Minh bạch cơ cấu sẽ biết giá vé máy bay có vượt khung hay không

Việc xác định giá vé máy bay nội địa có quá cao hay không phải bắt đầu bằng cách công bố minh bạch cơ cấu giá vé. Tuy nhiên, thay vì làm như vậy, Cục Hàng không lại yêu cầu người mua vé cung cấp tài liệu chứng minh việc họ đã mua vé giá cao.

Trong dịp lễ, tết từ đầu năm đến nay, nhiều người dân cho biết họ phải mua vé máy bay với giá rất cao. Đầu tuần này, Cục Hàng không đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay tuy có tăng so với cùng kỳ năm 2023 nhưng vẫn “nằm trong khung giá quy định”(1).

Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải vẫn yêu cầu Cục Hàng không kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không. Thời hạn tiến hành kiểm tra từ ngày 7 đến 9-5-2024.

20 khoản thuế, phí trong giá vé máy bay gồm những gì?

Cuối tuần trước, Bộ Tài chính công bố các khoản phí thu nộp ngân sách nhà nước đối với chuyến bay nội địa chỉ gồm 165.000 đồng/lượt/dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và 335.000 đồng/lượt/dịch vụ kinh doanh cảng hàng không. Như vậy, tổng cộng mỗi chuyến bay chỉ phải nộp ngân sách khoảng 500.000 đồng(2). Ngoài ra, còn một khoản khác cũng nộp vào ngân sách là thuế giá trị gia tăng (VAT), tổng cộng là có 3 khoản.

Sau công bố của Bộ Tài chính, đến lượt doanh nghiệp quản lý các sân bay là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, theo tính toán của ACV, tiền thu từ các dịch vụ đối với một chuyến bay của máy bay Airbus A320/321 là khoản 3 triệu đồng/chuyến bay, nếu phân bổ cho hành khách đi máy bay thì chỉ khoảng 15.000 đồng/hành khách(3).

Cũng theo Bộ Tài chính, một trong những nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng cao quá mức là do mức thu thuế, phí. Hiện nay, các hãng hàng không phải gánh trên 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp. Đây cũng chính là “điểm mờ” trong cơ cấu giá vé máy bay.

Sở dĩ gọi là “điểm mờ” vì ngoài các khoản phí thu theo quy định đã được công bố rõ thì còn rất nhiều khoản “giá dịch vụ” của ngành hàng không được thu theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải tại Thông tư 53/2019/TT-BGTVT và khung giá vé máy bay nội địa tại Thông tư 34/2023/TT-BGTVT (bổ sung Thông tư 17/2019/TT-BGTVT).

Điểm đáng chú ý nhất là Khoản 3 của Điều 4 của Thông tư 17/2019/TT-BGTVT có quy định: “Giá dịch vụ đối với các dịch vụ tăng thêm do các hãng hàng không quyết định trên cơ sở cân đối khả năng cung cấp dịch vụ của hãng hàng không và nhu cầu của thị trường”.

Như vậy, muốn xác định chính xác cơ cấu giá vé máy bay thì phải liệt kê chi tiết 20 khoản thuế, phí trong giá vé mà đa số được Bộ Giao thông Vận tải cho phép các hãng hàng không được quyền quyết định theo quy định trong Thông tư 17 nói trên.

Hiện nay, ngoài những khoản phí thu vào ngân sách được công bố rõ ràng như phí dịch vụ hành khách 99.000 đồng/vé, phí an ninh soi chiếu 20.000 đồng/vé thì còn hàng chục khoản phí khác do các hãng hàng không thu, thu hộ nhưng không rõ đó là những khoản nào và mức thu là bao nhiêu.

Dù không được công bố chi tiết nhưng khi người viết bài này đặt mua vé máy bay trực tiếp trên website các hãng như Vietjet Air hạng Eco và hạng cao hơn là Skyboss; Vietnam Airlines hạng phổ thông cơ bản và hạng cao hơn là phổ thông linh hoạt thì trong cơ cấu giá vé đã có một số khoản phí do các hãng hàng không thu khá cao.

Chẳng hạn với giá vé một chiều Sài Gòn – Hà Nội đi ngày 20-5-2024, trong giá vé có khoản “phụ thu quản trị hệ thống” 430.000 đồng đối với Vietjet Air và 450.000 đồng đối với Vietnam Airlines. Khi nâng hạng vé từ Eco/phổ thông cơ bản lên Skyboss/phổ thông linh hoạt thì khoản phụ thu này của Vietjet giữ nguyên nhưng Vietnam Airlines tăng lên gấp đôi là 900.000 đồng.

Cần làm rõ giá vé tối đa hay giá vé tối đa bình quân

Đường bay Hà Nội – Sài Gòn thuộc nhóm từ 1.000 đến dưới 1.280 km, mức giá vé tối đa là 3,4 triệu đồng/vé một chiều theo Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT. Tuy nhiên, trong báo cáo của Cục Hàng không cho Bộ Giao thông Vận tải, giá vé được tính trên cơ sở “trung bình hạng phổ thông” chớ không phải trên ghi nhận giá bán ra thực tế.

Đây chính là điểm cần làm rõ vì với chặng nêu trên thì hạng vé phổ thông Skyboss của Vietjet có giá chưa bao gồm VAT và các loại thuế phí là 4.090.000 đồng và vé phổ thông linh hoạt của Vietnam Airlines là 3.478.000 đồng. Nếu tính trên giá bán ra thực tế thì cả hai loại vé này đều vượt mức trần 3,4 triệu đồng theo quy định của Thông tư số 34/2023.

Cần lưu ý trong Thông tư số 34/2023 chỉ có khái niệm khung giá vé (giá trần), không có quy định nào liên quan đến cách tính giá vé tối đa bình quân như trong báo cáo của Cục Hàng không. Vì vậy, đây cũng là một điểm các cơ quan chức năng quản lý nhà nước cần làm rõ xem liệu cách tính bình quân có được chấp nhận trong trường hợp này hay không.

Khác với các loại dịch vụ khác, tất cả vé máy bay khi bán ra đều được lưu trữ chi tiết từng khoản thu, thu hộ và có thể tra cứu dễ dàng. Muốn xác định giá vé máy bay có quá cao hay không, có bán vượt khung hay không phải dựa trên cơ cấu toàn bộ các khoản giá dịch vụ, thuế, phí trong giá vé máy bay.

Với chức trách quản lý nhà nước của mình, Cục Hàng không phải yêu cầu các hãng hàng không cung cấp thông tin giá vé đã bán lưu trên hệ thống thay vì kêu gọi hành khách chứng minh đã mua vé giá cao.

Điều quan trọng hơn là cơ quan này phải rà soát xem các khoản phí và mức phí mà các hãng hàng không đang thu có hợp lý hay không, những khoản phí nào cần giảm hoặc bất hợp lý, cần loại bỏ để giảm gánh nặng cho giá vé máy bay.

——————–

Song Nghi

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/minh-bach-co-cau-se-biet-gia-ve-may-bay-co-vuot-khung-hay-khong/