Mình sống chứ cha mẹ có sống thay cho mình đâu

Cháu cứ thấy đúng thì làm. Mình sống chứ cha mẹ có sống thay cho mình đâu. Mỗi thế hệ đều có cách vào đời và lập thân của họ.

Cô Dạ Hương kính!

Cháu lớn lên, cơm cha áo mẹ, từ nhỏ đã được ba má gởi ra thị trấn sống với bác ruột để ăn học. Ở đây ai học cũng làng nhàng vậy, tiếng Anh làm sao giỏi, vi tính cũng không có thầy hay. Cháu tốt nghiệp PTTH loại khá thôi, đủ điểm vô đại học của thành phố khu vực.

Bốn năm ăn học, ra trường thất nghiệp. Những con số cô chắc cũng có nghe, có biết. Có bài báo tổng kết thanh niên học vì thể diện của ba mẹ. Đúng, ngày cháu đậu đại học, chỉ nhiều hơn điểm sàn có nửa điểm mà ba má đã làm heo ăn mừng. Cháu là con trai duy nhứt, trên chị gái, dưới em gái, hết.

Bạn cháu có người đi học ngược lại, đi trung cấp nghề. Cháu thấy vậy là thực tế nhưng có phần tiêu cực. Cháu quyết định bám thị trấn chỗ bác, khởi nghiệp tự mình. Làm giá sạch cũng được chứ sao cô. Dĩ nhiên ở thị trấn dân trí thấp, người ta không quen với rau sạch mà giá hóa chất vừa rẻ, vừa đẹp mắt nữa. Nhưng phải có người đi thì mới thành con đường, đúng không cô? Nghe vậy bác của cháu ủng hộ liền, bác gái sẽ ngồi chợ, rồi mình làm nhiều lên, bỏ mối.

Ba má cháu mới nghe qua thì đã ó ré lên làm dữ. Má cháu vật vã như cháu vừa phạm tội vậy đó cô. Má nói cháu thất chí, cháu phí công cha nghĩa mẹ, nữa cưới một cô bán cá cho đủ bộ! Cháu rối trí quá cô, bao giờ má cũng làm cháu chùng lòng. Theo cô, cháu đi vậy là sai đường hay đúng hướng?

------------------------

Cháu trai thân mến!

Chuyện khởi nghiệp ở thế hệ các cháu đang hot và đang thuộc tầm vĩ mô rồi. Mọi người quan tâm, bởi vì một cử nhân hay một kỹ sư thất nghiệp thì có đến mấy người ảnh hưởng và bức xúc, đó là cha mẹ, anh chị em của họ.

Nước ta đã không có chiến lược đúng và sớm cho bạn trẻ ngay từ khi làm ra nhà trường, hệ thống, liên thông, nhu cầu và ứng dụng. Thừa thầy thiếu thợ là vậy. Ví như chuyện nhiều người bị dẹp buôn bán chui, buôn bán rong… nhưng không cho bán thì họ làm gì, đi bán vé số ư, đâu đến lượt, đi làm công ư, ừ, nhưng mà không có tay nghề. Xã hội không mở trường cho những người nghèo đó đi học, giúp họ tiền bạc để đi học những lớp kỹ năng, ngoại ngữ để đi làm thuê, làm công.

Cô rất thú vị khi người Philippines được tổ chức đào tạo để đi làm ô-sin khắp thế giới, khi đi, họ được chính quyền tiễn đưa và gọi họ là “anh hùng cứu quốc”. Vậy đó, do thiết kế vĩ mô, do quan niệm được định hướng và do nhu cầu của kinh tế thị trường, nước người ta không “sĩ diện hão” gì cả.

Ngày xưa, đánh trận giỏi là anh hùng cứu quốc, sau đó, xé rào làm ăn giỏi là anh hùng cứu thế và ngày nay, nên cứu mình trước khi trời cứu!

Nước mắt người mẹ bao giờ chẳng mềm lòng trai. Đàn ông vốn sợ nước mắt, người già, vợ con. Nhưng họ vẫn cất bước khi lý tưởng vẫy gọi. Lý tưởng của bọn cháu là cống hiến, sản vật sạch cho dân cũng là cống hiến, dĩ nhiên cống hiến phải được đền bù, bằng tiền chất xám và tiền công sức, tiền lợi nhuận… Đừng nghĩ dân thị trấn nghèo dốt và thấp, họ cũng biết rau sạch rau bẩn nhưng mua giá sạch ở đâu, ai làm cho họ?

Nếu có duyên gặp một cô hàng cá cũng chả sao. Phi thương bất phú, đừng khinh thường người buôn bán, quan niệm ấy xưa cũ lắm. Tâm đầu ý hợp, đồng vợ đồng chồng thì sẽ có cơ ngơi có cửa hàng, có nhà vựa và sẽ có nhà cao cửa rộng bằng tiền chính danh, minh bạch, tử tế xiết bao, đúng không? Ba mẹ sốc rồi sẽ thôi, cháu cứ làm người cần cù và tử tế đi rồi sẽ thấy mình đúng là món quà cho tuổi già của ba má.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/minh-song-chu-cha-me-co-song-thay-cho-minh-dau-post163772.html