Mỗi chuyến đi là những bước chân đến gần hơn với sự thật

Robert Mahoney - Phó Giám đốc của Hội bảo vệ các phóng viên - một tổ chức phi lợi nhuận, độc lập nhằm bảo vệ quyền tự do báo chí trên toàn thế giới từng nói: 'Cách duy nhất để ghi lại sự thật vẫn là phải đến gần nó'. 13 năm gắn bó với con đường báo chí chuyên nghiệp, bên cạnh việc ngày ngày tiếp cận các nguồn tin, tôi cũng có những dặm dài tác nghiệp, mà tôi cũng nghĩ đó là những bước chân đến gần hơn với sự thật. Nếu không ở đó, mãi mãi tôi không thấu cảm được những thế giới khác, mà mỗi con người đều đang cố gắng rất nhiều để sống - có ý nghĩa.

1. “Nhà tôi chưa tìm thấy trâu”

Tháng 3-2019, tôi cùng nhiều đồng nghiệp từ các cơ quan báo chí của Thủ đô tham gia chuyến công tác biên giới tại hai tỉnh Hà Giang, Lào Cai do Hội Nhà báo TP Hà Nội tổ chức. Suốt chặng đường hơn 1.000 km tác nghiệp đến các đồn biên phòng ở nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, mỗi câu chuyện lại làm tôi thấm thía hơn hết giá trị của cuộc sống. Người ta từng nói rằng: Với nhà báo, mỗi tình tiết là một câu chuyện. Tôi nhớ những chi tiết rất nhỏ trong cả chuyến đi, bởi với tôi, những chi tiết ấy chính là sự thực thà của cuộc sống mà đôi lúc, mọi ý kiến phỏng vấn đều chưa thể giúp cảm nhận hết được giá trị chân thực đó.

Tôi đến đồn Biên phòng Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang vào một buổi chiều đầy sương mờ. Rất nhanh chóng, các nhà báo thu thập, phỏng vấn thông tin. Chiều muộn, đồng chí Thiếu tá Trần Văn Bằng hỏi: “Nhà báo có muốn đến chơi mấy hộ dân không, chúng tôi đưa nhà báo đi cho cảm nhận rõ nhất cuộc sống của Nhân dân ở đây”. Tôi lấy máy ảnh, sổ ghi chép và đi ngay, vì chiều đã muộn rồi. Đường vào từng hộ cheo leo, không đi được xe máy, Thiếu tá Trần Văn Bằng để xe ở đoạn đầu dốc rồi mấy anh em đi bộ vào nhà anh Nguyễn Văn Hợp, thôn Tài Chải. Mới đến đầu hồi nhà sàn, Thiếu tá Trần Văn Bằng đã thấy bóng anh Hợp ở ruộng xa trước nhà, anh Hợp nói vọng lại: “Nhà tôi chưa thấy trâu, anh cứ vào nhà chờ nhé!”. Thiếu tá Trần Văn Bằng không trả lời, bỏ giày xắn quần chạy ra ruộng tìm trâu cùng anh Hợp một hồi lâu. Trời đổ bóng tối mới thấy hai anh về, mồ hôi nhễ nhại cười: “Thấy rồi”.

Qua câu chuyện đó, tôi biết rằng bộ đội ở đây gắn bó và gần dân như gia đình, tìm trâu, tìm người, thậm chí đỡ đẻ cho trâu, tình huống khẩn cấp đỡ đẻ cả cho dân là chuyện… bình thường.

Với tôi, hàng nghìn câu chữ không bằng hình ảnh người cán bộ bộ đội biên phòng nhanh chóng cởi giày xắn quần chạy ra ruộng tìm trâu cho dân. Có đến gần, thì hiện thực cuộc sống mới thực thà sinh động hiện ra ngay trước mắt như vậy.

Tác giả trong chuyến công tác tại các nhà giàn DK1 năm 2020

2. Khi chữ nghĩa khó nói hết được muôn màu cuộc sống

Tôi cũng thích có những chuyến đi biển, đảo, nơi mà rất nhiều nhà báo từng đợi chờ cơ hội để có thể ra tận nơi, cảm nhận về những khó khăn, những nỗ lực mà Nhân dân và các lực lượng quân đội làm nhiệm vụ nơi đây trải qua. Nhà báo nữ, đi biển có phần vất vả, nhưng mỗi chuyến tôi đi, tôi lại thấm thía hơn hết những gì mình đã tận mắt chứng kiến và cảm nhận.

Có ai đó sẽ bảo, tôi thi vị hóa những trang viết về lính. Thực ra tôi còn sợ ngòi bút của mình không thể truyền tải được hết những gì mình đã chứng kiến ở nơi xanh biển, xanh trời ấy. Trong chuyến đi công tác nhà giàn DK1 năm 2020, tôi đã gặp và nghe rất nhiều câu chuyện về những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên các nhà giàn và trên các tàu trực. Chuyến đi của chúng tôi vào cuối năm, biển rất động, nhiều cán bộ được luân chuyển trong đợt đi thăm và chúc Tết đó, các anh được cử công tác trên nhà giàn mới. Tàu đưa đoàn công tác gặp sóng lớn, không thể lên giàn, có người đã cầm dây, nhảy xuống tàu và bơi vào nhà giàn để nhận nhiệm vụ mới. Lúc bàn tay của các anh nắm được vào thang sắt của nhà giàn, tàu hú còi rời đi, chúng tôi đã để những giọt nước mắt ở lại. Thế giới mà các anh sống nhiều khó khăn, nhiều hi sinh, nhưng cũng quá nhiều cố gắng và sự lạc quan. Nếu không đến gần, tôi mãi mãi chỉ nghĩ đó là những câu chuyện trên giấy.

Đến ngày tàu chuyển được người lên nhà giàn DK1/16, Đại úy Vũ Duy Hoàng - lúc đó là Phó Chỉ huy trưởng nhà giàn - việc đầu tiên khi dẫn chúng tôi lên giàn chính là bước sang khu thắp hương cho liệt sĩ Tạ Ngọc Tú - anh hi sinh ngày 21-4-2001 khi đang làm nhiệm vụ. Qua chuyến đi đó, tôi nghe rất nhiều câu chuyện, về những người đã anh dũng hi sinh, những người nhường từng miếng lương khô cho đồng đội khi lênh đênh trên biển lúc nhà giàn bị bão làm sập. Đến những người vẫn đang ở lại, ngày đêm làm nhiệm vụ giữ biển giữ trời, giữ cánh cửa bình yên cho đất liền mà chúng tôi đang sống.

Mỗi chuyến đi đến gần hơn với sự thật khiến tôi lại trăn trở rằng, câu chữ hình như quá ít ỏi để tôi có thể viết được đầy đủ về những người tôi đã gặp và thế giới họ đang sống.

3. Rồi tôi sẽ lại có thêm những chuyến đi đến gần với sự thật hơn nữa

Làm báo, bản thân đã là nghề nói lên sự thật. Vinh dự của người làm báo, là được tiếp cận thông tin đầu nguồn và trách nhiệm của người làm báo, là ghi lại thông tin đầu nguồn ấy thực thà để gửi đến bạn đọc. Vinh dự của tôi suốt 13 năm gắn bó với Pháp luật và Xã hội là được trao cơ hội cho nhiều chuyến đi, đến gần hơn với cuộc sống, gần với với sự thật và từ đó, trân trọng nghề nghiệp, trân trọng cuộc sống và môi trường làm việc của mình nhiều hơn.

Rồi tôi sẽ có thêm những chuyến đi khác, bởi đã là nhà báo mà, sao có thể không chuyển động, không bước đi, để đến gần hơn với sự thật cuộc sống!

Nam Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/moi-chuyen-di-la-nhung-buoc-chan-den-gan-hon-voi-su-that-248778.html