Mối đe dọa nhân đôi?

Liên tục thất thế và bị đẩy lùi tại chiến trường I-rắc, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng dường như đang tìm cách “bắt tay” với tổ chức khủng bố Al-Qaeda để thay đổi tình cảnh có phần bi đát của mình.

Reuters mới đây dẫn lời Phó tổng thống I-rắc, ông Ai-át A-la-uy (Ayad Allawi) cho biết, IS và tổ chức khủng bố Al-Qaeda đã có những cuộc trao đổi về phương thức lập một liên minh. Phó tổng thống I-rắc cho biết, ông nhận được những thông tin này từ các kênh liên lạc tại I-rắc cũng như trong khu vực. Theo đó, thủ lĩnh của IS là A-bu Ba-ca an-Bát-đa-đi (Abu Bakr al-Baghdadi) và nhân vật đứng đầu của Al-Qaeda, Ây-man An Da-oa-ri (Ayman al-Zawahiri), mặc dù không gặp gỡ trực tiếp nhưng đã có những cuộc trao đổi, tính toán về kế hoạch nói trên.

IS trước đây đã từng là một nhánh của Al-Qaeda. Kể từ khi tách ra khỏi Al-Qaeda, nhóm này mở rộng hoạt động và chiếm được một phần lớn lãnh thổ ở miền Bắc I-rắc, trong đó có những thành phố lớn. Trong lần đầu tiên lộ mặt vào năm 2014, A-bu Ba-ca an-Bát-đa-đi đã tuyên bố thành lập nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng trên các vùng lãnh thổ mà nhóm này kiểm soát nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Al-Qaeda. Cũng kể từ đây, hàng nghìn tay súng lũ lượt kéo đến tình nguyện tham gia IS, giúp nhóm này nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng và phạm vi hoạt động. Đó là ở I-rắc; còn tại Xy-ri, IS cũng tràn qua khu vực miền Trung và miền Đông nước này, dần dần kiểm soát một phần lãnh thổ, trong đó có những mỏ dầu béo bở.

Lực lượng chống khủng bố của I-rắc tuần tra tại thành phố Ra-ma-đi (Ramadi). (Ảnh: CNN)

Tuy nhiên, giờ đây IS đã mất phần lớn lãnh thổ tại I-rắc, nơi nhóm này phải đối đầu với lực lượng quân đội I-rắc, lực lượng người cuốc và các tay súng Hồi giáo dòng Si-ai (Shiite) do I-ran hậu thuẫn, cũng như liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu. Tại quốc gia láng giềng với I-rắc là Xy-ri, IS cũng phải đối đầu với quân Chính phủ Xy-ri, Mỹ cũng như các nhóm phiến quân khác, trong đó có cả những nhóm có mối liên hệ với Al-Qaeda.

Mặc dù vậy, theo Phó tổng thống I-rắc Ai-át A-la-uy, ngay cả khi bị thất thế ở I-rắc thì IS “vẫn sẽ không biến mất một cách đơn giản” mà trái lại nhóm này sẽ tiếp tục âm thầm hoạt động, lan truyền sự độc hại và reo rắc bạo lực ra khắp thế giới.

Đối với Al-Qaeda, tình hình cũng chẳng sáng sủa hơn là bao. Kể từ năm 2011, tổ chức khủng bố này tiếp tục củng cố sự ủng hộ từ các nhóm phiến quân ở Xy-ri đang chiến đấu nhằm lật đổ Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-xát (Bashar al-Assad). Tuy nhiên, Al-Qaeda bắt đầu có dấu hiệu đi vào “ngõ cụt” kể từ khi quân đội Xy-ri với sự ủng hộ của Nga và lực lượng quốc tế bắt đầu phát động hàng loạt những cuộc tấn công, đồng thời giành lại các thành phố quan trọng.

Trong bối cảnh đều đang bị dồn ép trên mọi địa bàn, việc IS và Al-Qaeda tính đến chuyện “tái hợp” cũng dễ hiểu. Điều đáng nói là dù đang ấp ủ ý định thành lập liên minh, song trên thực tế kể từ khi IS tách ra khỏi Al-Qaeda vào năm 2014, hai nhóm khủng bố khét tiếng này vẫn thường xuyên đấu đá, cạnh tranh lẫn nhau trong hoạt động tuyển mộ các chiến binh, huy động tài trợ và các nguồn lực khác. Thủ lĩnh Al-Qaeda Ây-man An Da-oa-ri đã không ít lần công khai lên án các hành động bạo lực nhằm vào dân thường và những vụ hành quyết các con tin một cách dã man mà IS từng công khai thực hiện.

Theo tạp chí Newsweek, việc thành lập liên minh có thể sẽ không giúp IS đảo ngược tình thế, song nó sẽ khiến hy vọng hòa bình cho vấn đề Xy-ri càng bị trì hoãn và gây ra mối đe dọa với toàn thế giới.

Tờ Al Sharq Al Awsat có trụ ở tại Luân Đôn (Anh) cho biết, hiện IS có từ 12.000 đến 15.000 tay súng thường trực, trong đó riêng tại chiến trường I-rắc có khoảng 2.000 người. Lực lượng của Al-Qaeda thậm chí còn mạnh hơn, với khoảng 31.000 tay súng ở Xy-ri và hàng nghìn thành viên khác hoạt động rải rác khắp châu Á và châu Phi. Ngoài ra, cả IS và Al-Qaeda đều có mối liên hệ với các nhóm khủng bố được coi là khét tiếng nhất thế giới như Boko Haram ở Ni-giê-ri-a hay Al-Shabab ở Xô-ma-li.

Chính vì vậy, giới phân tích lo ngại rằng, nếu liên minh IS và Al-Qaeda trở thành hiện thực, cả hai nhóm này sẽ như “hổ mọc thêm cánh” và tạo ra mối đe dọa lớn hơn nhiều so với trước đây. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các hoạt động thánh chiến tại nhiều khu vực trên thế giới sẽ leo thang nghiêm trọng hơn.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại cũng có thể nhận định rằng, IS và Al-Qaeda đang suy yếu hơn bao giờ hết và đó là cơ hội tốt dành cho các quốc gia trong cuộc chiến chống khủng bố.

TRUNG DŨNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/moi-de-doa-nhan-doi-506025