Mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP

Mô hình 'xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Quảng Nam' được Sở Công Thương phối hợp với Bộ Công Thương triển khai tại Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh tổng hợp Hoa Mai (245 Phan Bội Châu, TP. Tam Kỳ) đã cho thấy hiệu quả bước đầu.

Nhiều sản phẩm OCOP được giới thiệu và bán ở địa chỉ 245 Phan Bội Châu, TP.Tam Kỳ. Ảnh: Việt Quang

Có bạn thân từ TP.Hồ Chí Minh ra thăm, anh Nguyễn Mạnh Nhân (khối phố Mỹ Thạch Bắc, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) đến địa chỉ 245 Phan Bội Châu - nơi “xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Quảng Nam” để mua một số sản phẩm OCOP tặng bạn mình.

Với phong phú sản phẩm như nước mắm Tam Thanh (Tam Kỳ), ớt A Riêu (Đông Giang), chè vằng (Thăng Bình), tiêu, nghệ, mật ong (Tiên Phước), các loại nấm, sâm, quế (Nam Trà My)..., anh Nhân dễ dàng đạt được ý định của mình. OCOP tập hợp những mặt hàng đặc trưng của tỉnh nên nhiều người ở Tam Kỳ và các vùng lân cận cũng đã đến địa chỉ nói trên để mua hàng gửi tặng người thân, gia đình.

Theo Sở NN&PTNT, thông qua Chương trình OCOP, ngành nông nghiệp của tỉnh đã từng bước phát triển. Tham gia chương trình, các hợp tác xã, người nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn giống cây trồng phù hợp, mở rộng diện tích canh tác, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Không ít sản phẩm OCOP như quế Trà My đã khẳng định thương hiệu, có chỉ dẫn địa lý, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, mua sắm. Với sự ra đời của mô hình “xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Quảng Nam”, hàng hóa OCOP đã được giới thiệu, quảng bá, khẳng định chất lượng, thương hiệu, dần ổn thỏa đầu ra, được khách hàng khen ngợi.

Mới đây, Sở Công Thương tổ chức lễ ký kết phát triển sản xuất, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP tại điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP Quảng Nam. Các doanh nghiệp phân phối sản phẩm như Co.opMart Tam Kỳ, một số cửa hàng bán sản phẩm OCOP khác đã ký kết biên bản ghi nhớ giao thương với các hộ sản xuất, các hợp tác xã để phân phối, tiêu thụ sản phẩm OCOP được thuận lợi hơn.

Theo ông Nguyễn Thanh Quang - Phó Giám đốc Sở Công Thương, kết nối các tổ chức, chủ thể tham gia OCOP với các đối tác tiềm năng trên địa bàn sẽ đảm bảo cung ứng các dịch vụ về thiết kế, cung cấp bao bì, xây dựng nhãn hàng hóa, xây dựng chất lượng sản phẩm, xây dựng website bán hàng, đăng ký thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được tốt hơn. Đó là chìa khóa để các sản phẩm OCOP đến với thị trường được rộng mở hơn.

Tính đến nay, Quảng Nam có 5 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận 4 sao, 20 sản phẩm đạt 3 sao. Trong năm 2019, các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục hỗ trợ nâng cấp, củng cố, phát triển các sản phẩm đã tham gia phương án thí điểm phát triển sản phẩm OCOP năm 2018. Theo đó, hỗ trợ phát triển khoảng 120 sản phẩm mới, dự kiến có hơn 80% số sản phẩm đã đăng ký tham gia OCOP đạt hạng 3 sao trở lên.

“Quảng Nam kỳ vọng sẽ xây dựng được 4 - 6 điểm bán hàng OCOP trong thời gian đến để mở rộng đầu ra cho các sản phẩm OCOP ở thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu. Hy vọng người tiêu dùng tiếp tục đón nhận, tin tưởng, ưa chuộng các sản phẩm OCOP của tỉnh” - ông Nguyễn Thanh Quang nói.

QUANG VIỆT

Nguồn Quảng Nam: http://baoquangnam.vn/kinh-te/thuong-mai-dich-vu/201912/mo-rong-dau-ra-cho-san-pham-ocop-885907/