Mở rộng đầu ra cho nông sản

Với mục tiêu đưa thương mại điện tử (TMĐT) trở thành mắt xích quan trọng trong việc tiêu thụ sản phẩm, tỉnh ta đẩy mạnh quảng bá sản phẩm chủ lực trên các nền tảng số để “chắp cánh” cho các sản phẩm OCOP vươn xa trên khắp các thị trường.

Tận dụng lợi thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tỉnh ta xác định xúc tiến thương mại (XTTM) trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh; định hướng triển khai và phát huy nội lực các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, làng nghề. Gắn kết các hoạt động XTTM với phát triển du lịch, dịch vụ, nông nghiệp, ứng dụng khoa học, công nghệ. Hình thành, phát triển đa dạng các phương thức XTTM, tạo động lực cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh; làm cầu nối vững chắc, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tạo điều kiện cho các mặt hàng của tỉnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý nhằm tăng khả năng cạnh tranh, khẳng định vị trí trên thị trường.

Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại giúp các sản phẩm tiêu biểu của huyện Yên Minh được tiếp cận tới người tiêu dùng.

Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Việt Thế cho biết: Thời gian gần đây, một lượng lớn nông sản của tỉnh được tiêu thụ nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến, hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP tiêu thụ trên các sàn giao dịch TMĐT. Đặc biệt, thông qua hỗ trợ phát triển thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm giúp các doanh nghiệp nâng cao ý thức, chú trọng đầu tư nhãn mác, cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm; giúp sản phẩm tiêu biểu của địa phương có chỗ đứng trên thị trường, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Ngoài việc gắn sao cho sản phẩm OCOP, công tác tìm đầu ra cũng được đặc biệt chú trọng.

Mèo Vạc là địa phương có nhiều sản phẩm tiêu biểu được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng, như: Mật ong Bạc hà, thịt bò Vàng, thịt lợn đen Lũng Pù... Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, Ngô Mạnh Cường cho biết: Các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện luôn duy trì hoạt động của các gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các điểm du lịch để giới thiệu các sản phẩm OCOP đến với khách du lịch. Cùng với việc quảng bá sản phẩm OCOP theo phương thức truyền thống, huyện áp dụng công nghệ để đưa sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch điện tử và bước đầu đem lại hiệu quả cao, mở rộng được thị trường tiêu thụ.

Hợp tác xã Tuấn Dũng (Mèo Vạc) là một trong những cơ sở sản xuất, kinh doanh khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế với các sản phẩm chất lượng, trong đó có một số sản phẩm đạt 3 - 4 sao cấp tỉnh. Vượt qua khó khăn, hợp tác xã đã tiếp cận công nghệ thông tin để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng. Ngoài tham gia các hoạt động trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm theo phương thức truyền thống, hợp tác xã đã xúc tiến, quảng bá sản phẩm thông qua hoạt động trên các trang web, mạng xã hội và các sàn giao dịch TMĐT; nhiều đơn đặt hàng đã được thực hiện thông qua giao dịch TMĐT.

Người dân tìm hiểu sản phẩm tiêu biểu của tỉnh trên sàn thương mại điện tử thông qua thiết bị thông minh.

Anh Thèn Văn Hải, Giám đốc Hợp tác xã Tuấn Dũng chia sẻ: Trước đây, do chưa quan tâm tới việc bán hàng và thanh toán trực tuyến, thiếu kỹ năng và kiến thức bán hàng trực tuyến nên khi đối diện với tình hình dịch bệnh đã khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng; nhưng từ khi được hướng dẫn đã giúp cho số lượng đơn hàng được bán trực tuyến thông qua các sàn giao dịch TMĐT và trang mạng xã hội; nhiều thông tin hữu ích về thị trường được cập nhật giúp cho đơn vị đổi mới phương thức sản xuất, tạo ra các sản phẩm phù hợp thị hiếu khách hàng.

Nhằm đẩy mạnh hoạt động XTTM, không chỉ Hợp tác xã Tuấn Dũng mà còn có hàng trăm hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn các huyện đã được Sở công thương phối hợp với các đơn vị tập huấn, hướng dẫn giải pháp hóa đơn điện tử; giải pháp tem vé, thẻ điện tử; chứng thực hợp đồng điện tử; quy trình, cách khởi tạo gian hàng, đưa sản phẩm lên gian hàng và theo dõi đơn hàng phát sinh; xây dựng nội dung giới thiệu sản phẩm, cách thức đóng gói, vận chuyển đảm bảo chất lượng sản phẩm; các kỹ năng quảng bá, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản thông qua sàn TMĐT.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 50% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 40 – 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, các hộ kinh doanh cá thể có hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT… tỉnh ta tập trung phổ biến các quy định của pháp luật về TMĐT; đào tạo, tập huấn chuyên sâu cho các lực lượng thực thi pháp luật về phòng, chống hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường trực tuyến. Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về lĩnh vực TMĐT và xử lý các hành vi vi phạm hành chính về TMĐT. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; củng cố, nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về TMĐT.

“Tỉnh sẽ duy trì hệ thống, nâng cấp quản lý sàn TMĐT tỉnh ngày một hiệu quả; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin; xây dựng gian hàng tiêu chuẩn, đặc trưng, bảo đảm khả năng tiếp cận thị trường đối với một số sản phẩm chủ lực của tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website TMĐT phù hợp với mô hình sản phẩm của doanh nghiệp; tư vấn cho doanh nghiệp triển khai quy trình bán hàng trực tuyến, cách thức tích hợp công cụ thanh toán trực tuyến, cách thức quảng bá để các sản phẩm chủ lực của tỉnh đến với rộng rãi người tiêu dùng” – Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Việt Thế cho biết thêm.

Bài, ảnh: KIM TIẾN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202404/mo-rong-dau-ra-cho-nong-san-65c108e/