Mới giải ngân được gần 105 tỷ đồng cho 3 dự án nhà ở xã hội

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân rất lớn, tuy nhiên vay vốn để mua nhà người dân phải cân nhắc rất kỹ lưỡng, cho nên có những phần thông qua vay vốn, nhưng cũng có những phần phải là nguồn lực từ Nhà nước.

Nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân rất lớn

Ngày 6/11, Quốc hội đã mở đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ với nhóm vấn đề về kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng.

Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) cho rằng, việc hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội là một chủ trương rất nhân văn của Đảng, Nhà nước ta. Gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng là một minh chứng cho điều đó. Hiện tại cử tri và đông đảo người dân rất phấn khởi và kỳ vọng, nhu cầu rất lớn nhưng đến nay tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp, chỉ khoảng 100 tỷ đồng.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) chất vấn. (Ảnh: Quốc hội)

“Về phía góc độ ngân hàng theo Thống đốc đâu là khó khăn, vướng mắc và Thống đốc đã đề xuất giải pháp gì với Chính phủ để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới?”, đại biểu nêu câu hỏi.

Trả lời đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng, chương trình gói 120.000 tỷ đồng cho vay đối với người có thu nhập thấp và công nhân là chương trình hưởng ứng của ngành ngân hàng được giao tại nghị quyết của Chính phủ để tiến tới mục tiêu có 1 triệu căn hộ trong 10 năm tới.

Gói này là gói sử dụng nguồn tiền huy động của các tổ chức tín dụng và từ người dân. Lãi suất ưu đãi cũng từ nguồn tài chính của các ngân hàng tham gia. Sau khi có nghị quyết của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước đã ban hành văn bản hướng dẫn cho các tổ chức tín dụng thực hiện, có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm để có thể xây dựng và công bố những dự án thuộc diện được cho vay theo chương trình này. Việc này được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. (Ảnh: Quốc hội)

“Về phía các tổ chức tín dụng, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các ngân hàng phải ban hành các quy trình nội bộ để triển khai gói này. Hiện nay có 18/63 Ủy ban nhân dân tỉnh đã gửi văn bản công bố danh mục dự án tham gia chương trình và công bố trên Cổng thông tin điện tử 53 dự án, với tổng nhu cầu vay là 27.000 tỷ đồng. Đến nay các ngân hàng đã giải ngân được gần 105 tỷ đồng cho 3 dự án ở 3 tỉnh thành”, Thống đốc Ngân hàng nhà nước nói.

Lý giải về việc giải ngân còn hạn chế Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu ba nguyên nhân.

Thứ nhất, nguồn cung về nhà ở thuộc đối tượng của chương trình này còn hạn chế. Đặc biệt là cầu, nhu cầu về nhà ở rất lớn nhưng nhu cầu của người dân quyết định đi vay để mua nhà lại là một câu chuyện người dân phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.

Thứ hai, điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Hiện nay cũng còn có những ý kiến phản ánh chưa phù hợp với thực tế, như thu nhập không thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân, quy định chưa có nhà ở thì đây cũng là một hạn chế.

Thứ ba, chương trình này thực hiện trong một thời gian dài 10 năm và các khoản cho vay bất động sản thường kéo dài, giải ngân sẽ theo thời gian cho nên lượng giải ngân vẫn còn thấp.

“Từ những hạn chế nêu trên, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những kiến nghị và rất mong Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố quan tâm để có thể sớm công bố các dự án nhà ở thuộc vào chương trình này để hệ thống ngân hàng có thể tích cực triển khai. Chúng tôi cũng sẽ tập trung để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân có thể nắm rõ có chương trình này”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) phát biểu tranh luận. (Ảnh: Quốc hội)

Cần phải có sự vào cuộc không chỉ riêng của ngân hàng

Tranh luận sau đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Thống đốc đã trả lời đúng nhưng chưa đủ. Theo đại biểu, đây là một chủ trương rất đúng và nhân văn của Chính phủ, để làm cho được, cho hiệu quả thì cần phải có sự vào cuộc không chỉ riêng của ngành ngân hàng mà còn của cả Bộ Xây dựng, của địa phương, của tổ chức Công đoàn.

Đặc biệt, chính người lao động phải nắm cho được nhu cầu rồi yêu cầu về số lượng, diện tích, địa điểm, mức giá, chất lượng… từ đó mới lên kế hoạch triển khai để xây dựng, cung cấp trên cơ sở nhu cầu của họ, yêu cầu của họ thì mới có thể thành công được.

“Đây là một đề án rất nhân văn và rất cần thiết. Vì vậy, rất mong Thủ tướng Chính phủ hoặc các Phó Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo để đạt được sự đồng thuận, thống nhất và cùng nhau làm thì mới thành công”, đại biểu nói.

Các đại biểu tại phiên chất vấn. (Ảnh: Quốc hội)

Bày tỏ nhất trí với đại biểu Nguyễn Anh Trí, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, để thực hiện mục tiêu 1 triệu căn hộ phải sử dụng đến nhiều nguồn lực tài chính. Nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân rất lớn, tuy nhiên, nhu cầu vay vốn là một sự cân nhắc của người dân, cho nên có những phần thông qua vay vốn, nhưng cũng có những phần phải là nguồn lực từ Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng quan tâm để triển khai tích cực gói 120.000 tỷ đồng này, đến nay đã có một ngân hàng thương mại cổ phần khác tham gia 5.000 tỷ đồng nữa, như vậy gói này hiện nay lên 125.000 tỷ đồng. Trong 10 năm tới, nếu có khả năng các tổ chức tín dụng khác tham gia thì gói này sẽ cao hơn.

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, giải quyết nhà ở xã hội cũng được thực hiện bằng nhiều chính sách, hiện nay Chính phủ có Nghị định 100 và Ngân hàng Chính sách xã hội là một trong những ngân hàng thực hiện cho vay đối tượng này. Việc này là toàn hệ thống và đặc biệt phải có sự phối hợp của các bộ, ngành, các địa phương, hệ thống công đoàn. Trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để có thể tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đạt được mục tiêu của chương trình.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/moi-giai-ngan-duoc-gan-105-ty-dong-cho-3-du-an-nha-o-xa-hoi-162357.html