Mối nguy hại từ sự thờ ơ, vô cảm

Cách đây gần 76 năm, trong tác phẩm 'Sửa đổi lối làm việc', khi bàn về thái độ mỗi người đối với những khuyết điểm của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra 5 nhóm thái độ khác nhau, có đúng, có sai để từ đó khuyên răn cán bộ. Trong đó, một trong những thái độ sai lầm mà cho đến nay không ít đảng viên vẫn đang mắc phải là: 'Sao cũng mặc kệ, sao xong chuyện thì thôi. Không phê bình, không tự phê bình'. Nói cách khác, đó là sự thờ ơ, vô cảm với chính đồng chí của mình.

Gần đây, nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phanh phui, hàng loạt quan chức đứng đầu các địa phương từ Bắc đến Nam đã “vào lò” khiến chúng ta không khỏi xót xa. Có những sai phạm được tích tụ trong thời gian dài, xuất phát từ vi phạm nhỏ nhưng không được kịp thời sửa chữa, uốn nắn nên đã trở thành sai phạm lớn, mang tính có hệ thống. Có những sai phạm “rõ như ban ngày”, không ít người biết nhưng thay vì phê phán, đấu tranh, người ta lại chọn cách im lặng cho qua vì chẳng liên quan đến mình và để yên thân.

Trong câu chuyện với một người bạn đang công tác tại địa phương vừa có người đứng đầu tỉnh ủy bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra, làm rõ hành vi nhận hối lộ, tôi không khỏi bất ngờ khi cậu bạn chia sẻ với đại ý: Cán bộ, đảng viên cấp dưới biết hết việc họ “ăn tiền” nhưng vì quyền lực của họ lớn quá nên chẳng ai dám nói ra. Thì ra là vậy. Sai phạm của quan chức cũng chẳng phải là điều bí mật gì, thậm chí, nhiều người còn biết rõ “đường đi nước bước” của sai phạm. Vậy nhưng, thay vì phê bình, đấu tranh ngay từ khi sai phạm manh nha, họ chọn cách im lặng, phớt lờ. Cá biệt, có người lại có thái độ “vuốt đuôi”, bình thường thì chẳng nói ra nhưng khi cấp trên, đồng chí, đồng nghiệp lâm vào vòng lao lý thì cười khẩy hả hê và ra sức bàn tán, vạch tội. Dĩ nhiên, việc ai sai sẽ bị xử lý là điều hiển nhiên không có gì cần bàn cãi. Tuy nhiên, thái độ thờ ơ của chúng ta đối với sai phạm của đồng chí, đồng nghiệp cũng không phải là điều đúng.

Sự thờ ơ, “ai mặc kệ ai” không phải đến bây giờ mới xuất hiện. Ngay từ giai đoạn đầu khi Đảng ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bàn về vấn đề này và chỉ ra: “Thái độ đó thường sinh ra thói “không nói trước mặt, hục hặc sau lưng”. Nó gây nên sự uất ức và không đoàn kết trong Đảng. Nó để cho bọn vu vơ có thể chui vào hoạt động trong Đảng. Nó để cho khuyết điểm ngày càng chồng chất lại và phát triển ra”. Sự thờ ơ, im lặng trước hết khiến các khuyết điểm, vi phạm không được kịp thời vạch trần, khắc phục, sửa chữa. Để rồi sau đó, khi sự việc vỡ lở thì mọi sự đã rồi. Đồng thời, chính sự thờ ơ, vô cảm cũng là nguyên nhân dẫn đến nghi kị, mất đoàn kết nội bộ; làm giảm vai trò lãnh đạo của tập thể, tạo lỗ hổng cho những cá nhân không đủ phẩm chất leo lên các vị trí nắm giữ nhiều quyền lực trong hệ thống chính trị.

Thờ ơ, vô cảm, sao cũng mặc kệ đã biến chúng ta trở thành những con người ba phải, thấy đúng không bảo vệ mà thấy sai cũng chẳng đấu tranh. Vô hình trung, dù không có ý xấu nhưng với thái độ này, chúng ta đã tiếp tay cho cái xấu, dung túng cho cái sai. Đồng thời, điều này cũng đồng nghĩa với việc chúng ta tự tước đi “quyền lực đảng viên” của bản thân.

Nói về nguyên nhân của sự thời ơ, im lặng trước vi phạm của đồng chí, đồng nghiệp, có người cho rằng đó chẳng phải là việc của mình nên không cần quan tâm. Có người lý sự: mình nói ra chẳng giải quyết được vấn đề gì, chỉ làm người ta thêm ghét. Có người lại giải thích: mình cũng chỉ là “phận lính” như nhau, sếp chẳng nói gì thì mình tốt nhất là im lặng. Đặc biệt, với những sai lầm, khuyết điểm, hạn chế của cấp trên, dù có biết nhưng hầu như chẳng ai nói ra vì sợ làm phật ý, mất lòng và bị trù dập. Chẳng vậy mà khi phê bình, người ta chỉ đưa ra những “lời hay, ý đẹp”; khi lấy phiếu tín nhiệm, hầu hết đều tín nhiệm và tín nhiệm cao chứ chẳng mấy khi có tín nhiệm thấp. Tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Đảng ta xác định đây là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị: “Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”.

Dĩ nhiên, việc thờ ơ, vô cảm trước những sai phạm của đồng chí, đồng nghiệp có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Không hiếm nơi, người dũng cảm đứng lên phê bình, vạch ra khuyết điểm của người khác lại bị coi là “trái khoáy” và sau đó bị cô lập, thậm chí là bị trả thù. Tuy nhiên, phần đa trong số chúng ta đang chưa thực sự dũng cảm thực hiện việc phê bình và tự phê bình, ngại va chạm, vẫn chọn cách ứng xử “dĩ hòa vi quý”.

Để giữ vững tính tiền phong, cách mạng của Đảng, mỗi đảng viên phải không ngừng rèn luyện chính mình. Cùng với việc nâng cao chuyên môn, chúng ta phải xây dựng cho mình một thái độ đúng đắn đối với đồng chí, đồng nghiệp, kiên quyết loại bỏ sự thờ ơ, vô cảm, im lặng trước những sai lầm, khuyết điểm trong Đảng. Đặc biệt, đảng viên phải phân tách rõ ràng cái đúng, cái sai; kiên quyết đấu tranh, sửa chữa những khuyết điểm, không để nó tích tụ, lây lan; khéo léo phê bình, để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ và củng cố đoàn kết trong Đảng. Như nhà triết học người Đức là Martin Luther (1483-1546) phân tích: “Người ta không chỉ phải có trách nhiệm với những gì mình nói ra, mà phải có trách nhiệm những gì mình im lặng, không chịu nói ra”. Dưới góc độ tập thể, trước hết là cấp ủy, người đứng đầu các cấp phải phát huy dân chủ một cách rộng rãi, là tấm gương mẫu mực để đảng viên noi theo, sẵn sàng lắng nghe và khuyến khích những ý kiến đóng góp, phê bình chân thành của mọi đảng viên. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải khắc ghi lời dạy của Bác trong Di chúc: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau!”.

Trần Anh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/542/157263/moi-nguy-hai-tu-su-tho-o-vo-cam