Mô hình VNEN có nên tồn tại ở nền giáo dục Việt Nam?

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng nên rút kinh nghiệm, chắt lọc từ VNEN để áp dụng những gì phù hợp với nền giáo dục nước nhà.

Vừa rồi, một số trường thuộc tỉnh Hà Tĩnh đã cho ngừng việc áp dụng mô hình VNEN vào lớp học vì thấy chương trình có quá nhiều bất cập. Sau khi dừng mô hình này, nhiều thầy cô và phụ huynh đều thở phào nhẹ nhõm.

Trong cuộc trao đổi bên lề QH gần đây đối với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, trả lời báo giới, vị này cho rằng sẽ không bỏ mô hình VNEN mà chỉ chắt lọc những điều tích cực, phù hợp với nền GD VN để tiếp tục áp dụng và duy trì.

PV Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam.

Ông Hạc cho biết: “Nói đến nền giáo dục Việt Nam hiện nay, tất cả những góp ý này đều phải chờ một chương trình GD mới và Bộ GD&ĐT sẽ công bố vào năm 2018 sắp tới theo tinh thần nghị quyết 29 của TW về đổi mới căn bản và toàn diện nền GDVN.

Trong quá trình chuẩn bị từ nay đến năm 2018, chúng ta vẫn áp dụng quy chế của nhiều chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa. Nhưng đến năm 2018 thì chỉ duy trì 1 bộ SGK duy nhất (cho nhóm đào tạo cấp bậc Tiểu học, THCS, THPT), không kể các trường hệ trung cấp, cao đẳng và đại học.

GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam nêu quan điểm về mô hình giáo dục VNEN.

Không chỉ chuẩn bị cho riêng chương trình VNEN mà còn nhiều bộ sách khác nữa. Ví dụ như ở TP.HCM sẽ có một bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 9. Người ta vẫn để cho giáo viên dùng bộ sách đó làm tài liệu tham khảo trong khi bộ SGK của Bộ GD&ĐT là bộ sách được sử dụng làm tài liệu chính thức.

Mô hình VNEN được thực hiện ở nhiều tỉnh thành. Có những trường họ chấp nhận và thấy mô hình này là phù hợp, nhưng cũng có nhiều tỉnh thấy chất lượng giáo dục đi xuống sau khi áp dụng".

"Cũng vì thế, tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, rằng sẽ rút kinh nghiệm, sẽ chắt lọc những điểm tích cực, phù hợp với nền giáo dục nước nhà để áp dụng vì xưa nay, nền GD&ĐT ở nước ta đều chắt lọc từ nền giáo dục tiến bộ của nước ngoài", GS hạc cho hay.

“Việc làm của bộ Giáo dục và Đào tạo bây giờ là công bố chương trình. Còn việc làm sách thì một tập thể, một Sở GD&ĐT hay là một Viện nghiên cứu khoa học giáo dục có thể cho ra bộ sách để giáo viên tham khảo”, vị chuyên gia này cho hay.

GS nhận định: "Điểm tích cực của mô hình này là phát huy tính tích cực của người học, nó chú ý đến đặc điểm cá nhân của học sinh. Đây là những yếu tố rất hay của mô hình và chúng ta nên ghi nhận và thực hiện theo".

Cù Hiền

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/mo-hinh-vnen-co-nen-ton-tai-o-giao-duc-viet-nam-a252336.html