Miền Trung vẫn thiếu "hậu phương công nghiệp"

Theo các chuyên gia, không có “hậu phương công nghiệp” và khi đô thị còn kém phát triển, lợi thế cảng biển và nỗ lực phát triển cảng của các tỉnh đang trở thành sự lãng phí to lớn và cản trở phát triển kinh tế vùng.

Toàn vùng chưa có "hậu phương công nghiệp" mạnh đúng nghĩa

Tại Diễn đàn kinh tế miền Trung 2017, PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện kinh tế Việt Nam, nhóm tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung cho rằng toàn vùng có 6 khu kinh tế ven biển, diện tích quy hoạch 152.000 ha.

Kinh tế vùng tập trung chủ yếu vào các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, du lịch, lọc hóa dầu nhưng chưa được khai thác đáng kể. Ngoài ra, vùng còn có một khu công nghệ cao (Đà Nẵng); 37 khu công nghiệp, trong đó chỉ mới 22 Khu đi vào hoạt động, với diện tích đất đã cho thuê 5.588 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy chỉ 42%.

Theo TS. Trần Đình Thiên, toàn vùng có 9 tỉnh, dù có rất nhiều Khu Kinh tế (KKT) và Khu Công nghiệp (KCN), trừ một vài tọa độ công nghiệp tương đối phát triển – như Trường Hải ở Chu Lai và Lọc hóa dầu Bình Sơn ở Dung Quất thì cả vùng chưa có hậu phương công nghiệp đúng nghĩa. Sự dày đặc các KKT ven biển và các KCN của vùng không phải là một chỉ báo chứng tỏ vùng đã có một “hậu phương công nghiệp” mạnh.

Không có “hậu phương công nghiệp” và khi đô thị còn kém phát triển, lợi thế cảng biển và nỗ lực phát triển cảng của các tỉnh đang trở thành sự lãng phí to lớn và cản trở phát triển, thậm chí còn gây hiệu ứng “cạnh tranh cùng xuống đáy”. Kéo theo đó là một vòng luẩn quẩn phát triển đang hình thành ở vùng kinh tế nhiều lợi thế và tiềm năng này: càng ra sức đầu tư phát huy lợi thế, sức hấp dẫn đầu tư càng bị phân tán, xu hướng cạnh tranh “cùng xuống đáy” giữa các tỉnh lại càng khốc liệt.

"Đó thực sự là một nguy cơ phát triển không nhỏ của vùng, cần được đặt ra một cách thẳng thắn, phải được mổ xẻ nghiêm túc", ông Thiên nói.

Đồng thời, ông cho rằng các lợi thế và điều kiện phát triển căn bản của vùng trong điều kiện hội nhập, mở cửa, ví dụ như cảng biển hay tài nguyên du lịch - vẫn chưa được phát huy. Các địa phương vẫn đang “loay hoay” với vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tỉnh nào cũng đặt mục tiêu sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại nhưng chân dung cơ cấu rất "nhòe”, không rõ cơ cấu kinh tế hiện đại cụ thể của địa phương mình là gì, càng không rõ cơ cấu kinh tế hiện đại của cả vùng là thế nào.

Vùng có nhiều cảng biển, song kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt xấp xỉ 5,5 tỷ USD, chiếm 3,1% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Kết quả này phản ánh trình độ và năng lực phát triển công nghiệp còn hạn chế của vùng.

Do đó ông Thiên đề nghị cần chọn Chu Lai – Dung Quất là tọa độ ưu tiên phát triển Công nghiệp – Cảng biển (thành một Khu Kinh tế thống nhất), xác lập một số cơ chế, chính sách đặc thù đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư lớn (như hoặc gần như Vân Phong). Đồng thời, uu tiên phát triển hạ tầng, gồm cả hạ tầng giao thông, hạ tầng thông tin, hạ tầng đô thị - gắn với kết nối quốc tế cho các vùng tọa độ ưu tiên, cụ thể là nối với Vân Phong và Chu Lai – Dung Quất.

Cần ưu tiên đầu tư vào một trung tâm logistics của vùng tại Đà Nẵng

Làm rõ vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Thành thống kê tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và vận tải hàng hóa của vùng kinh tế trọng điểm (VKTTĐ) miền Trung trong 15 năm qua, mặc dù cao ở mức 2 chữ số, nhưng vẫn thấp hơn so với phía Bắc và phía Nam. Hàng hóa luân chuyển VKTTĐ miền Trung (tính theo tấn/km) tăng với tốc độ bình quân 12,8%/năm trong giai đoạn 2000 - 2014, so với 20,5%/năm ở VKTTĐ phía Bắc và 29,4%/năm ở VKTTĐ phía Nam.

Năm 2014, kim ngạch XNK bình quân của VKTTĐ miền Trung là 1.104 USD/người, chỉ bằng 21% so với VKTTĐ phía Bắc và 15% của VKTTĐ phía Nam. Tương tự trong năm 2014, hàng hóa luân chuyển bình quân của VKTTĐ miền Trung là 1.254 tấn-km/người, bằng 36% so với VKTTĐ phía Bắc và 33% của VKTTĐ phía Nam.

TS. Thành đánh giá chi phí logistics cao, cơ sở hạ tầng logistics nhỏ và phân tán là yếu tố cản trở cho hoạt động vận tải, kho bãi và xuất nhập khẩu ở VKTTĐ miền Trung. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng logistics, đặc biệt là hệ thống giao thông và kho bãi phải là ưu tiên của vùng.

Tuy nhiên, nếu vẫn tiếp tục đầu tư mang tính dàn trải, tỉnh nào cũng có và coi sân bay quốc tế, cảng biển nước sâu, trung tâm logistics của mình là đầu mối và lượng hàng hóa tiếp tục bị phân tán thì hiệu quả từ việc thực hiện các khoản đầu tư khổng lồ sẽ không có.

Vì vậy, cả vùng cần xác định và tập trung ưu tiên đầu tư vào một trung tâm logistics hàng đầu, đặt tại chính trung tâm kinh tế lớn nhất của vùng là TP Đà Nẵng. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên cả nước. Khu Logistics tại Hòa Nhơn cần được xác định là Trung tâm Logistics hạng I của cả VKTTĐ miền Trung.

Khổng Chiêm

Nguồn NDH: http://ndh.vn/mien-trung-van-thieu-hau-phuong-cong-nghiep--20170925043433401p145c151.news