Mở đường cho thương giới

Hiến pháp 1992 ghi: “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật” nhưng phải đến khi Luật Doanh nghiệp 1999 ra đời, 14 chữ này mới được thực thi. Công đầu thuộc về những thành viên ban soạn thảo

Những năm 1980-1990, đất nước từng bước chuyển từ kinh tế quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường. Lần đầu tiên, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp (DN) tư nhân ra đời vào năm 1990. Trước thực tế việc thành lập DN tại Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn, những năm 1990, Ban Soạn thảo Luật DN và Luật Công ty (sửa đổi) được thành lập, trong đó chủ chốt là những chuyên gia kinh tế tên tuổi, như: Trần Xuân Giá, Lê Đăng Doanh, Nguyễn Đình Cung, Trần Hữu Huỳnh, Phạm Chi Lan… Sau một thời gian, nhận thấy hai luật này không cần thiết, ban soạn thảo quyết định hợp nhất. Ý tưởng thành lập Luật DN hoàn chỉnh chính thức ra đời từ đó.

TS Lê Đăng Doanh. Ảnh: HỒNG THÚY

Bước ngoặt lịch sử

TS Lê Đăng Doanh khi đó là viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Phó Ban Soạn thảo Luật DN. Ông nhớ lại: “Thời điểm đó, thương giới khổ lắm, muốn thành lập DN phải có đủ 35 chữ ký và 32 con dấu, thời gian từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí vài năm; đối với những ngành nghề “nhạy cảm” thì lâu hơn. Các giấy phép con thì 3-6 tháng cấp một lần khiến người kinh doanh chưa kịp làm ăn đã lo đi xin giấy phép. Ví dụ ở Hà Nội, sau khi tập hợp đầy đủ con dấu và chữ ký, hồ sơ DN còn phải qua một hội đồng thẩm định do phó chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì, họp vào chiều thứ bảy hằng tuần. Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội lúc ấy là ông Đinh Hạnh cho hay trước khi ông ký thì phải có chữ ký, con dấu của tất cả các giám đốc sở, quận - huyện; các sở, quận - huyện thì đòi phải có chữ ký của cấp xã, phường và dĩ nhiên trước khi cấp xã, phường ký phải có chữ ký của cấp xóm, thôn, đoàn, hội… Mỗi buổi chiều thứ bảy tối đa chỉ ký được 2-3 hồ sơ nên cả năm TP Hà Nội chỉ có thêm hơn 100 DN. Tại các địa phương khác, hội đồng này họp hằng tháng, thậm chí hằng quý nên số lượng DN ra đời rất hạn chế”.

TS Trần Xuân Giá, lúc ấy là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Trưởng Ban Soạn thảo Luật DN. Ông kể: “Ý muốn, tâm niệm ban đầu của ban soạn thảo là phải có những thay đổi cơ bản cốt làm sao việc ra đời một DN đơn giản nhất, nhanh nhất, rẻ nhất để những người có kế hoạch và điều kiện kinh doanh không bị mất thời cơ. Thay đổi cơ bản bắt đầu từ nhận thức lại cho đúng là việc tự do làm ăn, tự do mưu sinh của người dân đã được Hiến pháp công nhận. Quyền đó là bất khả xâm phạm và là quyền của người dân chứ không phải là quyền của cơ quan công quyền. Vì vậy, muốn thành lập DN để kinh doanh bất kể ngành nghề gì mà pháp luật không cấm, công dân chỉ phải đăng ký, không phải xin phép, Nhà nước không có quyền ban phát cho bất kỳ ai mà chỉ có nghĩa vụ tạo điều kiện cho dân thực hiện quyền của mình. Đây là thay đổi lớn nhất về mặt tư duy mà Ban Soạn thảo Luật DN đưa vào luật. Để đạt được sự thay đổi này trên thực tế và hiện thực hóa nó trong các điều luật cụ thể là một cuộc “đấu tranh” gay go và không kém phần quyết liệt”.

Qua nhiều lần làm việc với các chuyên gia luật, các giáo sư kinh tế thế giới nổi tiếng, đồng thời nghiên cứu Luật Công ty của nhiều nước, ban soạn thảo phát hiện nước nào có Luật DN càng tự do, đơn giản thì kinh tế nước đó phát triển mạnh nên chủ trương hướng Luật DN của Việt Nam theo tinh thần này. Sau 5 lần dự thảo, CIEM phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lấy ý kiến khối DN tư nhân tại Hà Nội, TPHCM và Cần Thơ; tổ chức hội thảo kéo dài cả tuần để thu thập thêm góp ý của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước... Tiếp đó, Luật DN đi vào giai đoạn hoàn thiện câu chữ.

TS Trần Xuân Giá. Ảnh: THANH NHÂN

Hành trình gian nan

“Chúng tôi phải trả lời từng chất vấn một, vất vả lắm mới bảo vệ được quan điểm ban đầu” - TS Lê Đăng Doanh nhớ lại. .

Hành trình đưa dự thảo Luật DN ra Quốc hội để được xem xét, thông qua thật gian nan. Trước đó, Luật Công ty được soạn theo mô hình luật của Pháp nên đòi hỏi DN phải có vốn pháp định. Trong dự thảo Luật DN bỏ quy định này và gặp phải phản ứng gay gắt. Ông Trần Xuân Giá nhớ lại: “Tại Quốc hội, nhiều đại biểu cho rằng làm như vậy sẽ tạo điều kiện cho DN không có vốn lừa đảo khách hàng, không cần vốn pháp định thì sau một đêm có thể mọc ra cả ngàn DN, Nhà nước làm sao quản lý được. Tôi chứng minh rằng vốn này chỉ là gây khó khăn cho việc ra đời của DN chứ không có ý nghĩa gì trong cuộc sống vì sau khi góp vốn trên danh nghĩa để được phép thành lập DN thì vốn ai lại về nhà nấy. Bằng vốn pháp định khi thành lập DN, khả năng hạn chế sự gian dối của DN (nếu có) thì rất ít nhưng lại gây cản trở cho tất cả DN, tạo điều kiện cho thói sách nhiễu DN... Trên thực tế, nhiều DN không có đồng nào vẫn có hồ sơ khai đủ vốn pháp định vì không ai kiểm soát được họ có mượn tiền để đăng ký kinh doanh hay không…”.

Về điều kiện kinh doanh, dự thảo luật bỏ giấy phép thành lập, áp dụng chế độ đăng ký với các tiêu chí rõ ràng, đơn giản. Điều này cũng bị không ít người quyết liệt phản đối vì “làm sao quản lý được?”, “tôi là chủ tịch tỉnh, tôi phải có quyền, tôi biết người nào tốt, làm ăn đàng hoàng tôi mới cho kinh doanh”, “vậy người mới ra tù cũng được lập DN?”… Ông Lê Đăng Doanh kể: “Chúng tôi phải trả lời từng chất vấn một, vất vả lắm mới bảo vệ được quan điểm ban đầu. Khi ra Quốc hội, anh Giá trực tiếp đứng ra giải trình. Một máy fax được gắn gần chỗ anh ấy đứng. Tôi và anh Nguyễn Đình Cung, anh Trần Hữu Huỳnh, chị Phạm Chi Lan… cùng ngồi ở phòng sau Hội trường Ba Đình. Trước các câu chất vấn hóc búa, chúng tôi thống nhất nội dung trả lời rồi fax ra cho anh Giá và đoàn thư ký để tham khảo, giải trình thêm thuyết phục”…

Kỳ tới: Dẹp “loạn” giấy phép con

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/2012041810432629p0c1002/mo-duong-cho-thuong-gioi.htm