Mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do thuốc lá

Thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh ung thư. Hậu quả từ các chất độc hại có trong thuốc lá còn ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản, thai nhi và gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Thế nhưng, vẫn còn rất nhiều người chủ quan, thậm chí là bất chấp sự nguy hại của bản thân.

Trên thế giới

Theo số liệu đưa ra từ Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế). Thế giới hiện có 1,3 tỷ người trưởng thành hút thuốc. 80% số người hút thuốc sống tại các nước có thu nhập trung bình và thấp. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của 25 căn bệnh và gây ra 90% các trường hợp ung thư phổi, 75% các trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ.

Các loại bệnh do hút thuốc lá thụ động (Tổ chức Y tế Thế giới - WHO công bố).

Theo ước tính ở Mỹ, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra 30% các trường hợp tử vong do bệnh ung thư. Trong thế kỷ 20, đã có 100 triệu người chết do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Mỗi năm, thế giới có khoảng 6 triệu ca tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, trong đó có 600.000 người chết do các bệnh gây ra bởi sự phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động (hút thuốc thụ động). Có tới 80% số ca tử vong là ở các nước có thu nhập trung bình và thấp.

Tổ chức Y tế Thế giới dự báo, nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời thì trong thế kỷ 21, tổng số người bị tử vong do những căn bệnh do thuốc lá gây ra sẽ lên tới 1 tỷ người.

Ở Việt Nam

Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2010, tỷ lệ hút thuốc ở nam giới là 47,4% (trung bình hai nam giới có một người hút thuốc). 33 triệu người không hút thuốc nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động trong nhà. 5 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động tại nơi làm việc.

Tỷ lệ hút thuốc lá cao đã gây ra các tác hại rất lớn về mặt sức khỏe và kinh tế tại Việt Nam. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời.

Theo điều tra tại Bệnh viện K Trung ương năm 2000, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá là 96,8%. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách Y tế năm 2011 cũng cho thấy bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật ở nam giới tại Việt Nam.

Xu hướng gánh nặng bệnh tật chuyển từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và gia tăng nhanh chóng. Năm 1986, bệnh không lây nhiễm mới chỉ chiếm 39% số trường hợp nằm viện thì tới năm 2011, tỷ lệ này tăng lên 62,7%. Năm 2008, số ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm đã chiếm tới 75% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam.

Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi… là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ.

Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở nam giới Việt Nam, với gần 11% tổng số ca tử vong ở nam là do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá (Viện Chiến lược và Chính sách Y tế, 2011).

Chính phủ Việt Nam đang cùng các ngành, cơ quan chức năng nỗ lực đấu tranh chống vấn nạn thực phẩm bẩn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ở góc độ người dân, ai cũng cố gắng tìm cho mình và gia đình những thực phẩm có nguồn gốc, an toàn cho sức khỏe. Thế nhưng, có một nghịch lý là, mặc dù ai cũng thấy rõ thuốc lá ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là được cảnh báo trên chính bao thuốc, vậy mà nhiều người vẫn sử dụng thuốc lá.

Vậy nên, trước những tác hại rõ ràng của thuốc lá, mỗi cá nhân phải tự ý thức phòng tránh đưa chất độc hại vào cơ thể mình và tránh ô nhiễm cho môi trường xung quanh. Dừng hút thuốc lá chưa bao giờ là quá muộn.

Thuế thuốc lá tại Việt Nam thấp gần nhất so với các nước trong khu vực (chỉ cao hơn Campuchia). Hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá của Việt Nam là 65%, nếu tính trên giá bán lẻ, mức thuế này chỉ chiếm 41,6%. Tăng thuế thuốc lá sẽ góp phần giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá, bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai, bảo vệ sự phát triển bền vững của quốc gia.

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới ước tính, việc tăng thuế ở mức giá thực của thuốc lá lên tới 10% có thể khiến 40 triệu người hút thuốc trong năm 1995 bỏ thuốc và ngăn ngừa ít nhất là 10 triệu ca tử vong do sử dụng thuốc lá.

Minh Phương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/moi-nam-viet-nam-co-khoang-40-000-nguoi-tu-vong-do-thuoc-la-452424/