Mỗi ngày Hà Nội thu gom gần 7.000 tấn rác thải

Rác thải nhựa hiện nay trở thành vấn nạn, tác động không nhỏ đến hoạt động kinh tế, xã hội, làm ô nhiễm môi trường. Do đó, công nhân cần tham gia vào hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường và bảo vệ chính mình.

Tiêu thụ 500 tỷ túi nhựa mỗi năm

Chiều 29/3, Báo Lao Động tổ chức Diễn đàn Công nhân lao động vì môi trường. Diễn đàn có sự tham dự của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các doanh nghiệp cùng đông đảo công nhân, người lao động.

Ông Dương Trung Thành, Chủ tịch Công đoàn Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho hay mỗi năm thế giới sử dụng khoảng 500 tỷ túi nhựa, 13 triệu thùng dầu để sản xuất nhựa, 1 triệu chai nhựa được mua mỗi phút, 100.000 động vật biển bị chết vì rác thải nhựa mỗi năm. Khối lượng sản phẩm nhựa sản xuất hàng năm đã tăng gấp 20 lần trong 50 năm qua và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới và được dự báo tới 1.124 triệu tấn nhựa vào năm 2050.

Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã ưu tiên nguồn lực đầu tư cho biến đổi khí hậu (BĐKH). Kinh phí đầu tư cho ứng phó BĐKH dần được gia tăng. Ví dụ, trong giai đoạn 2011-2020, thông qua Chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC), chúng ta đã huy động được khoảng 1,5 tỷ USD.

Các đoàn viên Công đoàn, công nhân có vai trò quan trọng, là tuyên truyền viên nòng cốt trong quá trình thu gom, phân loại cũng như có những sáng kiến về tái chế rác thải nhựa.

Chia sẻ những khó khăn trong công tác thu gom, xử lý rác thải nhựa, bà Hoàng Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, trung bình mỗi ngày Hà Nội thu gom gần 7.000 tấn rác thải (tương đương gần 0,8 kg/người/ngày), tăng 5-10%/năm.

Tuy nhiên, hiện công ty gặp nhiều khó khăn, thách thức vì việc thu gom, quản lý rác thải nhựa của công nhân vô cùng vất vả vì ngõ nhỏ. Điểm tập kết rác rất hạn chế, không có quy hoạch điểm tập kết. Bên cạnh đó, rác thải nhựa thường cồng kềnh, khó vận chuyển và lưu kho; người dân đổ rác không có giờ; không có ý thức phân loại rác; rác thải đôi khi lẫn nước... gây ô nhiễm môi trường.

"Chúng ta đang lãng phí nguồn tài nguyên rác rất lớn. Bởi lẽ, ở nhiều quốc gia, rác được tái chế trong nền kinh tế tuần hoàn", bà Hạnh nói.

Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện tại có 42% rác thải nhựa chưa được quản lý đúng theo quy định. Vì vậy, cần phải tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân kỹ trước khi triển khai thực hiện, đồng thời bên cạnh đó cần có chế tài cụ thể. Ngoài ra, cần phải có chính sách về kinh tế để người dân tham gia tái chế nhựa một cách bền vững như giảm chi phí nếu rác được phân loại. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện công tác tái chế, chẳng hạn như giảm thuế VAT cho doanh nghiệp.

Nhiều giải pháp để công nhân tham gia bảo vệ môi trường

Ông Nguyễn Thái Dương, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp trong hệ thống đã triển khai và áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo ISO cho toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh tích hợp với hệ thống quản lý chất lượng, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Thậm chí, một số doanh nghiệp có trường mầm non tổ chức thiết kế đồ dùng học tập, đồ chơi cho trẻ từ rác thải nhựa, từ nguyên phụ liệu dư thừa của ngành dệt may như: cúc, chỉ, bông, vải… vào chương trình dạy cho trẻ em về việc bảo vệ môi trường.

Công nhân, người lao động tham dự Diễn đàn.

Với người lao động, ông Dương cho biết những quy định của doanh nghiệp về phân loại rác thải, chất thải tại nguồn đã hình thành thói quen tốt cho người lao động không chỉ tại nơi sản xuất mà còn được người lao động áp dụng tại nơi cư trú, trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Đồng quan điểm, ông Vũ Văn Minh, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Công đoàn Điện lực Việt Nam nhấn mạnh, bảo vệ môi trường là bảo vệ người lao động.

Cũng theo ông Minh, giờ đây hầu hết người lao động đã biết nhận diện loại rác thải nguy hại trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như giẻ lau dầu máy, bóng đèn huỳnh quang thải, dầu thải, mực in thải, bao bì dính và có chứa các thành phần nguy hại, chất thải từ quá trình hồ vải có dung môi hữu cơ... để phân loại, thu gom và xử lý theo quy định.

Nhiều người lao động đã có ý thức giảm đồ nhựa dùng một lần (nước đóng chai) bằng cách sử dụng bình nước cá nhân khi làm việc, thay thế các vật dụng thân thiện môi trường trong sinh hoạt (sử dụng hộp giấy thay túi nilon), tham gia các chương trình gom pin, đổi pin đã qua sử dụng do các tổ chức tại địa phương, nơi cư trú phát động...

Anh Hoàng

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/moi-ngay-ha-noi-thu-gom-gan-7000-tan-rac-thai-192240329191813762.htm