Mở rộng chuỗi cung ứng hàng Việt ra thế giới

Nhiều nhà phân phối, mua hàng lớn đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của hàng hóa 'made in Vietnam' và đang đẩy mạnh việc thu mua, phân phối ra thế giới

Ngày 12-4, tại tọa đàm về sự tham gia của các tập đoàn phân phối và các đầu mối thu mua quốc tế tại Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức, đại diện các doanh nghiệp (DN) đã thông tin về kế hoạch mở rộng chuỗi cung ứng hàng Việt qua hệ thống bán lẻ toàn cầu. Tọa đàm này nhằm chuẩn bị cho chuỗi sự kiện "Kết nối chuỗi cung ứng quốc tế 2024" (Vietnam International Sourcing 2024) dự kiến diễn ra vào tháng 6-2024 tại TP HCM.

Tiềm năng xuất khẩu lớn

Ông Yuichiro Shiotani, Giám đốc Aeon Topvalu Việt Nam (thuộc Tập đoàn Aeon - Nhật Bản), cho biết theo hợp tác chiến lược giữa Aeon và Bộ Công Thương, đến năm 2025, Aeon sẽ xuất khẩu 1 tỉ USD hàng Việt qua hệ thống phân phối của tập đoàn trên toàn thế giới. Trong đó, nhà mua hàng này sẽ tăng gấp đôi sản lượng thu mua xoài, chuối tươi từ Việt Nam, thay thế hoàn toàn nguồn cung từ các nước Đông Nam Á khác.

Trái cây Việt Nam được bán tại siêu thị thuộc Tập đoàn Central Retail ở Thái Lan

"Năm 2023, Aeon Topvalu Việt Nam đã mời đại diện nhà thu mua từ Trung Quốc, Nhật Bản tới tham gia sự kiện Vietnam International Sourcing, thông qua đó ký hợp đồng xuất khẩu số lượng lớn chuối, vải, thanh long, tôm, cá da trơn... Năm nay, chúng tôi tiếp tục mời nhiều nhà thu mua tham gia sự kiện và mở rộng giới thiệu sản phẩm may mặc, gia dụng..." - ông Shiotani cho biết.

Ông Mirash Basheer, Tập đoàn Lulu (UAE), cho biết muốn mở một số trung tâm logistics tại Việt Nam, đặc biệt là ở TP HCM và các tỉnh lân cận. Tập đoàn này cũng muốn thu mua chuối, cà phê Việt Nam để xuất khẩu sang Trung Đông và thị trường các nước Hồi giáo. "Hàng hóa Việt Nam có nhiều lợi thế xuất khẩu vào thị trường Hồi giáo trong khi nhu cầu của thị trường này rất lớn. Tuy nhiên, DN Việt Nam chưa đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm và chưa xây dựng được nền công nghiệp sản phẩm Halal nên chưa tận dụng được cơ hội" - ông Mirash Basheer chỉ ra.

Theo ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng phụ trách phát triển nhà cung ứng mới của Walmart, từ 10 năm trước - khi lập văn phòng thu mua tại Việt Nam, tập đoàn đã xác định Việt Nam là thị trường chiến lược. Hiện nay, Việt Nam thuộc tốp 5 thị trường bán hàng nhiều nhất vào chuỗi bán lẻ nổi tiếng này. "Khoảng 500 DN Việt Nam đang bán hàng cho Walmart nhưng phần lớn trong đó là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), còn DN Việt chỉ là nhà cung ứng thứ cấp" - ông Trọng nêu thực tế.

Bà Đỗ Hồng Hạnh, Giám đốc quan hệ đối tác chiến lược của Amazon Global Selling, đánh giá đa số DN Việt Nam được Amazon tiếp xúc, tư vấn xuất khẩu online có độ sẵn sàng cao, có năng lực tốt nên tỉ lệ thành công khi bán hàng trên nền tảng này cao. "Tín hiệu khả quan là 4% DN được Amazon tư vấn tại sự kiện kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu năm 2023 đã xuất khẩu online thành công" - bà Hạnh nói.

Hỗ trợ kết nối vào chuỗi cung ứng

Đại diện Walmart nhìn nhận DN Việt Nam còn thiếu năng lực về dịch vụ giao hàng, khả năng tìm hiểu thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng Mỹ nên chưa thể trực tiếp làm việc với Walmart. "Chiến lược toàn cầu của chúng tôi là sẽ đẩy mạnh tìm kiếm nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm như xoài đông lạnh, cà phê, trà... ở Việt Nam. Những mặt hàng này đang được ưa chuộng tại Mỹ nên Walmart muốn đi sâu vào làm việc trực tiếp với nhà cung ứng địa phương hơn là thông qua các nhà thương mại lớn" - ông Nguyễn Đức Trọng bày tỏ.

Theo ông Yuichiro Shiotani, hàng Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong việc đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. "Mỗi nước có quy định khác nhau về quản lý chất lượng và quy chuẩn sản phẩm. DN Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chuẩn này với điều kiện là phải bỏ thêm tâm sức và chi phí" - ông chỉ rõ.

Về phía cơ quan quản lý, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), cho biết thời gian qua, bộ đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ kết nối các kênh phân phối và nhà mua hàng quốc tế thu mua, xuất khẩu hàng Việt Nam ra thế giới. Tại Vietnam International Sourcing 2023, các nhà bán buôn, bán lẻ quốc tế đã có góc nhìn mới về năng lực cung ứng của Việt Nam. "Việt Nam thực sự đang trở thành công xưởng mới của thế giới, là mắt xích quan trọng và là địa điểm chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" - ông Linh tự tin.

Vietnam International Sourcing 2024 hứa hẹn thu hút 10.000 lượt khách tham quan, giao dịch với 300 đoàn quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ban tổ chức cũng phối hợp với một số sở công thương để đưa các đoàn thu mua về khảo sát DN tại địa phương.

Thông tin thêm, Vụ trưởng Tạ Hoàng Linh cho biết sự kiện năm nay không chỉ thu hút sự quan tâm của các tập đoàn lớn mà còn có sự vào cuộc của hệ thống thương vụ, chi nhánh thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. "Hy vọng nhiều thỏa thuận, giao dịch thương mại sẽ được ký kết thành công tại sự kiện, các đơn vị tham dự sẽ gặp gỡ được nhiều đối tác, khách hàng và có thêm nhiều ý tưởng kinh doanh được gợi mở sau các hội thảo, hoạt động kết nối giao thương..." - ông Linh kỳ vọng.

Cơ hội lớn từ thị trường Mỹ

Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng sang Mỹ, tạo cơ hội cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường lớn 330 triệu người tiêu dùng với đa dạng sắc tộc này.

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, cho biết Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Mỹ, còn Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. "Việt Nam là đối tác đáng tin cậy của Mỹ. Để gia tăng hơn nữa kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ, DN Việt Nam cần chú ý đến các xu hướng mới tại thị trường này. Chẳng hạn, người Mỹ đang có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, duy trì và tìm kiếm sản phẩm cạnh tranh; tìm kiếm sự đa dạng của các nhà cung cấp... Bên cạnh đó, hệ thống phân phối tại Mỹ có chuyên môn cao, đòi hỏi DN Việt Nam xây dựng chuỗi cung ứng một cách bài bản" - ông Hưng lưu ý.

Bài và ảnh: THANH NHÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mo-rong-chuoi-cung-ung-hang-viet-ra-the-gioi-196240412212610705.htm