Mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả

Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, năm 2017, Hợp tác xã Gai Xanh Tân Lập, ở bản Tà Phình, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, đã đưa cây gai xanh AP1 vào trồng. Sau 4 năm, cây trồng mới này đã mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên.

Sản phẩm sợi từ cây gai xanh của thành viên HTX Gai xanh Tân Lập.

Sản phẩm sợi từ cây gai xanh của thành viên HTX Gai xanh Tân Lập.

Anh Vàng A Di, Giám đốc HTX Gai Xanh Tân Lập, cho biết: Sau hơn 2 năm, cây gai xanh được đánh giá là loại cây có tiềm năng về kinh tế, nên năm 2019, HTX đã liên kết các hộ trồng gai xanh và ổn định đầu ra cho sản phẩm, vận động 12 hộ trong bản tham gia HTX Gai Xanh Tân Lập. Hiện nay, các thành viên HTX đang chăm sóc trên 13 ha gai xanh giống AP1. Sản phẩm vỏ khô của thành viên được HTX và Công ty TNHH Đầu tư và Sản xuất Vinaffi (Thanh Hóa) thu mua toàn bộ. Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 26 tấn vỏ khô, giá bán trung bình 40.000 đồng/1kg.

Gai xanh giống AP1 là cây công nghiệp, chủ yếu trồng lấy vỏ để sản xuất thành nguyên liệu sợi phục vụ ngành công nghiệp dệt may. Loại cây dễ chăm sóc, khả năng chịu hạn tốt, ưa khí hậu nóng ẩm; trồng một lần, nhưng thời gian khai thác từ 8-10 năm; thu hoạch 4-5 lứa/năm. Lá cây gai xanh được sử dụng làm thức ăn cho gia súc hoặc nguyên liệu cho ngành công nghiệp thực phẩm và bào chế dược liệu; lõi gỗ từ cây gai xanh sau khi lấy vỏ có thể tận dụng làm giá thể trồng nấm hoặc ủ làm phân bón hữu cơ vi sinh để tái tạo đất. Năng suất trung bình của các hộ thành viên HTX đạt 30 - 40 tấn cây tươi/ha/năm, sau khi sơ chế đạt 2-3 tấn vỏ khô/ha/năm.

Anh Tòng Văn Đức, thành viên HTX, chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng ngô và sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Đầu năm 2017, gia đình chuyển đổi sang trồng gần 2,2 ha cây gai xanh, năm nay thu nhập gần 200 triệu đồng/năm, so với trồng sắn thì thu nhập tăng gấp 3 - 4 lần. Loại cây này không phải làm đất, chỉ cần biết cách thu hoạch, cách phơi, không để bị mốc, bị hỏng. Sau mỗi lần thu hoạch mới phải làm cỏ và bón phân NPK, gốc cây lại đâm chồi, đẻ nhánh và phát triển nhanh.

Còn anh Quách Công Đức, cũng là thành viên HTX, cho biết: Gia đình tôi có 5.000 m² đất trồng cây gai xanh AP1. Tham gia HTX, chúng tôi được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, không sử dụng thuốc trừ sâu; không thuốc hóa học; không sử dụng thuốc diệt cỏ để đảm bảo cho cây trồng sạch, phát triển tốt, đẻ nhiều nhánh mới và môi trường không bị ô nhiễm hóa chất. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu nhập 50 triệu đồng/năm.

Nói về dự định trong thời gian tới, anh Vàng A Di, Giám đốc HTX, nói: Chúng tôi tiếp tục vận động thành viên mở rộng diện tích trồng cây gai xanh AP1. Đồng thời, xây dựng quy trình khép kín từ trồng, chăm sóc, thu hoạch cho đến làm sợi, dệt vải, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm ngay tại HTX , thu hút du khách muốn tìm hiểu về nghề dệt vải truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.

Năng động, mạnh dạn trong chuyển đổi các loại cây trồng trên đất nương kém hiệu quả sang trồng cây gai xanh theo hướng liên kết sản xuất của HTX Gai Xanh Tân Lập, không những tận dụng được tối đa diện tích đất, phủ xanh đất trống, đồi trọc, mà còn mở ra hướng đi phù hợp, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho thành viên.

Trung Hiếu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/mo-hinh-chuyen-doi-cay-trong-hieu-qua-48184