Mô hình 'Con nuôi đồn biên phòng' - chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo vùng cao Điện Biên

Những năm qua, bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, các đồn biên phòng thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên còn thực hiện hiệu quả hỗ trợ an sinh xã hội, đặc biệt là triển khai mô hình 'Con nuôi đồn biên phòng'. Thông qua mô hình đã giúp cho các em có hoàn cảnh khó khăn được chắp cánh ước mơ đến trường. Đây là việc làm góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu tổng quát trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN đã xác định 'Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước'.

Em Chảo Văn Thương (sinh năm 2014), dân tộc Dao, ở bản Huổi Cơ Dạo, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo; bố mẹ đi làm ăn xa, lâu lâu mới về. Thương sống cùng chị gái (năm nay học lớp 9).

Năm lớp 3, tưởng phải bỏ học giữa chừng do gia đình quá khó khăn. May mắn, Thương đã được Đồn Biên phòng Nà Hỳ đón nhận về đồn làm con nuôi. Hiện em đang học lớp 4 (Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nà Hỳ). Được biết, em Thương là một trong 4 con nuôi của Đồn Biên phòng Nà Hỳ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên).

Từ năm 2019 đến nay, Đồn Biên phòng Nà Hỳ đã nhận 4 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn làm con nuôi của đơn vị, Thiếu tá Nguyễn Văn Chính, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nà Hỳ cho biết, thực hiện mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhà trường tiến hành rà soát để lựa chọn các em có đủ tiêu chí, tiêu chuẩn làm “Con nuôi đồn biên phòng”. Các em được đơn vị bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt, học tập phù hợp, đồng thời phân công cán bộ trực tiếp giúp đỡ, kèm cặp, hướng dẫn và hằng ngày đưa, đón các em đi học.

Ngoài ra, đơn vị cũng thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ với địa phương, gia đình và nhà trường nơi các em theo học để trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện của từng em.

 Em Chảo Văn Thương là một trong 4 con nuôi của Đồn Biên phòng Nà Hỳ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên).

Em Chảo Văn Thương là một trong 4 con nuôi của Đồn Biên phòng Nà Hỳ (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên).

Thông qua việc nhận nuôi các em, mối quan hệ giữa các Đồn Biên phòng với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình các em càng thêm gắn bó, góp phần tăng cường tình đoàn kết quân dân. Đồng thời, tiếp tục góp phần thực hiện tốt phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”.

 Hằng ngày, cán bộ Đồn Biên phòng Nà Hỳ đưa, đón “Con nuôi đồn Biên phòng” đi học.

Hằng ngày, cán bộ Đồn Biên phòng Nà Hỳ đưa, đón “Con nuôi đồn Biên phòng” đi học.

 Cán bộ Ðồn Biên phòng Nà Hỳ hướng dẫn “Con nuôi đồn Biên phòng” học bài.

Cán bộ Ðồn Biên phòng Nà Hỳ hướng dẫn “Con nuôi đồn Biên phòng” học bài.

Cô Đặng Thị Chúc, giáo viên chủ nhiệm của em Chảo Văn Thương, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nà Hỳ, chia sẻ: “Những ngày đầu đến trường, em Chảo Văn Thương là một học sinh khá nhút nhát, ít giao tiếp với các bạn trong lớp, học lực của em ở mức trung bình. Sau khi được nhận làm con nuôi Đồn Biên phòng Nà Hỳ và được sự quan tâm, chăm sóc, dạy bảo tận tình của các chú bộ đội, em Thương đã tự tin hơn trong việc giao tiếp với các bạn, đặc biệt là kết quả học tập của em tiến bộ hơn rất nhiều và hiện em đang là lớp phó học tập của lớp”.

Cùng chung hoàn cảnh với em Chảo Văn Thương, em Mùa Xuân Lợi (sinh năm 2010), dân tộc Mông, ở bản Nậm Tắt 2, xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ cũng là một trong hai em được nhận làm con nuôi của Đồn Biên phòng Nà Bủng. Em Lợi hiện đang học lớp 8A2, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nà Bủng. Từ khi được sinh hoạt, học tập tại đơn vị, em Mùa Xuân Lợi được các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nuôi dưỡng, chăm sóc, kèm cặp như người thân trong gia đình mình.

 Em Mùa Xuân Lợi là một trong hai con nuôi của Đồn Biên phòng Nà Bủng.

Em Mùa Xuân Lợi là một trong hai con nuôi của Đồn Biên phòng Nà Bủng.

Em Mùa Xuân Lợi cho biết, con sống với các chú đã được hơn 4 năm, hằng ngày con được các chú quan tâm, chăm sóc, dạy bảo rất nhiều, được các chú đưa đi, đón về. Con biết ơn các chú Đồn Biên phòng Nà Bủng nhiều lắm, con sẽ cố gắng học tập thật tốt để trở thành người có ích cho xã hội. “Con ước mơ sau này trở thành người lính biên phòng như các chú để có thể giúp đỡ được nhiều người”, em Mùa Xuân Lợi chia sẻ.

Theo Trung tá Đỗ Xuân Lương, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Nà Bủng (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên), các em là con nuôi của đơn vị đều còn nhỏ, lần đầu tiên phải sống xa gia đình. Bên cạnh đó, các em đang ở độ tuổi hình thành nhân cách và đều là con, em đồng bào dân tộc thiểu số, do đó các em có thói quen sinh hoạt tự do, thoải mái. Khi trở thành “Con nuôi đồn biên phòng”, vào sống trong môi trường Quân đội, các em đã biết tự lập, có kỷ luật hơn và trưởng thành hơn rất nhiều.

Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã thực hiện hiệu quả Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” của Bộ Quốc phòng; Chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn biên phòng” do Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động, triển khai. Năm học 2022-2023, các đơn vị đã nhận nuôi 26 em.

Đại tá Lê Đức Nghĩa, Phó chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên cho biết, chương trình “Con nuôi đồn Biên phòng” được triển khai thực hiện nhằm giúp các em là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các em mồ côi cha, mẹ; gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khu vực biên giới trên địa bàn tỉnh Điện Biên có nơi ăn, ở, có điều kiện sinh hoạt, học tập, rèn luyện, trở thành con ngoan, trò giỏi, người có ích cho xã hội. Mô hình này không chỉ có sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ trong các đơn vị mà còn có sự chung tay của các doanh nghiệp, mạnh thường quân, các tổ chức chính trị xã hội ủng hộ về vật chất, như: Sách, vở, xe đạp, kinh phí… để bảo đảm cho các em có điều kiện học tập, phát triển tốt nhất. “Nhờ có sự nuôi dưỡng, kèm cặp của cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng nên trong năm học 2022 - 2023, các cháu đều học lực giỏi, hạnh kiểm tốt”, Đại tá Lê Đức Nghĩa chia sẻ.

Có thể khẳng định, mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng” là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, là việc làm có ý nghĩa thiết thực của cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng hướng về đồng bào các dân tộc nơi biên giới; thực sự là điểm tựa, chắp cánh ước mơ cho những học sinh nghèo vùng cao, biên giới có cơ hội được cắp sách tới trường; góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết quân dân; xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Mô hình này cũng đã góp phần thực hiện Tiểu dự án 3: Phát triển kinh tế xã hội - mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có nội dung: Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường: Hỗ trợ các em trong độ tuổi đi học (từ lớp 1 đến lớp 12) là dân tộc thiểu số đang sinh sống ở khu vực biên giới, có hoàn cảnh khó khăn; là con của người có uy tín, người tích cực tham gia bảo vệ biên giới trong đồng bào các dân tộc thiểu số và các em là người dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù sinh sống ở khu vực biên giới được các đơn vị Quân đội nhận nuôi và hỗ trợ, giúp đỡ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Bài, ảnh: TRƯỜNG HIẾU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính sách xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/dan-toc-ton-giao/chinh-sach-phat-trien/mo-hinh-con-nuoi-don-bien-phong-chap-canh-uoc-mo-cho-hoc-sinh-ngheo-vung-cao-dien-bien-754822