Mỗi năm, Malaysia chi gần 7.000 tỷ đồng mua sách

Những góp ý cho dự thảo Luật Thư viện nhằm phát huy hệ thống thư viện cho việc nâng cao trình độ học thuật, dân trí, văn hóa, nhân cách của con người Việt Nam.

Góp thêm ý kiến cho dự thảo Luật Thư viện với nội dung về tầm quan trọng và chính sách đầu tư phát triển thư viện trong trường học, trong đó tập trung cho thư viện cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Thư viện cơ sở giáo dục có tầm quan trọng bậc nhất đến thói quen đọc sách

Trong 8 loại thư viện dự thảo Luật, thư viện cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp (xin được gọi tắt là thư viện cơ sở giáo dục) có tầm quan trọng bậc nhất đến việc hình thành thói quen đọc sách, phương pháp học tập có tra cứu, tham khảo khoa học, từ đó tạo nên văn hóa đọc, góp phần xây dựng nhân cách cho thanh thiếu nhi và con người Việt Nam.

Nhiều nước trên thế giới đã có những chính sách đầu tư rất mạnh cho thư viện trong cơ sở giáo dục. Nhật bản đã ban hành Luật Thư viện trường học từ năm 1953. Tại Hàn Quốc, Luật Thư viện trường học được ban hành vào năm 1963, bắt buộc mỗi trường học phải có thư viện. Một nghiên cứu khoa học tại Úc đã chỉ ra rằng Luật Thư viện trường học của Nhật Bản, Hàn Quốc đã tác động lớn đến thành tích học thuật của học sinh các nước này.

Trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia mỗi năm chi 300 triệu USD (tức gần 7.000 tỷ đồng) để mua sách trong đó có 1/3 (khoảng 2300 tỷ) để đầu tư sách cho trường học. Tại Thái Lan, kinh phí đầu tư sách cho trường học rất cao, đã giúp ngành xuất bản tại Thái Lan đạt doanh số 650 triệu USD, gấp hơn 3,6 lần Việt Nam trong khi dân số chỉ bằng 2/3 dân số nước ta.

Những dẫn chứng trên đã cho chúng ta thấy các quốc gia có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển đều có tầm nhìn chiến lược, rất chú trọng và đầu tư thực sự cho thư viện trường học và hình thành văn hóa đọc của người dân, thanh thiếu nhi các nước.

Phát triển hệ thống thư viện trong trường học, cơ sở giáo dục có vai trò quan trọng.

Phát triển hệ thống thư viện trong trường học, cơ sở giáo dục có vai trò quan trọng.

Trong khi đó, thư viện cơ sở giáo dục ở Việt Nam hiện nay chưa được đầu tư tương xứng. Nhiều đơn vị thật sự xem “Thư viện là trái tim của trường học” nhưng còn rất nhiều đơn vị không quan tâm đến việc phát triển thư viện trong trường học. Có trường bố trí thư viện ở lầu cao nhất hoặc ở gần nhà vệ sinh, không thể phù hợp và thuận tiện cho trẻ em đến đọc sách và tìm thấy sự hứng thú với hoạt động thư viện.

Kinh phí đầu tư mua sách hàng năm không phục vụ đủ nhu cầu học chuyên môn và đọc mở rộng cho học sinh. Trung bình một thư viện trường tiểu học được cấp 8 triệu đồng/năm, không đủ để trang bị sách cho các em. Nhiệm vụ chính của rất nhiều thư viện hiện nay là bán sách giáo khoa, bán dụng cụ học tập cho học sinh.

Cán bộ thư viện cơ sở giáo dục hiện nay không có chế độ, chính sách đảm bảo cho cuộc sống và tạo động lực cho nghề nghiệp như không có chế độ thâm niên, không có phụ cấp đứng lớp. Rất nhiều trường bố trí cán bộ thư viện là giáo viên kiêm nhiệm hoặc giáo viên đứng tuổi, không có điều kiện giảng dạy tại lớp.

Xin nêu một ví dụ để so sánh, Luật Thư viện trường học của Nhật bản và Hàn Quốc được ban hành cách đây hơn nửa thập kỷ đều gọi cán bộ thư viện là giáo viên thủ thư và khẳng định thư viện trường học cùng với giáo viên thủ thư chuyên nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với nền giáo dục các nước.

Những kiến nghị cho dự thảo Luật Thư viện

Dự thảo Luật Thư viện hiện hành là một bước tiến lớn trong tư duy và chính sách đầu tư cho việc phát triển thư viện và văn hóa đọc của nước ta. Tuy nhiên, nhiều người kỳ vọng Luật Thư viện ban hành không chỉ là chính sách để phát triển các cơ sở thư viện hữu hình mà còn tác động mạnh mẽ đến thói quen đọc sách của học sinh, văn hóa đọc của người Việt Nam, từ đó nâng cao dân trí, phát triển nhân cách cho thanh thiếu nhi Việt Nam. Đứng trên góc độ đó và trên tình hình thực tiễn, ngoài những chính sách đã nêu trong dự thảo Luật, tôi xin đề xuất một số nội dung sau:

1. Luật cần bổ sung quy định đưa “tiết đọc sách có gắn với việc sử dụng thư viện vào khung chương trình chính thức ở các cấp học phổ thông”. Thời gian đọc hiện nay của học sinh ở trường chủ yếu là giờ ra chơi với không khí hoàn toàn không phù hợp để trẻ có thể tập trung, thưởng thức, thẩm thấu nội dung sách.

Hiện nay, Luật Giáo dục chưa quy định nội dung này và có trường thực hiện, có trường không. Trong khi đó, tiết đọc sách là tiết học duy nhất trong nhà trường có thể giúp học sinh phát triển tất cả các yếu tố về nhu cầu, hứng thú đọc, kĩ năng đọc, thói quen đọc và là nền tảng để học sinh trở thành người đọc độc lập. Ngoài ra, chương trình giáo dục phổ thông sắp tới cũng phải yêu cầu các môn học chính khóa có tiết đọc sách tại thư viện.

Chương trình giáo dục phổ thông nên yêu cầu các môn chính khóa có tiết đọc sách tại thư viện.

Chương trình giáo dục phổ thông nên yêu cầu các môn chính khóa có tiết đọc sách tại thư viện.

2. Người đứng đầu các cơ sở giáo dục có trách nhiệm đảm bảo tất cả học sinh đều được trang bị nhận thức về tầm quan trọng của thư viện và kỹ năng sử dụng thư viện; đảm bảo tất cả học sinh trong trường đều phải được sử dụng thư viện trong năm học (đây là bài học từ Thụy Điển và Nhật Bản).

3. Kiến nghị Ủy ban văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tổ chức giám sát thường xuyên việc chi đầu tư cho thư viện và văn hóa đọc hàng năm. Vì trong dự thảo Luật cho phép UBND các cấp đầu tư cho thư viện trong điều kiện phù hợp với tình hình địa phương. Như vậy rất có khả năng nhiều đơn vị sẽ tiếp tục viện lý do phải đầu tư cho những hạng mục quan trọng hơn và không đầu tư phát triển thư viện, văn hóa đọc như hiện nay. Đồng thời Ủy ban chủ trì tổ chức khảo sát đo lường và công bố tỷ lệ đọc sách của người Việt Nam, nhất là thanh thiếu nhi Việt Nam hàng năm để có cơ sở giám sát hiệu quả và thúc đẩy phát triển chính sách.

4. Trong tương lai, kiến nghị Quốc hội nghiên cứu xây dựng Luật Thư viện trường học trên nền tảng những quy định khung tại Luật Thư viện để tập trung chính sách phát triển và phát huy hết công dụng của hệ thống này cho việc nâng cao trình độ học thuật, nâng cao dân trí và văn hóa, nhân cách của con người Việt Nam.

Lâm Đình Thắng

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/moi-nam-malaysia-chi-gan-7000-ty-dong-mua-sach-post1010683.html