Mối nguy từ hoại tử chỏm xương đùi

Chỉ riêng tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM trong năm qua đã tiếp nhận gần 1.000 trường hợp hoại tử chỏm xương đùi, trong đó hơn phân nửa phải thay khớp háng

"Lúc mới khởi phát, tôi thấy cơn đau chỉ thoáng qua rồi vài ngày tự hết. Nghĩ mình chơi đá bóng nhiều bị căng cơ đau nhức nên chủ quan không đi khám. Khi đau chịu hết nổi thì bác sĩ phát hiện tôi bị hoại tử chỏm xương đùi, phải thay khớp háng mới cứu sự vận động trở lại" - anh N.C.L (32 tuổi, ở Đồng Nai) kể lại quá trình mang bệnh trước khi bước vào cuộc đại phẫu thực hiện tại Bệnh viện Quân y 175.

Bệnh diễn tiến âm thầm

Anh L. cho biết cơn đau ở đùi xuất hiện từ năm 2010 song đến năm 2013 mới phát hiện hoại tử chỏm xương đùi. Từ đó đến nay, vì không đủ kinh phí để phẫu thuật nên anh đành uống thuốc theo đơn của bác sĩ để giảm đau.

Bệnh nhân được thay khớp háng vì hoại tử chỏm xương đùi tại Bệnh viện Quân y 175 .Ảnh: TRẦN CHÍNH

"Khoảng 1 năm qua, cơn đau xuất hiện nhiều, ảnh hưởng đến sinh hoạt nên tôi tìm hiểu tham gia các hội nhóm có những bệnh giống mình. Cũng từ đây, mọi người chia sẻ về một số tổ chức từ thiện phẫu thuật thay khớp háng, tôi đăng ký và được xét duyệt. Nếu chờ đủ khoảng 70 triệu đồng chắc còn lâu mình mới được phẫu thuật" - anh L. nói.

Còn chị T.D.M (25 tuổi, ngụ Cà Mau) cách đây 1 năm, đột nhiên bị đau 2 đùi. Chị đến một vài bệnh viện ở địa phương và TP HCM thăm khám nhưng kết quả bình thường. Gần đây, cơn đau nhiều hơn, chị được chẩn đoán hoại tử chỏm xương đùi do một bệnh viện tại TP Cần Thơ phát hiện. "Từ khi cơn đau xuất hiện không thể đi lại bình thường nên mọi sinh hoạt của tôi đều phải nhờ mẹ chăm sóc. Sau đó, nhờ người quen giới thiệu tại Bệnh viện Quân y 175 có đoàn từ thiện hỗ trợ thay khớp háng cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn nên tôi đăng ký và may mắn được chọn" - chị M. nói.

TS-BS Phan Đình Mừng, Phó Giám đốc Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175, cho biết năm 2023, nhóm bệnh nhân trẻ tuổi bị hoại tử chỏm xương đùi khá cao. Khoảng 40%-50% là người trẻ, thậm chí có bệnh nhân trong độ tuổi từ 20-30 phải thay khớp háng vì căn bệnh nói trên.

Tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, số bệnh nhân đến khám vì hoại tử chỏm xương đùi ngày càng đông. Chỉ trong năm 2023, nơi đây đã tiếp nhận 745 ca hoại tử chỏm xương đùi, trong đó 570 trường hợp phải thay khớp háng. BS chuyên khoa II Võ Hòa Khánh, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, cho biết giai đoạn đầu bệnh thường không có triệu chứng. Bệnh diễn tiến âm thầm khiến người bệnh khó biết và khi phát hiện đã vào giai đoạn muộn. Đặc biệt, các trường hợp liên quan chấn thương, các triệu chứng có thể bị chồng lấp.

"Triệu chứng của bệnh thường là đau khớp háng dễ nhầm lẫn các bệnh lý khác vùng háng như hội chứng phù tủy xương, gãy xương dưới sụn, đau thần kinh tọa... Để phân biệt, việc chẩn đoán cần khai thác kỹ bệnh sử, thăm khám cẩn thận và thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh. Do đó, khi có các triệu chứng như đau vùng mông, đùi, bẹn; đau khi vận động, đứng lâu và thuyên giảm khi nghỉ ngơi; hạn chế vận động khớp háng; khó ngồi xổm..., người bệnh nên đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa để được phát hiện, điều trị kịp thời. Tránh tình trạng vào giai đoạn nặng khiến hạn chế vận động khớp háng, đi lại, thậm chí tàn tật" - bác sĩ Khánh khuyến cáo.

Bỏ tật xấu để phòng bệnh

Các chuyên gia cảnh báo hoại tử chỏm xương đùi là căn bệnh nguy hiểm và đang có xu hướng trẻ hóa. Vì diễn tiến âm thầm, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác nên việc chẩn đoán sớm gặp khó khăn.

Theo BS Phan Đình Mừng, bệnh này có 3 nguyên nhân thường gặp gồm: Thói quen hút thuốc, uống rượu và sử dụng thuốc có chứa Corticoid. Người bệnh có thói quen này thường được bác sĩ khuyên chụp CT-Scan, cộng hưởng từ (MRI) khớp háng để đánh giá mức độ tưới máu của chỏm xương đùi. Nếu ảnh hưởng chưa tới mức phải thay khớp háng, bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân từ bỏ thói quen, sử dụng các biện pháp điều trị nhằm tăng mạch máu nuôi khớp háng.

BS chuyên khoa II Nguyễn Anh Tuấn, Khoa Chi dưới Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, cho biết việc phát hiện sớm bệnh hoại tử chỏm xương đùi sẽ giúp cải thiện và tăng tỉ lệ thành công trong điều trị. Nếu bệnh nhân chưa cần phẫu thuật thay khớp háng thì cần khám định kỳ để bác sĩ kịp thời đánh giá qua phim Xquang, MRI nhằm xử trí phù hợp từng giai đoạn. Đối với bệnh nhân phải phẫu thuật thay khớp háng bệnh sẽ không tái phát.

"Để giảm thiểu nguy cơ mắc hoại tử chỏm xương đùi, chúng ta có thể ngưng sử dụng thuốc lá, tránh lạm dụng thức uống có cồn và đặc biệt hạn chế sử dụng Corticoid. Chỉ nên dùng Corticoid trong những trường hợp thực sự cần thiết để điều trị bệnh với liều lượng và thời gian cụ thể theo hướng dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, tránh té ngã làm gãy vùng cổ xương đùi, bởi nguy cơ hoại tử chỏm xương đùi sau gãy cổ xương đùi rất cao" - bác sĩ Tuấn nhấn mạnh

Chi phí nặng nề

Theo TS-BS Phan Đình Mừng, có khoảng 95%-98% bệnh nhân thay khớp háng đều phục hồi khả năng đi lại và lao động. Tuy nhiên, vẫn có tỉ lệ nhỏ bị dị ứng, nhiễm trùng... Nếu xảy ra, các bác sĩ sẽ chẩn đoán, cho thuốc đến khi bệnh nhân được hồi phục. Chi phí phẫu thuật 1 ca thay khớp háng nếu không có BHYT sẽ khoảng 90-100 triệu đồng (tùy vào chất lượng của khớp), nếu có BHYT cũng tầm khoảng 45-50 triệu đồng. Chi phí này không hề rẻ, đặc biệt với người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.

HẢI YẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/moi-nguy-tu-hoai-tu-chom-xuong-dui-196240403195727892.htm