Mối hoài nghi thường trực về chữ đường

Cùng 1 ruộng mía, trồng cùng 1 giống mía, chăm sóc cùng 1 chế độ, thu hoạch cùng 1 ngày, bán mía cho cùng 1 NM đường... mà sao chữ đường khác nhau?

Bên cạnh 4 nguyên nhân khách quan nêu trên, một trong những vấn đề nan giải nhất từ trước đến nay là cách định giá chữ đường (CCS). Mặc dù Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư Số 29/2012/TT-BNNPTNT về việc “Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu” với những quy định hết sức rạch ròi, nhằm đảm bảo độ chính xác, tính khách quan. Thế nhưng quá trình triển khai vẫn còn nhiều bất cập, mà ở đó người trồng mía gánh phần nhiều thua thiệt.

Phần lớn người trồng mía trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tỏ ra hoài nghi về cách tính chữ đường

Có 2 yếu tố quyết định trực tiếp đến hiệu quả của nghề trồng mía là năng suất và chữ đường, nếu như người nông dân chỉ có thể chủ động ở mức tương đối vế đầu thì riêng vế thứ hai thuộc quyền kiểm soát hoàn toàn của các nhà máy.

Giống như các khu vực trọng điểm khác trên cả nước, bấy lâu nay các hộ trồng mía tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn bán tín, bán nghi xung quanh “Quy chuẩn CCS”. Tại các cuộc đối thoại, vấn đề này đã nhiều lần được đem ra phân tích, mổ xẻ nhưng rốt cuộc vẫn chưa tìm ra biện pháp giải quyết thấu đáo. Đáng lo ngại hơn, không chỉ số đông nông dân “mù tịt” với chữ đường, đến như cán bộ địa bàn cũng nắm bắt rất mơ hồ xung quanh khái niệm này.

Lấy xã Công Liêm (Nông Cống) làm ví dụ. Trước đây toàn xã có 200ha mía, do nhiều nguyên nhân khác nhau hiện tại chỉ còn duy trì trên dưới 80ha. So với các cây trồng khác, mía nguyên liệu vẫn phát huy ưu thế vượt trội, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững cho người nông dân. Tuy nhiên quá trình triển khai vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, một trong số đó là quá trình phối hợp thu mua giữa nhà máy và các hộ trồng mía.

Ông Trần Sỹ Tuấn, Chủ tịch UBND thẳng thắn cho biết: “Bà con nông dân nghi ngờ độ chính xác khi đo chữ đường là có thật, bài toán này nhiều năm qua vẫn chưa có lời giải đáp. Trên phương diện quản lý nhà nước, địa phương chỉ có sự tác động nhất định khi nhà máy chậm chễ trong quá trình thu mua mía, còn sau đó là sự phối hợp của đôi bên. Bản thân tôi cũng không nắm được cách họ tính độ CCS ra làm sao, đây thực sự là vấn đề không dễ giải quyết”.

Với thâm niên ngót nghét 30 năm gắn bó với nghề, ông Hoàng Văn Huyên, Bí thư Chi bộ thôn Đoài Đạo (xã Công Liêm), đồng thời là đại diện cho 11 hộ dân trồng mía trên địa bàn hiểu rõ hơn ai hết những khó khăn, vướng mắc. Ông Huyên thừa nhận, nút thắt CCS vẫn là rào cản muôn thuở.

“Theo quy định các hộ dân hoặc người đại diện sẽ có mặt trong thành phần giám sát để đảm bảo tính khách quan, thế nhưng việc kiểm đếm lại không theo khung cố định, có lúc triển khai ngay tức thì nhưng nhiều khi găm lại hàng giờ đồng hồ, thành thử ra chủ hàng không thể túc trực suốt 24/24h.

Trên một ruộng mía, triển khai trồng cùng một giống mía, chăm sóc như nhau nhưng khi cân, đo lại cho kết quả khác nhau thấy rõ, có những xe đạt chữ đường trên 10 CCS, nhưng có những xe chỉ đạt trong khoảng 7 - 8 CCS. Đành rằng có nhiều yếu tố tác động đến chất lượng, thế nhưng mức chênh lệch như trên thì quả thật khó chấp nhận”, vẫn theo ông Huyên.

Tại thôn Đoài Đạo hiện có 25 hộ tham gia trồng mía nguyên liệu với tổng diện tích 32ha. Niên vụ 2016 - 2017, khi Cty CP Mía đường Nông Cống tiến hành thu mua, nhiều hộ khấp khởi nhưng không ít hộ đắn đo khi cầm kết quả trên tay.

Điển hình nhất là trường hợp của gia đình anh Mạch Văn Thái, trên diện tích 1ha vợ chồng anh thu về 31 tấn mía cây, trừ chi phí lãi ròng trên dưới 25 triệu đồng. Thoạt nhìn đây là mức thu nhập tương đối khá, thế nhưng với những người trong cuộc họ có lý do để bày tỏ sự không hài lòng.

Anh Mạch Văn Thái bộc bạch về những vấn đề bất cập

Đi vào chi tiết, ngày 1/1/2017 nhà máy tiến hành cân, kiểm tra 2 xe mía của anh Thái, kết quả 1 xe có chữ đường 10.34 CCS, với khối lượng 11.915kg, tính ra số tiền thu về được trên 12 triệu 300 ngàn đồng. Trong khi đó xe còn lại dù khối lượng lên đến 13.455kg nhưng tính ra chỉ được trên 12 triệu 100 ngàn đồng, nguyên nhân là do độ đường chỉ đạt … 9.02 CCS.

“Từ lúc làm đến khi thu hoạch là nhiệm vụ của người dân, còn sau đó ra sao, thực hiện thế nào là của nhà máy. Nông dân chúng tôi rất mơ hồ về chữ đường trong mía, đơn vị thu mua thông báo kết quả ra sao thì biết đến đó thôi”, anh Thái bộc bạch.

“Rào cản” người trồng mía

Qua khảo sát đánh giá, chất lượng mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ năm 2011 đến nay nằm ở mức an toàn, chữ đường bình quân chỉ đạt 9,8 CCS, một số ít diện tích giống mía mới nhích lên 11 CCS. Nếu so với mức bình quân trên thế giới hiện nay là 12 - 13 CCS, rõ ràng con số nói trên chưa thực sự khả quan…

Các chuyên gia đầu ngành cũng nhận định, mía đường Thanh Hóa trong những năm qua có bước tiến khá khả quan. Tuy nhiên đây cũng là lúc bộc lộ hàng loạt vấn đề yếu kém, khiếm khuyết.

Thứ nhất, năng suất mía bình quân của tỉnh thấp hơn thấy rõ so với mặt bằng chung (tỉnh là 58,2 tấn/ha, Việt Nam 64 tấn/ha, thế giới là 70,2 tấn/ha). Sản lượng mía nguyên liệu chưa đáp ứng đủ công suất hoạt động của các nhà máy. Chữ đường chỉ đạt khoảng 9,8 CCS, trong khi thế giới là 12 - 13 CCS.

Cùng một ruộng mía, thu hoạch cùng lúc, cân đo cùng ngày nhưng 2 xe mía của gia đình anh Thái có sự chênh lệch rất lớn về CCS

Hai là, hình thức tổ chức sản xuất còn nhiều bất cập, vùng nguyên liệu của các nhà máy đa phần còn manh mún (khoảng 0,5 ha/hộ) khiến việc đầu tư hệ thống tưới và cơ giới hóa đồng bộ chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Ba là sự yếu kém trong quá trình chỉ đạo và thực hiện quy hoạch của các địa phương. Theo khảo sát đánh giá, diện tích mía thâm canh chỉ đạt 45,4% so với kế hoạch đặt ra (6.914/15.271,5ha), trong đó vùng mía Cty CP Đường Lam Sơn là 2.963/8.750 ha (33,9%), Cty liên doanh Việt - Đài 3.310/3.947ha (83%), Cty CP Đường Nông Cống 641/2.575ha (16,2 %)…

Khi được hỏi, một cán bộ từng nhiều năm công tác tại Cty CP Mía đường Nông Công (xin được giấu tên) khẳng định, độ đường CCS đảm bảo hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, có thể xuất phát từ chất lượng giống, phân bón, quy trình chăm sóc, dịch bệnh cũng như cách thức thu hoạch.

Để đảm bảo độ chính xác tuyệt đối là rất khó, nhưng chênh lệch quá lớn là điều người bán mía cho các NM đường hoàn toàn có quyền nghi ngờ.

VIỆT KHÁNH

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/moi-hoai-nghi-thuong-truc-ve-chu-duong-post200290.html