Mọi phương án thi cần có 'độ lùi' cần thiết để học sinh chuẩn bị

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) gửi văn bản tới các trường đại học, cao đẳng đào tạo giáo viên để lấy ý kiến về phương án thi THPT quốc gia 2018. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, năm 2018 Bộ GD&ĐT nên giữ ổn định phương án thi THPT quốc gia như năm 2017.

Hiện Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến đóng góp của các trường về phương án thi THPT quốc gia năm 2018. Ảnh internet.

Hiện Bộ GD&ĐT đưa ra có hai phương án thi THPT quốc gia cho năm 2018. Cụ thể: Phương án thứ nhất, giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần (như năm 2017). Phương án thứ hai, mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất.

Về vấn đề này, cô Trần Thị P., giáo viên trường THPT Mỹ Đức B (Hà Nội) cho rằng, năm 2018 Bộ GD&ĐT nên để giữ nguyên phương án thi THPT quốc gia như năm 2017, để học sinh và giáo viên có thời gian chuẩn bị cho kỳ thi. Năm 2018, Bộ GD&ĐT tiếp tục điều chỉnh phương án thi THPT quốc gia sẽ tạo tâm lý bất an cho học sinh. Năm 2017, khi Bộ GD&ĐT công bố phương án thi THPT quốc gia, nhiều học sinh lớp 11 đã tập làm quen với phương án thi này. Năm 2018, Bộ GD&ĐT tiếp tục thay đổi phương án thi, các em lại phải thay đổi phương pháp học tập và ôn tập để phù hợp. Từ đó, nhiều học sinh sẽ tâm lý chán nản và mệt mỏi trong học tâp.

Theo ông Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Bách khoa Hà Nội hoàn toàn ủng hộ phương án hai của Bộ GD&ĐT. Tức là phương án: Mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất toàn bài thi.

Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT nên sử dụng phương án thi này cho năm học 2018-2019, bởi với học sinh, giáo viên, biết trước phương án thi giúp các em có định hướng học tập tốt. “Hiện học sinh lớp 12 đã tựu trường và định hình được các khối ngành thi. Nếu theo phương án 2, việc học tập của các em cũng có nhiều thay đổi. Một học sinh thi theo khối A là Toán, Lý, Hóa có thể đã không học kỹ môn Sinh, khi gộp vào bài thi Khoa học Tự nhiên, bài môn Sinh sẽ chiếm hơn 3 điểm (tính thang điểm 10), điều này có thể khiến các em trượt đáng tiếc”, ông Tớp nói.

Ông Tớp cũng nhận định, mọi phương án thi cần có “độ lùi” cần thiết để học sinh chuẩn bị. Nếu Bộ GD&ĐT thay đổi luôn phương án thi trong năm nay, đề xuất thứ hai này có thể khiến học sinh "sốc".

Theo ông Tớp, việc chấm gộp bài thi tổ hợp không ảnh hưởng việc tuyển sinh. Bài thi vào trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ yếu thuộc khối Khoa học Tự nhiên nên có thể xét tuyển theo bài thi Toán, tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Tiếng Anh. Như vậy, thực chất là 5 môn thi với 3 bài thi. Việc có thêm môn Sinh vào bài thi cũng không ảnh hưởng nguồn tuyển của trường.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức, nhiều địa phượng đề xuất năm 2018, Bộ GD&ĐT vẫn thực hiện Kỳ thi THPT quốc gia theo hình thức địa phương tổ chức và các trường đại học phối hợp, để giữ ổn định cho kỳ thi.

Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang cho rằng: Để Kỳ thi THPT quốc gia 2018 phát huy kết quả tốt hơn, Bộ GD&ĐT cần phải điều những bất cập về mặt kỹ thuật. Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần triển khai hướng thực hiện Kỳ thi THPT quốc gia 2018 ngay từ đầu năm học 2017-2018, để các trường chủ động giảng dạy và có phương án ôn tập cho học sinh.

Đưa ra ý kiến đóng góp về Kỳ thi THPT quốc gia, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Việc thi phổ thông là để đánh giá quá trình học tập của học sinh sau 12 năm học, còn thi đại học nên để các trường đại học tự lo. Hiện nay, các trường đại học đang lấy kết quả của thi phổ thông để xét vào đại học là chưa phù hợp”.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/moi-phuong-an-thi-can-co-do-lui-can-thiet-de-hoc-sinh-chuan-bi.aspx