước thô ngay đầu nguồn của Nhà máy nước Nghi Sơn.

Nhà máy nước do Anh Phát - Sông Chu xây dựng lại không có trong quy hoạch hay nói chính xác đây là nhà máy “nhảy dù” và được ồ ạt xây dựng trong khi chưa được phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch cùng với việc tỉnh Thanh Hóa cấp tốc đề nghị hợp thức hóa thủ tục pháp lý.

Ông Đức cho hay, chưa bàn đến việc sai trái, phạm luật của Dự án nhà máy nước mới, việc này đã dẫn đến nguy cơ gây thiệt hại to lớn, thậm chí bóp chết nhà đầu tư là Công ty TNHH Bình Minh. Sau gần 10 năm với bao cay đắng, khó khăn, rủi ro vì không bán được hàng do Khu công nghiệp chậm tiến độ, đến ngày đạt thành quả thì lại có kẻ mạnh khác nhảy vào giành chiếm thị phần.

Với đặc thù sản phẩm của Nhà máy nước không phải bán một lần là xong, mà là bán khối nào được tiền khối ấy, gắn liền với nhu cầu của các khách hàng cố định, không thể bán cho khách hàng hay thị trường khác.

Vì vậy, nếu Nhà máy nước sạch Nghi Sơn của Công ty Bình Minh chỉ khai thác được 1/10 công suất thiết kế hoặc không còn thị trường đầu ra khi bị nhà máy nước Anh Phát - Sông Chu chiếm thị phần cũng đồng nghĩa Thanh Hóa đã bức tử DN, bóp chết nhà máy nước Bình Minh với vốn đầu tư cả nghìn tỷ đồng.

Tại sao lại có tình trạng này, theo chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương thì đây là vấn đề quy hoạch và khi việc người ta đạp lên quy hoạch thì DN đầu tư sẽ gặp rất nhiều rủi ro, vì chính quyền đã quá ưu ái cho DN khác nên có nguy cơ phá sản rất cao.

Nhìn nhận vấn đề của Nhà máy nước Nghi Sơn, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh chỉ ra bất cập trong vấn đề quy hoạch, bổ sung quy hoạch tại KKT Nghi Sơn, mà cụ thể là quy hoạch nhà máy nước.

Theo ông, việc Thanh Hóa cho xây dựng nhà máy nước hồ Quế Sơn do liên doanh Anh Phát - Sông Chu đầu tư ngay sát cạnh nhà máy nước Nghi Sơn của Công ty Bình Minh và xin điều chỉnh, bổ sung nhà máy nước này vào Quy hoạch chung KKT Nghi Sơn là có vấn đề.

Trong trường hợp xin bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cần phải xem xét kỹ lưỡng mới có thể điều chỉnh quy hoạch và phải có thời gian, quy trình. Do đó, nếu Thanh Hóa thay đổi quy hoạch để bổ sung nhà máy nước khác vào khu vực phía Đông Nam KKT Nghi Sơn mà gây thiệt hại cho Công ty Bình Minh, khiến nhà máy thiệt hại, phá sản thì phải đền bù thiệt hại cho Công ty Bình Minh – đơn vị đang thực hiện nghiêm túc quy hoạch.

Nhiều ý kiến của chuyên gia tại buổi tọa đàm, các quy định điều chỉnh trực tiếp về bảo đảm đầu tư, kinh doanh của Luật Đầu tư, nếu quy định pháp luật thay đổi theo chiều hướng có lợi hơn, thì nhà đầu tư sẽ được hưởng thêm lợi ích dù chưa được cam kết trước đó; còn nếu pháp luật thay đổi theo chiều hướng bất lợi hơn thì nhà đầu tư cũng vẫn được giữ nguyên ưu đãi, mà không bị bớt đi hay thiệt hại đến quyền lợi đã được quy định hay cam kết trước đó.

Tuy nhiên, đối với nhiều quy định khác liên quan đến sở hữu tài sản, đầu tư, kinh doanh như Luật Đất đai, Bộ luật Hình sự, thì lại chưa tạo ra sự an toàn pháp lý đầy đủ và cần thiết. Nhà đầu tư, doanh nghiệp và cá nhân vẫn đang phải đối mặt với những rủi ro và sự trừng phạt rất lớn về đầu tư, kinh doanh.

“Đừng để diễn mãi điều nghịch lý, rủi ro pháp lý và rủi ro chính sách vẫn là rủi ro lớn nhất đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư, khi vẫn cứ mời chào thì rải thảm, làm rồi thì cắm chông, gài bẫy” – Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh. Do vậy, muốn môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng thì mọi thứ phải được giải quyết bằng pháp luật. Phải hợp lý, tháo gỡ, giải tỏa nhanh chóng, dứt điểm, thuyết phục, hợp tình hợp lý các vụ việc đầu tư, kinh doanh thực tế nổi cộm kiểu trên, thay vì mong muốn, hô hào, quy định chung chung.

Quang Minh

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/moi-truong-dau-tu-minh-bach-binh-dang-nong-ve-chu-de-nha-may-nuoc-ho-que-son_n25162.html