'Mô hình một cửa' hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị xâm hại còn nhiều khoảng trống

'Mô hình một cửa' hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị xâm hại trên địa bàn TP.HCM cho thấy còn rất nhiều khoảng trống. Trung tâm chỉ được tiếp nhận nạn nhân có nhu cầu tạm lánh từ Bệnh viện Hùng Vương gửi đến.

Trong số 51 nạn nhân trẻ em bị xâm hại được “Mô hình một cửa” tại TP.HCM hỗ trợ thì có đến 20 trường hợp gia đình chấp nhận thỏa hiệp với thủ phạm. Đây là một trong những khoảng trống được nêu ra tại hội nghị sơ kết 1 năm “Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP.HCM”. Sự kiện do Sở Y tế, Sở Lao động - Thương binh Xã hội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam cùng các đơn vị có liên quan phối hợp tổ chức.

Hội nghị sơ kết 1 năm triển khi thí điểm mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn Thành phố (Ảnh: A.X)

“Mô hình một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em trên địa bàn TP.HCM”, với đầu vào đặt tại Bệnh viện Hùng Vương và đầu ra đặt tại Trung tâm công tác xã hội và Giáo dục dạy nghề thiếu niên Thành phố. Mục đích nhằm phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp kịp thời các dịch vụ khép kín cho người bị bạo lực và xâm hại.

Sau 1 năm hoạt động, mô hình tiếp nhận 51 ca trẻ em, trong đó có 18 ca bị xâm hại, 29 ca quan hệ đồng thuận, 4 trường hợp bị bạo lực. Nạn nhân ở độ tuổi 14 – 16 tuổi chiếm tỷ lệ cao và 1/3 số trẻ bỏ học.

Đáng nói, có đến 20/51 gia đình nạn nhân (chiếm 39,2%) từ chối hỗ trợ, không hợp tác. Còn 18 gia đình (35,29%) chấp nhận trẻ bị xâm hại, thỏa hiệp với thủ phạm, gia đình chờ trẻ đến tuổi sẽ cho làm đám cưới. Thậm chí có trẻ 15 tuổi nhưng cha mẹ giới thiệu bạn trai cho con và cùng sống chung với nạn nhân. Chỉ có 7 trường hợp (chiếm 13,7%) đồng ý báo công an xử lý, và chỉ có 1 ca đi giám định thương tật.

Đại biểu tham dự chia sẻ tại hội nghị (Ảnh: A.X)

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó Giám đốc Trung tâm công tác xã hội và Giáo dục dạy nghề thiếu niên TP.HCM, “Mô hình một cửa” hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị xâm hại trên địa bàn TP.HCM cho thấy còn rất nhiều khoảng trống. Trung tâm chỉ được tiếp nhận nạn nhân có nhu cầu tạm lánh từ Bệnh viện Hùng Vương gửi đến. Trong khi thực tế có rất nhiều trường hợp muốn trực tiếp đến trung tâm, hoặc các bệnh viện, địa phương, cộng đồng muốn gửi đến nhưng chức năng trung tâm không được tiếp nhận.

Cũng theo mô hình này, trẻ em mang thai được chế độ ăn chỉ có 64 ngàn đồng/ngày là quá ít, không đủ dinh dưỡng. Bên cạnh đó, nạn nhân mang thai sinh con còn quá nhỏ, sau khi sinh xong tạm lánh tại trung tâm hoặc trả về cộng đồng sẽ phát sinh những hệ lụy.

Còn bà Trần Thị Kim Thanh- Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM cho rằng: "Hiện mô hình này mới thí điểm. Do vậy chúng tôi cũng đang phải hoàn chỉnh lại những quy trình cho cụ thể hơn, để làm sao nạn nhân có nhu cầu tạm lánh cũng không cần thiết phải vào Bệnh viện Hùng Vương, mà nạn nhân đến thẳng nơi tạm lánh và chúng tôi sẽ phối hợp để cung cấp dịch vụ tại chỗ đó".

Kim Dung/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/mo-hinh-mot-cua-ho-tro-phu-nu-tre-em-bi-xam-hai-con-nhieu-khoang-trong-post1083881.vov