Miền tưởng niệm thẳm sâu

Còn nhớ lần tôi tìm mộ người thân của bạn là kiến trúc sư Cao Việt Dũng ở Hà Nội. Anh có chú ruột là liệt sĩ Cao Mười hy sinh tại Quảng Trị khi tuổi mới đôi mươi vừa rời ghế nhà trường. Chúng tôi vào Hải Lăng cải táng giữa bời bời cát trắng. Khi đưa hài cốt lên tàu hỏa, tôi cầm theo mấy chai rượu Kim Long đưa cho bạn và dặn Cao Việt Dũng: 'Ra tới nơi khi mai táng nhớ rót rượu quê Quảng Trị cho chú nhé!'. Mấy đứa tôi lên tàu, dùng dằng chia tay, tàu Thống Nhất chỉ dừng lại ga Đông Hà vài phút rồi tiếp tục hành trình. Vậy là tiễn chú Cao Mười ra tận ga Đồng Hới mới quay về. Nhớ lại vẫn rưng rưng!

CCB bên độc bản kỳ thư Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: P.X.D

Cách đây đúng 65 năm, giặc Pháp đã tiến hành hai cuộc thảm sát ở làng Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng đã cướp đi 526 mạng người Mỹ Thủy vào năm 1948, chính xác là vào ngày 19/3 và 8/4/1948.

Trên bia chứng tích hôm nay của một di tích quốc gia ở Mỹ Thủy chỉ ghi ngắn gọn hơn sáu mươi chữ về tội ác trời không dung, đất không tha để tạc vào đất trời và lòng người các thế hệ về vụ thảm sát lịch sử : “Với âm mưu dập tắt lòng yêu nước và phong trào cách mạng của Nhân dân Quảng Trị, trong hai ngày 19-3 và 8-4, quân đội Pháp tổ chức cuộc hành quân quy mô lớn đã càn quét và thảm sát một cách man rợ thôn Mỹ Thủy làm chết 526 thường dân vô tội, trong đó có nhiều người già, phụ nữ và trẻ em”.

Và miền tưởng niệm thẳm sâu Quảng Trị là cảm hứng bất tận cho văn học nghệ thuật. Thương tiếc những người dân yêu nước, một lòng trung trinh với cách mạng và kháng chiến, nhà thơ Quảng Trị Dương Tường đã viết bài thơ “Tiếng hàng dương Mỹ Thủy” vào năm 1949. Những câu thơ thác lời cây dương làng biển thống thiết và căm hờn vang lên như những hồi chuông tưởng niệm những đồng bào đã khuất: “Ta, cây dương Mỹ Thủy/Kể lể thù năm xưa/Lời thấm vào xương tủy/Vang ngân dài muôn thu.../Muôn đời sau dằng dặc/Có khuây hận thù xưa/Ta gởi trời vi vút/Thương xót đến bao giờ”.

Trong kháng chiến chống Mỹ tên tuổi anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm đã được biết đến nhiều. Nhà thơ Thu Bồn chỉ ghé qua huyện Triệu Hải ít ngày mà đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết hai tập “Dưới đám mây màu cánh vạc” tái bản đến mấy lần, được dịch giả Xô viết dịch sang tiếng Nga.

Cuốn sách này được nhiều người ưa thích bởi yếu tố kỳ ảo được sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật hợp lý, tạo nên một tác phẩm khá thành công theo ý kiến của nhà phê bình Vương Trí Nhàn. Ông còn cho rằng vì tác giả là con đẻ của chiến tranh nên khi gặp câu chuyện anh hùng Trần Thị Tâm, dù chỉ qua thực tế sáng tác vài ngày, Thu Bồn vẫn viết nên một cuốn tiểu thuyết khá đầy đặn về một người con gái kiên cường, bất khuất của quê hương Quảng Trị, ấy là nhờ vốn sống, kinh nghiệm sống của mình qua chiến tranh. Nhiều trường học, đường phố ở Quảng Trị mang tên người liệt nữ Mỹ Thủy như là một chứng chỉ tâm linh uống nước nhớ nguồn.

Trong bài thơ “Viết từ Thành Cổ” lấy cảm hứng từ đất thiêng Quảng Trị, nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Quý viết rằng: “Đêm trộn ngày, ngày trộn vào đêm, máu hòa máu trộn vào từng nắm đất. Những dòng máu chảy qua vỡ nát-cỏ nhú mùa xuân như ngực dậy thì. Cỏ là giấc mơ đã bị lấp vùi, là câu hát trái tim chưa hát, là bâng khuâng anh chưa kịp gửi, những khát khao chẳng được nảy mầm. Cỏ là em nghìn đêm anh chưa gặp, muốn hôn lên mái tóc thơm nồng thèm chạm vào đáy thắt lưng ong những mềm mại nõn nà anh mơ mộng...”.

Dâng hương Tượng đài di tích Thành Cổ Quảng Trị - Ảnh: P.X.D

Ở đây, trong bài thơ “Cỏ non Thành Cổ” theo cách nói của nhạc sĩ Tân Huyền đã hiện thân và hóa thân thành “anh” và “em”, thành đối thoại khắc khoải của tình yêu đôi lứa. Và giấc mơ lứa đôi lẽ ra hoàn toàn có thể thành sự thật nếu như, vâng, nếu như không có chiến tranh. Cái giả định nghiệt ngã không một người nào có lương tri mong muốn ấy đã xảy ra.

Tất cả đã biến đổi không ngờ: “Cỏ Thành Cổ, ơi cỏ non Thành Cổ- nhịp tim xanh dưới trăng khuyết mong manh làm dịu lại bao vết thương nhức nhối. Ngọn cỏ cuối cùng trút cho anh hơi thở chuyển hồn quê vào khúc lữ trình đêm. Máu khai sinh một dòng sông dưới cỏ tiếng khóc đầu đời vọng mọi làng quê. Đêm thao thức trắng tận cùng thao thức, đêm lẻ loi đen chạm đáy lẻ loi đêm chảy xiết đôi bờ sụt lở, khi vỡ òa giọt máu hồi hương...”.

Đoạn thơ và cả bài thơ như một khúc tự tình của cỏ, mà cỏ ở đây là cỏ Thành Cổ, cỏ thiêng của cõi thiêng, gợi niềm xót xa về những hy sinh, mất mát không thể nào nói hết của những tình yêu mãi mãi dang dở bởi chiến tranh vệ quốc. Người chết thì không thể trở về, chỉ có thể mượn cỏ gởi hồn để gởi về theo ngọn đèn chờ đợi như “giọt máu hồi hương”.

Niềm cỏ rưng rưng dưới chân Thành Cổ Quảng Trị như một tưởng niệm thân mềm về những anh linh đã ngã xuống nước non đất Việt, dằng dặc bao năm trong mỗi bước chân người.

“Dòng sông đỏ chảy về nguồn mẹ, soi hoàng hôn điệp điệp bông lau. Trăng câu liêm đưa nhịp võng kéo cà, hoa cỏ tím bập bênh tiếng trẻ. Tiếng trẻ khóc, trời ơi tiếng trẻ? Xin một lần được khóc với o... oa...Trăng quên khuyết. Cỏ quên mình cỏ đắng. Nối đôi miền sâu thẳm lại bên nhau...”.

Nhắc đến những tác phẩm hay, nổi bật trong thi ca hiện đại viết về đề tài liệt sĩ, hẳn nhiều người không quên một tác phẩm độc đáo và nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý được lấy cảm hứng từ Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn ở miền quê Quảng Trị. Bài thơ đoạt giải Nhì cuộc thi thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996 (không có giải Nhất). Bài thơ đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc.

Mười nghìn liệt sĩ đó là con số (làm tròn) ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn nằm ở huyện Gio Linh. Đó là con số quá ấn tượng khi nói về một nghĩa trang, hơn thế, là nghĩa trang liệt sĩ. Những người nằm lại đây là một vạn nghĩa sĩ trận vong, anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Cụm từ “mười nghìn” đã thành “chìa khóa” và “từ khóa” để nhà thơ Nguyễn Hữu Quý tạo dựng bài thơ vừa có sức khái quát cao lại vừa có những biểu cảm ấn tượng, cụ thể của những số phận khác nhau, chỉ giống nhau ở một điều lớn lao, cao cả: họ đã xả thân vì độc lập, tự do và cùng về an nghỉ một nơi chốn vĩnh hằng.

Từ đó, nhà thơ liên tưởng: “Mười nghìn ngọn đèn thắp miền giông bão/Mười nghìn bếp ấm giữa lòng rừng xanh/Mười nghìn cơn mưa mười nghìn cơn nắng/ Mười nghìn trận sốt bạc rừngnguyên sinh/Mười nghìn chiếc gậy của thời đôi mươi/Mười nghìn nếp nhăn hằn lên trước tuổi/Mười nghìn vết đau mười nghìn vòng trắng”...

Cứ thế nhà thơ dẫn dắt cảm xúc người đọc đến với sự sẻ chia đau đáu, đến với niềm ngưỡng vọng khôn nguôi với những người đang nằm dưới mộ. Phải có một thi pháp vững vàng mới có thể làm chủ được một đề tài lớn về tâm linh, khiến người đọc không mệt mỏi nhàm chán, mà trái lại được tiếp nhận những cảm xúc thẩm mỹ độc đáo và tươi mới, được “ngộ ra” từ một cách nhìn đầy phát hiện của thi ca về liệt sĩ.

Đó không chỉ là sự đếm thông thường, dù ở mức ấy thôi cũng đã lay động trái tim, mà cao hơn là những khắc khoải vừa rất thực, rất đời thường của mỗi số phận nằm trong vạn nghìn số phận, lại vừa lung linh nhói buốt trước lớn lao, kỳ vĩ. “Mười nghìn mái tóc bị phát quang dần/Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn/Mười nghìn bài ca trong bài ca lớn/Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc/Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta/Mười nghìn con đò thương về bến đợi/Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa...”.

Và câu cuối như một nỗi xót xa đằng đẵng, như một lời nguyện cầu, mong mỏi của người Việt, dù còn sống hay đã thành người thiên cổ: “Mười nghìn khát vọng được về bên nhau!”.

Phạm Xuân Dũng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phong-su-ghi-chep/mien-tuong-niem-tham-sau/179539.htm