Mở đường cho các sản phẩm thế mạnh của Ninh Thuận

Mỗi sản phẩm gốm Chăm luôn có nét độc đáo riêng và sự sáng tạo, kỹ năng của người phụ nữ Chăm thông qua thực hành.

Tối 15-6, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Lễ đón bằng của Unesco ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và khai mạc Lễ hội Nho và Vang năm 2023.

Mở đường cho các sản phẩm thế mạnh của Ninh Thuận

Phát biểu tại buổi khai mạc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chúc mừng tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và cộng đồng người Chăm đón nhận bằng ghi của Unesco ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi khai mạc. Ảnh: NÚI XANH

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận xét nghệ thuật làm gốm của người Chăm được tạo phát từ những đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Chăm. Cùng với những dụng cụ hết sức đơn giản làm từ tre, vỏ sò, vải… tạo ra những dụng cụ sinh hoạt hàng ngày và những sản phẩm mỹ nghệ.

“Mỗi sản phẩm gốm Chăm luôn có nét độc đáo riêng và sự sáng tạo, kỹ năng của người phụ nữ Chăm thông qua thực hành. Đồng thời làm lăng kính phản chiếu cuộc sống, nét văn hóa tươi đẹp vào từng tác phẩm”- Phó Thủ tướng nhận xét.

Ông Trần Hồng Hà cho biết đây là di sản thứ 15 của Việt Nam được ghi danh. Đây cũng là sự khẳng định bản sắc văn hóa, dân tộc của Việt Nam trong kho tàng di sản văn hóa thế giới và đề cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại.

Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đón nhận bằng ghi danh của Unesco. Ảnh: H.H

Cùng với đó, Phó Thủ tướng cho hay đất đai khô cằn cùng với nắng gió cùng với sự cần cù, chắt chiu hòa quyện với mồ hôi của người nông dân đã tạo ra những vườn nho tươi mát. Nhiều giống nho đã được trồng thành công cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, đồng thời trở thành những điểm thu hút trải nghiệm du lịch.

Lễ hội Nho – Vang chính là cơ hội để tôn vinh người nông dân, doanh nhân cùng là cơ hội để trao đổi hợp tác, quảng bá thương hiệu của nho, vang Ninh Thuận ra thị trường trong nước và thế giới.

Phó Thủ tướng đề nghị để khai thác những tiềm năng, tận dụng cơ hội chuyển hóa những thách thức để trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực và cả nước, Ninh Thuận cần tạo những đột phá về quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, giáo dục đào tạo và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

“Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, tăng cường khả năng kết nối để nâng cao năng lực cạnh tranh của Ninh Thuận; thu hút doanh nghiệp, khai mở tiềm năng du lịch, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển. Mở đường cho các sản phẩm thế mạnh của tỉnh đến với thị trường trong nước và quốc tế”- Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết.

12 hoạt động văn hóa, thể thao trong Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết cây nho là một trong những loại cây đặc thù của tỉnh Ninh Thuận. Lễ hội Nho-Vang Ninh Thuận được tổ chức đầu tiên vào năm 2014. Từ đó, trở thành lễ hội truyền thống của tỉnh Ninh Thuận được tổ chức hai năm một lần nhằm mục đích xây dựng thương hiệu Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận độc đáo, khác biệt, giàu bản sắc, tôn vinh người trồng nho và giá trị cây nho, sản phẩm từ nho.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại lễ khai mạc Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023. Ảnh: H.H

Đồng thời cũng là dịp để quảng bá hình ảnh, quê hương, con người Ninh Thuận, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về kinh tế nông nghiệp, kinh tế biển gắn với văn hóa, du lịch, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào Ninh Thuận.

Lễ đón Bằng của Unesco ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023 được diễn ra từ ngày 13-6 đến hết ngày 18-6 với 12 hoạt động cấp tỉnh về văn hóa, thể thao và du lịch rất đặc sắc, hấp dẫn, quy mô lớn và nhiều hoạt động hưởng ứng khác từ các huyện, thành phố trong tỉnh Ninh Thuận.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết việc Unesco ghi danh Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là niềm vinh dự, tự hào. Đồng thời cũng đặt ra trách nhiệm lớn lao cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các tỉnh có di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Hàng ngàn du khách và người dân đến tham dự lễ khai mạc. Ảnh; H.H

“Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng, thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo tồn, phát huy giá trị di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm, sớm đưa Nghệ thuật làm gốm của người Chăm phát triển bền vững về mọi mặt để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương”- ông Trần Quốc Nam phát biểu.

Năm hành động để bảo vệ và phát huy nghề làm gốm Chăm

Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết Bộ đã công bố Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Chương trình gồm năm hành động cụ thể gồm tổ chức các hoạt động bảo vệ khẩn cấp đối với di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm; nghiên cứu, sáng tạo, thiết kế mẫu mã mới trên cơ sở các giá trị di sản nghệ thuật làm gốm của người Chăm; tiếp tục công tác kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm; đề xuất phong tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú cho những người thực hành có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm và hỗ trợ cộng đồng phục hồi những lễ hội, nghi lễ liên quan đến nghề làm gốm của người Chăm.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chỉ đạo, hướng dẫn và đồng hành cùng cộng đồng và các cơ quan, ban ngành của tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, địa phương có di sản Nghệ thuật làm gốm của người Chăm, thực hiện tốt Chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quý giá này.

HUỲNH HẢI

Nguồn PLO: https://plo.vn/mo-duong-cho-cac-san-pham-the-manh-cua-ninh-thuan-post738141.html