Mô hình liên kết "4 nhà" trồng rừng sản xuất ngày càng phát huy hiệu quả

(ĐCSVN) - "Dự án 661" trồng mới 5 triệu ha rừng thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, trong đó riêng diện tích rừng sản xuất đã vượt chỉ tiêu giao. Sở dĩ có được kết quả như vậy là do đã xuất hiện nhiều mô hình liên doanh, liên kết trồng rừng có hiệu quả, trong đó có mô hình liên kết giữa 4 nhà : Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà khoa học - Nhà nông.

Từ năm 1998, Chính phủ đã có chủ trương trồng mới 5 triệu ha rừng, hay còn gọi là "Chương trình Dự án 661". Để tạo thuận lợi cho việc này, Chính phủ đã giao cho các ngành chức năng và các địa phương tiến hành rà soát lại toàn bộ đất rừng để phân loại thành : rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất (rừng kinh tế). Trong đó riêng rừng sản xuất đã có nhiều cơ chế chính sách đặc thù nhằm đa dạng hóa và thu hút các nguồn đầu tư trong xã hội để phát triền mô hình này. Tiếp đó đến năm 2006, Quốc hội cũng đã có Nghị quyết số 73 về đẩy mạnh triển khai dự án trồng 5 triệu ha rừng giai đoạn 2006 - 2010. Thời gian qua trung bình mỗi năm cả nước thực hiện khoán quản lý được 2,3 triệu ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh hơn 1 triệu ha, trồng mới 581.219 ha với vốn thực hiện đạt trung bình gần 4.922 tỷ đồng/năm. Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến thời điểm cuối năm 2008 công tác trồng rừng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể : về khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được 2.271.386 ha, vượt 46,5 % kế hoạch; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng đạt 634.619 ha. Rừng trồng mới đạt 224.423 ha, vượt 11,7 % kế hoạch. Trong đó: rừng phòng hộ, đặc dụng được 39.507 ha, đạt 95,2%; rừng sản xuất là 185.069 ha, vượt 15,6%. Chăm sóc rừng phòng hộ, đặc dụng và rừng sản xuất là 257.605 ha. Tổng vốn ước thực hiện năm 2008 là 1.820 tỷ đồng. Một số tỉnh hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng phòng hộ như Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bình Định, Đắk Lắk… Đối với các tỉnh phía Bắc đến Thừa Thiên - Huế về cơ bản đã hoàn thành kế hoạch trồng rừng. Có 10 tỉnh có diện tích trồng rừng tập trung từ 5.000 ha trở lên, trong đó 8 tỉnh đạt diện tích từ 10.000 ha trở lên là : Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đối với các tỉnh phía Nam, khối lượng chủ yếu tập trung lớn ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Trong đó, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lăk là những tỉnh có diện tích trồng rừng tập trung từ 5.000 ha trở lên. Riêng tỉnh Quảng Nam trồng trên 10.000 ha. Trong số diện tích rừng trồng mới thì duy nhất có diện tích rừng sản xuất là vượt kế hoạch đề ra. Sở dĩ như vậy là trong quá trình tổ chức triển khai đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết trồng rừng có hiệu quả, điển hình là mô hình liên kết trồng rừng giữa Nhà nước - Nhà đầu tư (doanh nghiệp) - Nhà khoa học - Nhà nông (hộ có đất rừng). Điều đặc biệt là từ mô hình này, tất cả các bên tham gia đều được hưởng lợi. Cụ thể doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư cây giống và phân bón, trả tiền thuê phát thực bì, đào hố trồng cây ban đầu. Còn hộ có rừng thì góp vốn bằng đất rừng, tự bỏ công chăm sóc, bảo vệ rừng. Dự kiến sau 4 năm bắt đầu cho thu lợi bằng việc tỉa thưa, và sau 6 năm sẽ bắt đầu cho thu hoạch gỗ. Nếu đầu tư tốt thì vòng quay của rừng sẽ kéo dài đến 9 năm. Hiện nay các loại cây nguyên liệu công nghiệp như : Keo tại tượng, Keo lá tràm, Bạch đàn mô hom, Bồ đề, Mỡ… thường được các nhà đầu tư lựa chọn vì những giống cây này có chi phí đầu tư thấp, chu kỳ sản xuất ngắn và dễ tìm được đầu ra. Lợi nhuận sau khi trừ chi phí sẽ chia đôi 50 - 50 (hoặc theo thỏa thuận) giữa doanh nghiệp và hộ có rừng. Trong suốt quá trình từ khi lập dự án cho đến khi trồng, chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch sau này đều có sự tham gia giúp đỡ hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ khuyến nông (nhà khoa học). Phía chính quyền và các ngành chức năng như ngành nông nghiệp – phát triển nông thôn, ngân hàng đều tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế, chính sách, nguồn vốn vay để doanh nghiệp đầu tư dự án trồng rừng. Tuy nhiên để mô hình này được duy trì tốt thì vai trò của Nhà nước và Nhà khoa học là rất qua trọng. Thực tế hiện nay hầu hết diện tích rừng đã được giao đến hộ dân. Xong đặc thù của ngành sản xuất lâm nghiệp là sử dụng vốn đầu tư lớn, chu kỳ đầu tư dài, độ rủi ro không phải là nhỏ. Vì vậy người dân còn ngần ngại không dám vay vốn Ngân hàng để đầu tư trồng rừng. Bên cạnh đó vốn đầu tư hỗ trợ trồng rừng kinh tế theo quy định của nhà nước còn thấp nên việc vận động người dân tham gia phát triển rừng sản xuất ít nhiều cũng gặp khó khăn. Còn các hộ có điều kiện và muốn trồng rừng thì lại không có đất hoặc có thì cũng manh mún. Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị có tiền, có lòng nhiệt tình nhưng lại thiếu thông tin. Do vậy vai trò định hướng của Nhà nước thông qua hệ thống các cơ chế chính sách về đất đai, nguồn vốn; cộng với sự tư vấn về kỹ thuật và cung cấp thông tin cần thiết từ các nhà khoa học sẽ giúp ích rất nhiều cho doanh nghiệp và người dân quyết định có bỏ vốn đầu tư trồng rừng hay không. Mô hình liên kết "4 nhà" là : Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà khoa học - Nhà nông lâu nay không còn xa lạ. Mô hình này đã thành công trên nhiều lĩnh vực và ở nhiều địa phương. Vấn đề là vận dụng, phát huy và duy trì cho mô hình này sao cho hiệu quả không phải là dễ, vì tất cả các bên tham gia đều phải có trách nhiệm và gắn với lợi ích cụ thể, trong đó đặc biệt là vai trò điều phối của Nhà nước và lợi ích thiết thực của người dân. Với cách làm và hướng đi như hiện nay, hy vọng dự án trồng 5 triệu ha rừng sẽ được hoàn thành đúng kế hoạch đề ra ./. Mời xem Video Clip : Hà Giang phát huy mô hình liên kết "4 nhà" trong trồng rừng

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=352028&co_id=30066