Miền Trung: Nỗ lực khắc phục mưa lũ

Cho đến chiều tối 14-10, trên địa bàn các tỉnh miền Trung mưa bắt đầu giảm, nước rút dần. Các địa phương nỗ lực dọn dẹp tàn tích do mưa lũ để lại, sớm ổn định cuộc sống.

Tại Hà Tĩnh, do mưa lớn kéo dài và nước từ thượng nguồn đổ về mạnh khiến nhiều vị trí đất bờ sông Ngàn Mọ ở thôn Trung Thành, Trần Phú, Phương Trứ xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) bị sạt lở, cuốn trôi. Đặc biệt, tại thôn Phương Trứ, có những vị trí sạt lở kéo dài 50-200m, ăn sâu vào đất vườn, gây sạt lở công trình phụ và chỉ cách nhà ở chính của hộ dân 2,5m, trực tiếp đe dọa nguy hiểm cho người và tài sản.

Người dân và lực lượng chức năng gia cố sạt lở bờ sông Ngân Mỹ ở xã Cẩm Duệ (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh). Ảnh: DƯƠNG QUANG

Để đảm bảo an toàn, ngày 14-10, chính quyền xã Cẩm Duệ huy động hơn 200 người gồm lực lượng chức năng và nhân dân địa phương cùng các phương tiện vận chuyển 100 khối đá hộc, 50 chiếc lưới thép, hàng trăm cọc tre các loại tổ chức khắc phục, gia cố khẩn cấp các vị trí sạt lở nghiêm trọng dọc bờ sông Ngàn Mọ ở thôn Phương Trứ.

Cùng ngày, chính quyền xã Sơn Giang (huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) huy động khoảng 50 người dân và lực lượng chức năng tổ chức khắc phục, gia cố sạt lở bờ tràn xung yếu đập Quát.

Tại Thừa Thiên Huế, lực lượng xung kích cùng hàng trăm người dân xã Phú Diên, huyện Phú Vang tiến hành san đất, chèn đá và bao tải cát, khắc phục tạm thời các tuyến đường dân sinh tại địa phương này bị sạt lở do mưa lớn.

Ông Hoàng Văn Vy, Chủ tịch UBND xã Phú Diên cho biết, cùng với tuyến bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, các tuyến đường dân sinh của địa phương có 7 điểm bị sạt lở với chiều dài 50m, sâu 5-7m.

Khẩn cấp san đất khắc phục tạm thời tuyến đường dân sinh tại xã Phú Diên (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) sạt lở do mưa lớn

Trước mắt, UBND xã đề nghị tỉnh hỗ trợ 50m3 đá hộc, 50 rọ thép, 1.200m vải địa kỹ thuật để gia cố, khắc phục khẩn cấp tại các vị trí sạt lở đường dân sinh nhằm ổn định cuộc sống người dân.

Tại Quảng Nam, ngày 14-10, Sở GTVT tỉnh Quảng Nam bố trí người và phương tiện đến san gạt một phần đất đá sạt lở trên đèo Le để thông xe bước 1 cho tuyến ĐT611. Sở cũng huy động công chức thanh tra phối hợp phân luồng giao thông ở hai đầu khu vực sạt lở, hướng dẫn phương tiện qua lại an toàn.

Khu vực sạt lở tại đèo Le nối 2 huyện Nông Sơn và Quế Sơn của tỉnh Quảng Nam đã được thông xe tạm. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Trong khi đó, mưa lớn trong nhiều ngày qua khiến nước dâng cao trên tuyến Quốc lộ 14H. Tại Km25 thuộc xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên) bị ngập sâu từ 0,4-0,7m, khiến giao thông bị ách tắc hoàn toàn. Một đoạn trên tuyến Quốc lộ 14H thuộc TP Hội An và huyện Duy Xuyên bị ngập khoảng 0,3-0,5m. Vùng áp thấp mới hình thành trên biển cũng khiến tuyến đường thủy nội địa Hội An – Cù Lao Chàm dừng hoạt động vận tải hành khách, các tuyến khác bị hạn chế.

Nhiều đoạn trên tuyến Quốc lộ 14H bị ngập nặng. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG

Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam cho biết, qua quan trắc, mô hình độ ẩm đất cho thấy các địa phương trong tỉnh đã đạt trạng thái gần bão hòa (trên 90%) và bão hòa. Do đó, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ vùng núi, sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại khu vực các huyện miền núi của tỉnh ở mức cao.

Nhiều người chết do lũ cuốn

Sáng 14-10, lực lượng chức năng và người dân ở xã Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đã tìm thấy thi thể em Thái Văn V. (sinh năm 2010, trú thôn 3) trên sông Rác, cách hiện trường gặp nạn khoảng 200m. Trước đó, chiều 13-10, em V. đi trên cầu tạm bắc qua sông Rác, thuộc địa bàn thôn 4, xã Cẩm Lĩnh thì bị trượt chân, rơi xuống sông. Mặc dù em V. đã cố gắng bơi vào bờ nhưng do mưa lớn, nước trên sông Rác dâng cao và chảy xiết cuốn mất tích.

Trong khi đó, sáng sớm 14-10, trên tuyến đường liên xã thuộc xã Quảng Phước - Quảng An thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, chị T.T.A. (trú xã Quảng An, huyện Quảng Điền) cùng con di chuyển trên xe máy qua tuyến đường ngập sâu, không may bị nước lũ cuốn trôi. Phát hiện sự việc, người dân ở gần đó thông báo và phối hợp lực lượng chức năng cứu hộ 2 mẹ con an toàn. Tính đến chiều 14-10, tỉnh Thừa Thiên Huế có 2 người chết do mưa lớn.

* Chiều 14-10, ông Lê Hải Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu (Nghệ An) cho biết, vừa đề nghị UBND tỉnh và cơ quan chức năng hỗ trợ đánh giá nguyên nhân gây ra trận lũ lịch sử ngày 27-9, trong đó xem xét quy trình xả lũ của các thủy điện Nhạn Hạc, Nậm Pông, Châu Thắng.

Ngoài đề nghị tìm nguyên nhân, huyện Quỳ Châu cũng đề nghị hỗ trợ để trang bị 21 xuồng cứu hộ composite loại 2-4 người, 10 xuồng cứu hộ composite có máy đẩy loại 8-10 người; hỗ trợ các gia đình có nhà bị hư hỏng, khôi phục sản xuất nông nghiệp, giao thông,…

Trận lũ lịch sử ngày 27-9 xảy ra tại huyện Quỳ Châu khiến 1 người chết, 1.371 nhà bị ngập và hư hỏng, hơn 850ha lúa bị thiệt hại, 776 con gia súc và hơn 23.000 gia cầm bị chết,… Tổng thiệt hại ước tính hơn 142 tỷ đồng.

DUY CƯỜNG -DƯƠNG QUANG – VĂN THẮNG

DƯƠNG QUANG

NGUYỄN CƯỜNG

VĂN THẮNG

DUY CƯỜNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mien-trung-no-luc-khac-phuc-mua-lu-post709829.html