Mỗi tỉnh của Trung Quốc là một thị trường lớn

Phải xác định mỗi tỉnh của Trung Quốc là một thị trường lớn, do đó cần tăng cường hợp tác, nắm thông tin thị trường của từng tỉnh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh tại Diễn đàn Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam) ngày 10.2

Nhiều điều “đáng tiếc” trong thương mại Việt Nam - Vân Nam

Tại Diễn đàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, từ ngày 8.1, Trung Quốc mở lại cửa khẩu biên giới để đẩy mạnh thương mại, trong đó có nông sản. Đây là tin vui cho cả doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam. Trong tháng 1.2023, xuất nhập khẩu qua cửa khẩu tỉnh Lào Cai đạt gần 82 triệu USD (xuất khẩu 48,3 triệu USD, nhập khẩu 33,3 triệu USD).

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trưởng châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) Tô Ngọc Sơn khẳng định, Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt 175,5 tỷ USD. Tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) - giáp các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang của nước ta - với gần 50 triệu dân là điểm nối Trung Quốc với các nước Nam Á và kết nối với ASEAN, đồng thời là điểm kết nối hai tỉnh lớn là Tứ Xuyên, Trùng Khánh. Tuy nhiên, thương mại giữa Việt Nam với Vân Nam rất khiêm tốn, năm 2022 chỉ đạt 3,2 tỷ USD, trong khi thương mại giữa Việt Nam - Quảng Tây cao hơn gấp 10 lần. Thương mại Việt Nam - Vân Nam cũng chỉ bằng 1 nửa thương mại Vân Nam - Myanmar. Theo ông Tô Ngọc Sơn, do nhiều cửa khẩu, nhiều địa phương có khó khăn khách quan là cơ sở hạ tầng, đường đi khó khăn, nhưng chủ quan là do chưa khai thác được hết các cửa khẩu với Vân Nam… Cơ chế hợp tác giữa các bộ, ngành với Vân Nam còn hạn chế. Một số mặt hàng chưa khai thác được thị trường, đặc biệt là thủy hải sản.

Bộ Công thương đang đặt trọng tâm thúc đẩy khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương nước ta với Vân Nam. Quan điểm khai thác thị trường Trung Quốc cần chuyển nhanh, chuyển mạnh sang hình thức thương mại chính quy, hướng tới mặt hàng chất lượng cao, tăng cường tiếp cận vùng, cập nhật thị hiếu mới của thị trường, thúc đẩy xuất khẩu thông qua thương mại điện tử…

Hiện Lào Cai có trên 500 xe/ngày xuất khẩu nông sản được thông quan
Nguồn: ITN

Áp lực cạnh tranh mới

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lào Cai Lê Tân Phong cho biết, nhiều sản phẩm chủ lực của tỉnh đang chờ để xuất khẩu chính ngạch. Tỉnh hiện có 6.500ha chè, 3.300ha dược liệu, 1.500ha dứa, nhưng chưa tham gia xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đối với sản phẩm chuối, toàn tỉnh có 3.300ha, đã xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhưng giá bấp bênh, khiến người sản xuất gặp khó khăn nhất định. Đối với cây quế, dự kiến đến năm 2025 tỉnh sẽ phát triển diện tích trồng khoảng 70.000ha. Sản phẩm quế đã có đầu tư của doanh nghiệp chế biến sâu nhưng mới chỉ ở bước đầu, chủ yếu là chế biến tinh dầu.

Hiện tại, các doanh nghiệp Lào Cai đã đầu tư đầy đủ các cơ sở hạ tầng như: Kho bãi chứa hàng, kho ngoại quan, kho lạnh và hệ thống logistics trong các khu công nghiệp để phục vụ tốt hoạt động xuất nhập khẩu và giúp cửa khẩu tăng năng lực thông quan hàng hóa. Giám đốc công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Nghĩa Anh (Lào Cai) Nguyễn Thị Nguyệt mong muốn huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam có chính sách đặc thù cho địa phương có chung biên giới đất liền với Việt Nam như chính sách biên mậu, chính sách thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Đồng thời, đề xuất tỉnh Vân Nam tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp Việt thông quan nhanh nhất, an toàn nhất và kéo dài thời gian thông quan đến 22 giờ hàng ngày.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh cũng đề xuất nhiều giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu giữa hai nước. Một mặt, tỉnh Vân Nam phối hợp cùng Lào Cai triển khai các biện pháp thuận lợi hóa, khôi phục hoàn toàn hoạt động thông quan hàng hóa tại cặp cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ báo cáo cấp Trung ương chỉ định cửa khẩu đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu được thực hiện nhập khẩu nông sản, trái cây vào thị trường Trung Quốc. Tiếp tục hoàn thiện ”luồng xanh” thông quan nhanh hàng nông sản qua cửa khẩu quốc tế đường bộ Lào Cai - Hà Khẩu. Đẩy mạnh triển khai các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút doanh nghiệp xuất nhập khẩu…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh dư địa của thị trường Vân Nam rất lớn, đặc biệt với nông sản và thủy hải sản của nước ta. Hiện thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu qua Móng Cái. "Phải xác định, mỗi tỉnh của Trung Quốc là một thị trường lớn, do đó cần tăng cường hợp tác, nắm thông tin thị trường của từng tỉnh. Bộ sẵn sàng tổ chức các đoàn cùng doanh nghiệp sang Vân Nam để dự các hội chợ và có diễn đàn để thúc đẩy thương mại", ông Nam nhấn mạnh.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng lo lắng cho nông sản Việt Nam khi Trung Quốc đã khai thông đường sắt tới Lào và Thái Lan, giúp rút ngắn khoảng cách vận chuyển hàng hóa xuống còn 1 ngày và chi phí giảm hơn 20%. Điều này đặt nông sản Việt Nam trước áp lực cạnh tranh rất lớn. Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp cần phối hợp để có giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Lam Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/moi-tinh-cua-trung-quoc%C2%A0la-mot-thi-truong-lon-i315946/