Mô hình khẳng định tính ưu việt, phù hợp yêu cầu đổi mới

Từ năm 2013, Quảng Ninh ưu tiên dồn lực xây dựng một nền hành chính hiệu quả, thống nhất, tập trung, hiện đại, tương xứng với tiềm năng, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, mô hình thí điểm Trung tâm hành chính công - mô hình đầu tiên trong nước là bước cụ thể hóa quan trọng đầu tiên của tỉnh trong chiến lược đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), cải thiện tích cực môi trường đầu tư kinh doanh và đổi mới phương thức, phong cách làm việc, thu hút đầu tư...

Mô hình thí điểm đầu tiên trong cả nước

Năm 2013 được xác định là năm bản lề trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Quảng Ninh tiếp tục cụ thể hóa 3 khâu đột phá chiến lược đã được xác định từ đầu nhiệm kỳ, nhằm tạo bước chuyển đổi mạnh mẽ của mô hình tăng trưởng mới. Với chủ đề công tác năm “Cải cách hành chính và đào tạo nguồn nhân lực”, tỉnh ưu tiên dồn nguồn lực để đặt những “viên gạch” đầu tiên, xây dựng nền móng vững chắc cho một trong những khâu trọng yếu, then chốt trong tiến trình phát triển mới, tạo tiền đề cho cả một chặng đường thành công về sau.

Với quyết tâm chính trị cao, đầu năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban chỉ đạo Đề án xây dựng Chính quyền điện tử và Trung tâm hành chính công. Đồng thời, thành lập, đưa mô hình Trung tâm hành chính công tỉnh và 5 Trung tâm hành chính công các địa phương Hạ Long, Uông Bí, Móng Cái, Cẩm Phả, Vân Đồn, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3.2014.

Cán bộ các sở, ban, ngành thường trực giải quyết TTHC trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh

Sau một thời gian ngắn vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mô hình cho thấy thực sự là bước đột phá, đi đầu cả nước về công tác cải cách TTHC và hiện đại hóa nền hành chính, được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đánh giá cao; đặc biệt, được người dân và các tổ chức, doanh nghiệp ghi nhận, đồng tình ủng hộ. Đến năm 2015, Thủ tướng Chính phủ chính thức cho phép thí điểm thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh trực thuộc UBND tỉnh. Ngày 31.8.2018, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì mô hình Trung tâm hành chính công trực thuộc UBND tỉnh và đổi tên thành Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh.

Sau 10 năm thành lập và đi vào hoạt động, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh ngày càng khẳng định tính đúng đắn và ưu việt trong việc xây dựng một tổ chức đủ mạnh, một đầu mối tập trung duy nhất giúp UBND tỉnh kiểm soát toàn bộ quy trình giải quyết TTHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương toàn tỉnh. Đồng thời, thay đổi tư duy, nhận thức và hành động của các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là vai trò của người đứng đầu trong cải cách TTHC phục vụ tổ chức, doanh nghiệp và người dân; cải thiện tích cực môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh...

Lợi ích thiết thực nhất là sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp

Theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ Phạm Minh Hùng, Quảng Ninh đã tìm ra những sáng kiến, giải pháp mới đưa công tác CCHC vào thực tiễn. Trong đó, mô hình Trung tâm hành chính công được đánh giá là đột phá và hiệu quả nhất. Nhờ mô hình này, quy trình giải quyết TTHC được công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc trong từng bước, bảo đảm không có khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết; kết quả giải quyết được trả đúng và trước thời gian theo quy định. Người dân, doanh nghiệp có công cụ theo dõi, giám sát quá trình giải quyết hồ sơ TTHC, biết chính xác thời gian được nhận kết quả và được xin lỗi, thông báo lý do nếu hồ sơ trễ hạn; giảm phiền hà, chi phí, ngăn ngừa tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, quan liêu, cửa quyền. “Đây là niềm tự hào của Quảng Ninh và lợi ích thiết thực nhất mô hình này đem lại chính là sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp”, ông Phạm Minh Hùng nhấn mạnh.

Trên tiến trình chuyển đổi số toàn diện, hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ngày càng cho thấy hiệu quả, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân, doanh nghiệp. Từ năm 2014 đến nay, số TTHC tiếp nhận và giải quyết tăng nhanh theo từng năm. Bắt đầu từ năm 2016, hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến tập trung được tỉnh Quảng Ninh xây dựng, cung cấp đầy đủ thông tin về danh mục các TTHC, thẩm quyền giải quyết, chi tiết hồ sơ, quy trình, thời hạn giải quyết, phí, lệ phí... của cả 3 cấp chính quyền. Đây là cổng dịch vụ công thứ 2 trong toàn quốc được công bố, công khai kết quả giải quyết TTHC từ cấp tỉnh đến cấp xã trên Cổng thông tin của Chính phủ.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cũng phối hợp với các sở, ban, ngành đưa 908 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 73,2%) và 332 TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần (đạt 26,7%). Đồng thời, cung cấp nội dung chi tiết, xây dựng quy trình giải quyết nội bộ cập nhật lên hệ thống một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công của tỉnh; tích hợp, kết nối 1.240 dịch vụ công trực tuyến này lên Cổng dịch vụ công quốc gia; kết nối tài khoản thanh toán trên Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện thanh toán trực tuyến tại 100% Trung tâm hành chính công cấp huyện và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã...

Hiện, hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã kết nối với 8 cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành và kho dữ liệu điện tử của tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã cung cấp kết quả điện tử của 100% TTHC đủ điều kiện để đồng bộ lên kho dữ liệu, giúp người dân có thể tái sử dụng và khai thác dữ liệu điện tử trong kho Cổng dịch vụ công quốc gia khi nộp hồ sơ trên Cổng dịch công trực tuyến của tỉnh. Đồng thời, thực hiện dịch vụ công trực tuyến theo hướng không yêu cầu người dân cung cấp lại thông tin đối với các nội dung, thông tin có trong cơ sở dữ liệu đã được chia sẻ.

Đội ngũ cán bộ, viên chức tham gia quy trình giải quyết TTHC được trang cấp đầy đủ chữ ký số cá nhân; các sở, ban, ngành, địa phương được trang bị đủ chứng thư số thứ 2, quản lý tập trung có hiệu quả đồng bộ với con dấu thứ hai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để giải quyết TTHC theo quy trình “5 bước tại chỗ” và “5 bước trên môi trường điện tử”, giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao chất lượng giám sát quy trình TTHC của các đơn vị, địa phương. Dịch vụ chữ ký số cá nhân và thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt được tăng cường, đem lại nhiều tiện ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Phong Nam

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/mo-hinh-khang-dinh-tinh-uu-viet-phu-hop-yeu-cau-doi-moi-i364330/