Môi giới nhà đất với 'giọng hát đỉnh cao'

Người làm nghề môi giới nói chung và môi giới nhà đất nói riêng ăn nói lưu loát, có khả năng thuyết phục bẩm sinh, lại tích cực “luyện giọng” nên “giọng hát” mỗi ngày mỗi hay. Trong thị trường nhà đất phát triển nhanh và có phần hỗn loạn như ở Việt Nam hay mang tính ổn định cao như ở Canada, người làm nghề môi giới nhà đất luôn khiến người ngoài cuộc ngưỡng mộ, nể phục và… mong ước.

“CÓ ĐỨC MẶC SỨC MÀ ĂN”

Đó là kết luận của anh T. – một “cò” đất có thâm niên ở khu vực quanh hồ Tây – Hà Nội, sau một hồi chia sẻ về nghề “bán nước bọt ăn tiền” này.

Anh T. làm “cò đất” từ rất sớm, ngay khi Việt Nam mở cửa để làm bạn với tất cả các nước trên thế giới. Doanh nhân, khách du lịch đổ đến Hà Nội tăng theo cấp số nhân mà nhà đất thì chỉ lẹt đẹt chạy theo nhu cầu ở của “những người từ trên trời rơi xuống”. Lắm kẻ chả giỏi giang gì, vừa gắng xây được căn nhà tươm tất thì tự nhiên có một ông mò đến, hỏi thuê cho chuyên gia…

Thế là ngã giá rất nhanh, gia đình chủ nhà rút về một xó xỉnh nào đó để ở, nhường căn nhà mới cho ông chuyên gia và nhận về những tờ đô la sột soạt. Hồi ấy, để giữ yên ổn nơi ở, khách thường trả tiền thuê cả 5 năm liền. Với chủ đất có nhà lớn, số tiền đó đủ để mua một mảnh đất khác để xây nhà và cho thuê tiếp. Thế là tiền cứ nở ra tiền. Mỗi lần tìm và dẫn khách đến thuê nhà thành công, “cò đất” được hưởng một khoản hoa hồng đáng nể: 1 tháng thuê nhà/1 năm đầu tiên. Với thương vụ mua bán nhà đất thì được 1% trên tổng giá trị nhà đất.

Trong khi cả xã hội còn đang ngơ ngác với những biến đổi rất nhanh của nền kinh tế nói chung và thị trường nhà đất nói riêng thì “cò đất” và chủ nhà, chủ đầu tư đã bắt chặt tay nhau thẳng tiến vào nền kinh tế thị trường với tốc độ tên lửa. Anh T. chính là một người như thế.

Lúc đầu anh cũng chỉ vô tình giúp ai đó thuê nhà, sau hình thành các mối quan hệ và người có nhu cầu thuê nhà, mua – bán nhà cửa đất đai tìm đến anh ngày càng nhiều. Một tay anh T. chẳng thể che hết mặt trời, anh bắt đầu tìm và xây dựng mạng lưới cộng sự - những người cũng từ bỡ ngỡ đến thành thục, điêu luyện trong nghề môi giới nhà đất rất nhanh.

Có thể nói, khi các dự án chưa nở ra nhiều và các công ty môi giới, sàn giao dịch bất động sản chưa được hình thành theo xu hướng chuyên nghiệp thì mạng lưới của anh T. không chỉ thống soái khu vực quanh hồ Tây mà còn bao quát cả các quận nội thành Hà Nội, các quận ven đô – nơi có các dự án hạ tầng cơ sở đang được triển khai và giá đất tăng chóng mặt theo vòng quay. Lẽ dĩ nhiên, nếu chỉ làm một mình thì với khoản hoa hồng nhận được, những người như anh T. sống khỏe.

Nhưng phàm khi mỡ có nhiều thì cũng lắm kiến bò đến, công việc ngon ăn thì cũng hấp dẫn khối kẻ khiến người ngày càng khôn, của ngày càng khó! Với một thương vụ thành công không phải chỉ có công sức của một “cò” mà dắt dây nhiều “cò” khác. Món hoa hồng theo công thức vốn có được chia nhỏ sẽ còn chẳng đáng là bao. Mặc cả nâng phần trăm hoa hồng lên? Cắt hẳn một khoản từ chủ nhà? Tất cả đều được đưa vào giá, thỏa mãn cả chủ nhà, môi giới và người mua. Anh T. thuyết phục được cả “ba bề bốn bên” mà ai cũng vui.

Đến một ngày, các sàn giao dịch nở ra như bươm bướm, các môi giới trẻ được đào tạo kỹ năng nói như hát, truyền cảm hứng hừng hực như lửa, tạo ra những cơn “sóng thần” trên thị trường nhà đất… nhiều môi giới truyền thống không bằng cấp đã rút êm khỏi thị trường. Ấy vậy mà, anh T. vẫn cùng các cộng sự lặng lẽ làm công việc của mình. “Nước sông không phạm nước giếng”. “Có đức thì cứ mặc sức mà ăn”.

MÔI GIỚI TRẺ - MƯỜI NGƯỜI “RỤNG” BẢY CÒN BA

Trước đây, khi thị trường chưa hình thành đội ngũ môi giới được đào tạo kỹ năng như ngày nay, tôi đã nhiều lần được môi giới dẫn đi tìm nhà đất. Thôi thì khỏi nói, hầu hết đều bát nháo. Kiến thức chả có. Chả cần biết nhu cầu của khách là gì, cứ ai cần mua ai cần bán là giới thiệu. Cũng nhờ những ngày đi tìm nhà mà tôi biết đến những ngôi nhà có kiến trúc chả giống ai.

Ngay giữa trung tâm thành phố mà nhà thì có cái tua - let to hơn cả phòng khách; nhà thì đập vào mặt là cái bếp úi xùi, rồi đến hành lang, xong đến chỗ tiếp khách… rất vô lý so với hình dạng của mảnh đất. Cò đất có khi treo cả đầu dê rồi bán thịt chó để khách đồng ý đi theo mình. Được thì có hoa hồng, không thì có tiền đưa dẫn, thu nhập gọi là hơn anh xe ôm.

Nghề môi giới nhà đất thì chưa bao giờ hết hấp dẫn. Trái tim họ phập phồng đập theo nhịp sóng thương trường. Khách hàng chủ yếu là chủ đầu tư. Khi tài khoản của họ tăng theo cấp số nhân thì khi ấy tim của môi giới còn nhảy múa hân hoan hơn cả họ...

Từ khi có các dự án khu đô thị, nhà chung cư, nhà ở xã hội và các loại hình nhà nghỉ dưỡng nở ra thì các sàn giao dịch, các công ty môi giới bất động sản cũng phát triển nhanh chóng. Không phủ nhận là họ góp phần vào sự tăng trưởng của ngành bất động sản, xây dựng nên những tên tuổi lớn trên thị trường, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân và tạo cơ hội làm giàu cho rất nhiều chủ đầu tư nhưng bên cạnh “những cái được” thì không phải không có những hệ lụy.

Với một nền kinh tế cất cánh, GDP tăng nhanh chưa từng có, tiền làm ra lại tìm chỗ trú ẩn vào nhà đất để “nếu gặp sự cố thì đất vẫn nằm đó, chả ai khuân đi đâu”, bong bóng thị trường nhà đất cứ hình thành phồng - xẹp theo một nhịp điệu khá đều đặn: 10 năm 1 đận. Nhưng nghề môi giới nhà đất thì chưa bao giờ hết hấp dẫn. Trái tim họ phập phồng đập theo nhịp sóng thương trường.

Khách hàng chủ yếu là chủ đầu tư. Khi tài khoản của họ tăng theo cấp số nhân thì khi ấy tim của môi giới còn nhảy múa hân hoan hơn cả họ, vì được cái tiếng là “nhân nói như thần bảo, mua là thắng lớn”. Còn khi thị trường xẹp lép thì không chỉ nhà đầu tư méo mặt mà môi giới cũng nhũn như bánh đa ngâm nước.

Nghề môi giới nhà đất hấp dẫn nhưng cũng chịu sự đào thải khắc nghiệt của thị trường. Các môi giới cũng phải đảm bảo doanh thu mà nếu doanh thu không đạt thì tự khắc bị đào thải. Thông tin gần đây cho thấy, hơn một năm qua, thị trường nhà đất nguội lạnh, các công ty môi giới hoặc tạm thời đóng cửa hoặc sa thải nhân viên.

Đất Xanh Miền Bắc – một trong những công ty môi giới bất động sản lớn nhất Việt Nam - sa thải 1.400 nhân viên. So với cùng kỳ năm 2022 thì nhân sự của tập đoàn này chỉ còn 30% và đó cũng là tình trạng chung của các DN môi giới bất động sản. Nhiều cô cậu hớn hở “húc đầu vào nghề” một thời gian rồi buộc phải đi tìm việc mới. Cứ lớp này rơi rụng thì lớp khác lại hình thành, chả khác nào sóng lượn trên bờ biển. Ước tính, chỉ có khoảng 30% nhân viên môi giới là trụ được với nghề, 70% còn lại là khoảng trống cho những nhân viên mới lao vào thử thách của nghề - đơn giản vì thấy người ta “ăn khoai thì cũng vác mai đi đào”. Tưởng dễ!

QUÝ NHAU LÀ Ở CÁI... HỢP ĐỒNG MÔI GIỚI NHÀ

Thật vậy sao? Đó là thực tế của việc mua – bán nhà ở xứ lá phong. Kinh nghiệm được rút ra thế này: Cứ nhận được một hợp đồng môi giới bán nhà là gần như nắm chắc tiền chảy vào túi. Dễ vậy sao?

Thế này nhé: Ông A cần bán nhà sẽ ký hợp đồng với các công ty môi giới như Remax, Century 21, Royal LePage… Ông thấy “quý” bên nào thì ông chọn bên đó theo nguyên tắc: Chỉ được phép ký hợp đồng môi giới với 1 công ty, hết thời hạn hợp đồng mà chưa bán được nhà mới được phép ký với công ty khác.

Thông tin bán nhà sẽ được công ty môi giới đưa lên web rồi được các công ty môi giới khác chia sẻ khắp các trang mạng. Một cái “chợ online” rất nhộn nhịp, ở đó người mua người bán có thể gặp nhau, xem nhà và chốt hạ.

Người môi giới (realtor) nếu môi giới thành công sẽ được nhận khoản hoa hồng 3,5 % (ở vào những thời điểm thị trường u ám thì có thể nhận tới 5%) trên tổng giá nhà. Realtor của bên bán nếu bán nhà qua realtor của bên mua sẽ trích lại cho realtor bên mua khoản hoa hồng (thông thường là) 2 - 2,5%. Khoản này có thể được realtor bên mua chia sẻ lại với người mua nhà 1% (nếu người mua nắm được “luật chơi”).

Một ngày mở bán nhà dự án tại thành phố Barrie – bang Ontario - Canada

Nhiệm vụ của realtor là tích cực quảng bá, tìm kiếm khách hàng, làm việc với luật sư bên bán (do chủ nhà thuê) và realtor bên mua (nếu có). Họ còn phải nghiên cứu giá cả, chất lượng nhà đã bán của khu vực đó để tư vấn cho “thân chủ” bán được nhà sát giá. Luật sư bên bán sẽ tự làm việc với ngân hàng để tất toán khoản mortgage (tiền vay ngân hàng) của chủ nhà, với các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, gas, internet, bảo hiểm để chốt thanh toán và chấm dứt hợp đồng. Khi việc mua bán hoàn tất (closing nhà), người bán giao chìa khóa nhà cho luật sư bên bán, người mua sẽ nhận chìa khóa từ luật sư bên mua. Bán mua cả ngôi nhà một vài triệu đô, vài chục triệu đô mà người mua, người bán chả chạm mặt nhau!

Dân Canada sẵn sàng chuyển nơi ở với muôn vàn lý do khác nhau: Con cái ra ở riêng – bán nhà to mua nhà nhỏ; Chuyển công việc sang tỉnh bang khác – sẵn sàng chuyển nhà; Về hưu tìm chỗ yên tĩnh – chuyển; Về già - bán nhà vào trại dưỡng lão… Vì thế, khu phố nào cũng nhấp nhô biển for sale/ sold trước cửa nhiều ngôi nhà, và công việc của mỗi realtor cũng cực kỳ bận rộn.

Mùa bán nhà nhộn nhịp nhất là từ tháng 4 đến tháng 11, khi thời tiết ấm áp, cảnh sắc đẹp đến nao lòng. Chục năm gần đây, giá nhà ở Canada tăng vọt. Giá trung bình ở Toronto hiện nay đã hơn 1 triệu đô la/ căn. Một realtor chắc nghề có thể bán được một đôi chục căn mỗi năm. Với khoản hoa hồng hậu hĩnh trên những ngôi nhà một vài triệu đô ấy, nhiều người lại trở thành những nhà đầu tư trên thị trường bất động sản của xứ lá phong – một công việc cực kỳ hấp dẫn với bất cứ ai.

Tóm lại, để có được một hợp đồng bán hay mua nhà cho khách, realtor không chỉ “hát hay” mà còn phải tận tâm, trách nhiệm và giữ uy tín. Chỉ cần 1 lần đánh tuột hai chữ uy tín đó - ví dụ như lợi dụng niềm tin của khách, tư vấn không chuẩn, trái luật hoặc cài giá, dìm giá làm cho khách hàng bán/mua bị hớ hay vướng vào những rắc rối không đáng có thì… ôi thôi! Đi đời nhà nghề nhé.

Canada là thế! Bạn có thể đi tàu trốn vé nhưng nếu chẳng may bị phát hiện thì lịch sử của bạn sẽ nhuốm mực đen ngòm. Bạn có thể vay tiền dễ dàng nhưng nếu chây ì không trả, dù chỉ một lần, bạn gần như bị chặn mọi con đường để “định vị” lại bản thân.

Nguyễn Kim Khánh

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/moi-gioi-nha-dat-voi-giong-hat-dinh-cao-post545300.html