Minh họa báo chí - cần nghĩ khác!

Làm thế nào để hiểu đúng và phát huy thế mạnh cây cọ tâm huyết để cùng góp sức thúc đẩy sự phát triển của báo chí hiện đại?

Tranh minh họa cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội của họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn.

Liệu rằng, họa sĩ minh họa báo chí có còn đắt giá? Làm thế nào để hiểu đúng và phát huy thế mạnh cây cọ tâm huyết để cùng góp sức thúc đẩy sự phát triển của báo chí hiện đại? Đó cũng là những trăn trở của họa sĩ Lê Tiến Vượng khi ông đảm nhiệm công tác tổ chức triển lãm “Nghệ thuật minh họa báo chí và xuất bản toàn quốc 2023”.

- Lần thứ 3 tổ chức, triển lãm “Nghệ thuật minh họa báo chí và xuất bản toàn quốc 2023” có còn giữ được sức hút như ban đầu không, thưa ông?

- Tôi đã rất bất ngờ khi con số tham gia triển lãm tăng gấp rưỡi so với hai lần trước (2011 và 2015). Ngay khi có thông báo về sự kiện, họa sĩ gọi điện đăng ký tham gia, trong đó người đăng ký sớm nhất là hai họa sĩ đã ở tuổi xưa nay hiếm: Hà Huy Chương ở Báo Hải Dương và Nguyễn Quang Đức ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Sau “mở hàng” đó, sự kiện được chốt lại với gần 60 họa sĩ - một con số ngoài dự đoán - đã chứng tỏ triển lãm tiếp tục được người làm nghề ở các cơ quan báo chí, xuất bản khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam quan tâm.

Có thể kể đến đại diện các cơ quan báo chí ở: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Sài Gòn, Quảng Bình, Phú Thọ, Hải Dương, Nghệ An, Hà Nội…; một số nhà xuất bản như Kim Đồng, Giáo dục, Công an Nhân dân, Phụ nữ…; và cả họa sĩ làm việc ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

- Từ triển lãm, ông thấy “đội ngũ” họa sĩ minh họa báo chí, xuất bản hiện nay có gì mới?

Tranh minh họa cho Báo Giáo dục & Thời đại của họa sĩ Phùng Mỹ Trâm.

- Trong 54 họa sĩ tham gia triển lãm không chỉ có những gương mặt đã thành danh như: Đỗ Phấn, Lê Huy Quang, Đức Bảo (Báo Nhân dân), Đức Lâm (NXB Trẻ), Ngô Xuân Khôi (NXB Phụ nữ), Lê Tiến Vượng (Báo Thiếu niên Tiền phong - Nhi đồng), Đặng Tiến (Tạp chí Cửa biển, Hải Phòng), Thanh Toàn (Hà Nội mới)… mà còn được bổ sung lực lượng trẻ trung như Trương Văn Ngọc, Phạm Hà Hải, Hải Nam, Nguyễn Minh Kiên, Nguyễn Minh Chung, Hữu Khoa, Lê Ngọc Huyền… Nhất là còn có sự tham gia một số gương mặt 9X như Nguyễn Lê Anh, Nguyễn Hồng Quân, Nguyễn Thị Thanh Vân, Lê Anh…

Triển lãm “Nghệ thuật minh họa báo chí và xuất bản toàn quốc 2023” do Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2023). Dịp này, công chúng không chỉ được thưởng lãm hàng nghìn tác phẩm minh họa báo chí, xuất bản, mà còn được nghe những trăn trở về nghề từ các họa sĩ nổi tiếng. Triển lãm mở cửa đến hết 25/6 tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội.

Với một đời sống báo chí, xuất bản phong phú như hiện nay khó có thể đem cân đong, đo đếm về chất lượng của từng tác phẩm. Tuy nhiên, vẫn có thể nhận thấy, những người đã nổi tiếng vẫn giữ được phong độ của sự mẫu mực, nhuần nhuyễn trong cách diễn ngôn bằng đường nét nuột nà, mềm mại, tinh tế, phóng khoáng, bay bổng (với minh họa các trang báo, sách văn nghệ). Phong cách đã chín ấy của họ ghi dấu trong tâm trí công chúng, dễ nhận biết và không thể trộn lẫn.

Còn với những người trẻ (phần nhiều đang làm việc ở các nhà xuất bản) cũng thể hiện cá tính qua nét vẽ thường bằng bút điện tử, có màu sắc bắt mắt và khá độc, lạ.

Tuy nhiên, mỗi tờ báo có một phong cách, mỗi thể loại báo chí có những yêu cầu riêng nên họa sĩ phải đặt mình vào tình huống cụ thể để truyền tải, diễn ngôn bằng hình ảnh, nét vẽ sao cho phù hợp…

- Từ thực tế làm nghề của mình, ông có thể chia sẻ thêm về sự chủ động của họa sĩ để có thể gắn bó với công việc minh họa báo chí tưởng đơn giản mà chẳng hề giản đơn này?

Tranh minh họa cho Báo Hà Nội mới của họa sĩ Thanh Toàn.

Tranh minh họa cho sách của NXB Kim Đồng của họa sĩ Tô Ngọc Trang.

Tranh minh họa cho Báo Nhi đồng của họa sĩ Lê Tiến Vượng.

- Những người cầm cọ đều là họa sĩ trước khi trở thành họa sĩ vẽ minh họa. Không trường lớp nào dạy chúng tôi minh họa báo chí, vậy nên, mỗi người đều phải chủ động tự học, trong đó có những nguyên tắc làm nghề có thể đúc rút từ kinh nghiệm của những người đi trước.

Ví như, minh họa vẫn là những diễn ngôn bằng hình, nét và sắc… song các nét nguệch ngoạc dọc ngang theo cảm xúc tức thời từ bài viết, câu chuyện mà họa sĩ thể hiện chứ không có thời gian nâng lên đặt xuống như vẽ một tác phẩm hội họa độc lập.

Cùng với đó, từ thực tế làm việc ở Báo Thiếu niên tiền phong, Báo Nhi đồng, tôi nhận thấy minh họa các ấn phẩm cho thiếu nhi cần phải chỉn chu, chính xác, đúng hình, đúng nhân vật, đúng tâm trạng. Giả dụ vẽ ẩu, sơ lược là trẻ phát hiện và phê bình ngay.

Trong khi, vẽ cho người lớn có thể là những nét phác thảo, phóng khoáng; chỉ cần thể hiện cái ám ảnh, hồn cốt của câu chuyện, nhân vật… Nhiều họa sĩ vẽ cho thiếu nhi muốn vẽ cho người lớn cần thay đổi trạng thái, tâm thế thì mới bước vào được; ngược lại họa sĩ vẽ cho người lớn, nhất là vốn quen với kiểu phóng khoáng của báo chí văn nghệ thì rất khó gò bút để vẽ cho thiếu nhi.

- Ông có trăn trở gì về câu chuyện họa sĩ minh họa chưa thực sự được coi trọng trong việc đồng sáng tạo các ấn phẩm báo chí từ trước đến nay?

- Một số tờ báo, tạp chí chủ động mời các họa sĩ danh tiếng cộng tác để làm sang cho tờ báo của mình, nhưng số đó không nhiều.

Từ cách nghĩ: Minh họa không phải việc gì to tát, phần lớn các báo, tạp chí sử dụng “người nhà” có khi chỉ là những kỹ thuật viên dàn trang thực hiện công việc đó để tiết kiệm chi phí, đỡ phải “chiều chuộng”. Thực tế ấy đã dẫn đến tình trạng nhiều minh họa báo chí được thực hiện cho có, rất xấu, thiếu tính thẩm mỹ.

Nhiều báo lơ là việc vẽ minh họa trang bìa mà chủ yếu dùng ảnh cho nhanh, tiện. Trong khi trang bìa là “gương mặt” của tờ báo/tạp chí, nếu làm tốt, các họa sĩ trực tiếp góp phần vào việc thay đổi sức hút của nó.

Hoặc cũng có những báo mời họa sĩ cộng tác vẽ minh họa song chế độ nhuận bút còn ít ỏi, khá thì bằng 1/3 mà ít hơn chỉ được 10% nhuận bút bài viết. Chế độ nhuận bút quá thấp ấy khiến người cầm cọ tâm huyết thực sự thấy nản vì chưa được trân trọng cho mỗi sáng tạo.

Thực ra, với họa sĩ, điều quan trọng hơn là sự lắng nghe, thấu hiểu, kiểu như Bá Nha cần gặp Chung Tử Kỳ. Vì thế, hầu hết các báo chưa biết cách khai thác khả năng cả về chuyên môn và tiếng nói giá trị của văn nghệ sĩ trong minh họa báo chí.

- Ông nghĩ sao về cách ứng xử phải chăng rất “lỗi thời” này trước xu hướng báo chí hiện đại ngày càng coi trọng phần mỹ thuật?

- Xu hướng báo chí quốc tế đề cao vai trò phần thẩm mỹ được thể hiện qua tranh minh họa và hình ảnh. Công việc này được giao cho Giám đốc sáng tạo là các họa sĩ, nhà thiết kế tài năng. Tức là họ lập ra bộ phận chuyên trách chuyên lo việc chăm chút, tạo phong cách cho ấn phẩm với một ứng xử trân trọng cùng đãi ngộ xứng đáng.

Trong khi đó, báo chí nước nhà ngược lại, vẫn nặng về phần chữ, còn thờ ơ với sức mạnh của mỹ thuật nên xem nhẹ vai trò của họa sĩ. Với tranh minh họa, nó là đường dẫn đến nội dung bài viết, câu chuyện...

Như người xưa dạy: Y phục sánh với kỳ đức - nhìn vào minh họa mà biết bài viết, câu chuyện ấy hay hay dở để từ đó dẫn người đọc vào nội dung.

Có những minh họa xuất sắc bởi đường nét tài hoa còn là “tiếng sét ái tình” - hấp dẫn, gợi mở, truyền cảm xúc tới độc giả… Hình thức không đứng ngoài thành công của tờ báo mà luôn quyết định một nửa giá trị ấy.

Mỹ thuật có vai trò quan trọng, quyết định hình thức của một ấn phẩm báo chí song nhiều ban biên tập chưa ý thức được nên kéo chậm sự phát triển của tờ báo ấy nói riêng và nền báo chí Việt Nam nói chung. Hầu hết, báo chí phía Bắc mắc phải “bệnh” này, nhất là các báo bao cấp. Các tờ báo gắn với thị trường phải nghĩ khác, nếu không sẽ khó lòng tồn tại.

- Phải chăng thực tế ấy còn khiến các báo chí/tạp chí không còn hấp dẫn với họa sĩ trẻ?

- Hiện nay, họa sĩ trẻ ở các báo/tạp chí không nhiều, trẻ nhất cũng đã… U40, U50.

Cùng với câu chuyện chưa được coi trọng, đãi ngộ không tốt thì còn có thực tế khách quan nữa: Trong hơn thập kỷ qua, các ấn phẩm báo chí chịu sự tác động mạnh mẽ của công nghệ, nhất là với báo in. Để đảm bảo cho mình nguồn thu nhập ổn định từ công việc thường xuyên, họa sĩ thường chọn đầu quân về các nhà xuất bản.

Đây cũng là một trong những nguy cơ thiếu hụt họa sĩ minh họa tài năng cần được các đơn vị báo chí quan tâm trong những chặng đường phát triển đầy khó khăn hiện nay.

Tranh minh họa cho Báo Văn nghệ Công an của họa sĩ Lê Tiến Vượng.

- Những vấn đề thiết thực này sẽ được đưa ra trao đổi tại triển lãm lần này chứ, thưa ông?

- Nếu triển lãm chỉ dừng lại ở việc treo tranh thì e rằng chưa phản ánh hết được đời sống thực sự của minh họa báo chí, xuất bản hiện nay.

Vì vậy, chúng tôi còn tổ chức cuộc tọa đàm, trao đổi, mời các họa sĩ cao niên có tiếng nói uy tín trong nghề đến nói chuyện.

Cũng nhân đây, chúng tôi gửi lời mời tới Ban Biên tập các báo/tạp chí đến nghe và trao đổi với phương châm: Cần nghĩ khác về minh họa vì công việc này không phải làm cho có mà thực tế là luôn góp phần thay đổi hình ảnh, cục diện và làm sang cho tờ báo.

Khi đó, các đơn vị báo chí được nói về tờ báo của mình, thông qua đó mọi người có thể bắt tay làm quen, cộng tác; làm cho minh họa báo chí, xuất bản trong thời gian tới được nâng cao chất lượng, phù hợp với nội dung, tính chất của mỗi tờ báo.

Triển lãm còn có buổi tọa đàm với chủ đề “Minh họa báo chí thời công nghệ số”, đưa ra cảnh báo về sự không thể lưu giữ bản gốc nếu họa sĩ thực hiện tác phẩm bằng bút vẽ điện tử.

Trong khi, việc lưu giữ bản gốc rất cần thiết cả về giá trị kinh tế lẫn sự chia sẻ kinh nghiệm trong đời sống sáng tạo nghệ thuật. Từ đây, chúng tôi cũng muốn đưa ra lời khuyên nên vẽ bằng tay trước sau chụp lại và đưa vào máy xử lý thì vừa giữ được gốc vừa đáp ứng xuất bản.

- Để khẳng định vị trí của mình, bản thân mỗi họa sĩ, nhất là họa sĩ trẻ cần chuyên tâm với nghề như thế nào, thưa ông?

- Trước tiên, tôi muốn nói đến tác phong báo chí của họa sĩ - là có khả năng tác nghiệp tức thì bằng sự nhiệt tâm và tay nghề vững.

Sáng tác nhanh không có nghĩa là ngòi bút hời hợt mà nhiều khi còn bắt gặp ý tưởng lóe lên cùng nét vẽ phóng khoáng mà tạo nên bức tranh độc đáo, sống động. Một người vẽ đẹp nhưng không có tác phong báo chí, cứ khề khà, lúc nào hứng mới làm là thất bại.

Cùng với đó, mỗi thành công thường bắt đầu bằng tài năng nhưng nếu thiếu vốn sống thì tranh sẽ thiếu chiều sâu, nhạt nhòa và người cầm cọ cũng chỉ là thợ vẽ.

Muốn vẽ hay, trúng, thú vị, mỗi người nên đọc nhiều, say mê tác phẩm mình vẽ, bị nhân vật của câu chuyện đó cuốn hút. Khi đó, họa sĩ vẽ từ trái tim, từ sự run rẩy… và tạo thành những đứa con tinh thần đích thực đủ sức chạm đến cảm xúc và sống mãi trong lòng độc giả.

Nhiều minh họa còn được độc giả yêu thích, cất giữ. Trong đó, không ít em nhỏ bắt chước vẽ theo rồi yêu thích và sau này trở thành họa sĩ chuyên nghiệp. Vì vậy, đừng tưởng minh họa báo chí chỉ đơn thuần phục vụ cho bài viết/câu chuyện nào đó, mà còn là lời dẫn dụ, lời mời khích lệ khêu gợi nhiều họa sĩ nhí có thêm tự tin, khát vọng để trở thành họa sĩ thực thụ sau này.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Bình Thanh (thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/minh-hoa-bao-chi-can-nghi-khac-post643830.html