Mô cấy ghép loại trừ việc tiêm insulin thường xuyên cho người bị tiểu đường

Các nhà khoa học ở Đại học bách khoa Thụy Sĩ đã phát triển một mô cấy ghép với các tế bào biến đổi gien, được cấy dưới da và tiết ra insulin khi cần thiết.

Trong tương lai, bệnh nhân tiểu đường có thể nói tạm biệt với những ống tiêm.

Martin Fussenegger, trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ: "Đến năm 2040, 1/10 công dân Trái đất sẽ bị một số dạng bệnh tiểu đường nào đó. Chúng ta phải cung cấp cho họ một cái gì đó nhiều hơn là việc chỉ có thể để đo được nồng độ đường trong máu”.

Theo tờ The Guardian, các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ biến đổi gien áp dụng với các tế bào thận - gọi là tế bào HEK, để chúng thực hiện các chức năng của tuyến tụy. Các tế bào HEK được tiếp hai gien mới, một gien làm cho chúng nhạy cảm với nồng độ glucose, còn gien thứ hai ra mệnh lệch để chúng tiết ra insulin khi nồng độ insulin giảm đến một mức nhất định.

Chỉ tính riêng ở Anh, có khoảng 400.000 người bị bệnh tiểu đường thể 1 và 3 triệu người mắc bệnh tiểu đường thể hai và khoảng 10% trong số họ cần tiêm insulin.

Thử nghiệm mô cấy ghép trên chuột cho thấy mô đó giúp duy trì lượng đường trong máu bình thường trong vài tuần. Các nhà khoa học hy vọng sẽ được cơ quan y tế cho phép tiến hành các thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân. Nếu thành công, sẽ giúp ích những người bị bệnh tiểu đường thể 1 và thể 2 cần tiêm insulin thường xuyên.

Khi đó, bệnh nhân sẽ được dùng các viên cấy dưới da chỉ cần thay ba lần trong năm. Như vậy, tiện lợi và an toàn hơn là thường xuyên phải tiêm mà vẫn không hoàn toàn kiểm soát được nồng độ đường và có thể dẫn đến những biến chứng, bao gồm rối loạn thị giác, thậm chí gây trục trặc hệ tim mạch và thần kinh.

Vũ Trung Hương

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/mo-cay-ghep-loai-tru-viec-tiem-insulin-thuong-xuyen-cho-nguoi-bi-tieu-duong-51032.html