Miền quê đáng sống

Ngày 8/11/1953, xã Lam Cốt (Tân Yên) được thành lập. Nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ từ cấp trên, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, xã Lam Cốt đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2018 và xã NTM nâng cao (năm 2023), trở thành miền quê đáng sống.

Giàu truyền thống cách mạng

Xã Lam Cốt nằm ở phía Tây, cách trung tâm huyện Tân Yên 10 km. Xã có 19 thôn với gần 8 nghìn nhân khẩu. Theo Lịch sử Đảng bộ xã, Lam Cốt ngày nay được hợp thành từ xã Lam Quật, tổng Vân Cầu và xã Lãn Quật, tổng Lan Giới. Nhân dân Lam Cốt có truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, anh dũng kiên cường chống giặc ngoại xâm.

Trường Tiểu học Lam Cốt vừa được đầu tư xây mới với tổng kinh phí 27,7 tỷ đồng.

Cách đây gần 2 nghìn năm, địa bàn xã là nơi bà Dương Thị Giã (nữ tướng trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng) chiêu binh. Thời kỳ nhà Mạc, đây là vùng đất có ảnh hưởng của 18 vị quân công họ Dương giúp vua đánh giặc. Trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913), Lam Cốt có 11 tướng lĩnh trong nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám, là xã có số lượng tướng lĩnh nhiều thứ hai trong toàn huyện.

Đồng chí Dương Anh Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Lam Cốt chia sẻ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Lam Cốt tự hào là một trong những cơ sở cách mạng đầu tiên của Đảng bộ huyện Tân Yên từ những năm 1938-1945. Nơi đây nuôi giấu, che chở, bảo vệ nhiều cán bộ T.Ư và địa phương. Tại thôn An Liễu (khi đó là ấp Yên Lý, xã Lý Cốt), dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hà Thị Quế (nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), tháng 9/1944, Chi bộ Đảng được thành lập, đây là một trong hai chi bộ Đảng ra đời đầu tiên của huyện Yên Thế xưa (sau này tách thành 2 huyện: Tân Yên và Yên Thế).

NHỮNG PHẦN THƯỞNG CAO QUÝ

+ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Pháp (phong tặng năm 2001).

+ Trong kháng chiến chống Mỹ được tặng thưởng: 1 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, 2 Huân chương Lao động hạng Ba.

+ Trong công cuộc đổi mới được tặng thưởng: Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2004); Huân chương Lao động Hạng nhất (năm 2013).

+ 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 1998 và 2012); 1 cờ “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2006” của Chính phủ.

+ 5 Cờ thi đua của UBND tỉnh Bắc Giang cùng nhiều Bằng khen, phần thưởng khác của các bộ, ngành, đoàn thể T.Ư và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.

Từ khi có Chi bộ lãnh đạo, phong trào cách mạng nơi đây dâng cao. Các xã: Lam Cốt, Phúc Sơn, Tân Trung là những điểm sáng, cái nôi của phong trào cách mạng Yên Thế khi đó. Tại thôn An Liễu, nhiều lớp tập huấn cán bộ cách mạng đã được tổ chức.

Đội tự vệ Lam Cốt là nòng cốt trong nhiều hoạt động như đánh đồn điền Cử Phách; chặn thuyền thóc của Nhật trên kênh Chính ở Lữ Vân (xã Phúc Sơn ngày nay); 3 lần tham gia đánh chiếm phủ lị Yên Thế, giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ và nhân dân xã Lam Cốt đã tích cực chống giặc đói, giặc dốt và chống giặc ngoại xâm. Lam Cốt thành lập đội du kích cơ động, lập làng chiến đấu. Địa bàn Lam Cốt, Phúc Sơn đã diễn ra nhiều trận chống càn của du kích Lam Cốt, Phúc Sơn và Bộ đội Thiên Đức (Tiểu đoàn Thiên Đức, tỉnh Bắc Ninh) với giặc Pháp.

Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, phát huy truyền thống anh hùng, lớp lớp người con quê hương Lam Cốt lên đường vào chiến trường miền Nam đánh giặc. Lam Cốt là một trong những địa phương đi đầu của huyện Tân Yên trong phong trào “Thóc không thiếu cân, quân không thiếu một người”, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ghi nhận, biểu dương những thành tích xuất sắc của Đảng bộ, quân và dân Lam Cốt, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Pháp cho nhân dân và lực lượng vũ trang Lam Cốt. Trong kháng chiến chống Mỹ được Nhà nước tặng 1 Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, 2 Huân chương Lao động hạng Ba.

Chung tay xây dựng NTM

Đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 20/11/1945, các xã: Lam Cốt, Lãn Quật và Lý Cốt hợp nhất thành xã Phúc Sơn. Ngày 8/11/1953, xã Phúc Sơn tách thành hai xã: Phúc Sơn và Tân Sơn. Ngày 25/4/1969, xã Tân Sơn đổi tên thành xã Lam Cốt và giữ cho đến ngày nay.

Cánh đồng cây vụ đông ở thôn Kép Vàng.

Đồng chí Phùng Văn Thiêm (SN 1928), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tân Sơn (xã Lam Cốt sau này, từ năm 1957-1966), nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên nhớ lại: “Những năm đầu thành lập, Lam Cốt gặp rất nhiều khó khăn vì nơi đây nhiều rừng núi, ruộng đất canh tác ít. Xã không có trụ sở, cán bộ phải làm việc nhờ nhà dân. Sau năm 1958, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, cán bộ xã huy động người dân phá bờ thửa, đắp bờ vùng, cải tạo đồng ruộng, đào kênh mương dẫn nước tưới tiêu, tăng gia sản xuất ”.

Dù gặp nhiều trở ngại nhưng với tinh thần đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng, nỗ lực phấn đấu, khắc phục gian khó, sau 37 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lam Cốt đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển KT-XH. Năm 2018, Lam Cốt được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang công nhận đạt chuẩn xã NTM.

Ngay sau khi đạt chuẩn NTM, Đảng ủy, HĐND xã ban hành Nghị quyết; UBND, Ủy ban MTTQ, các ngành, đoàn thể trong xã thường xuyên phát động các phong trào thi đua, xây dựng các mô hình gắn với xây dựng xã NTM nâng cao. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng, mục đích và ý nghĩa của nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao để tạo sự đồng thuận.

Nhà máy may của Công ty cổ phần Đầu tư Sơn Hà tạo việc làm cho nhiều lao động trong xã.

Sau rà soát, xã tập trung thực hiện một số tiêu chí: Sản xuất, giáo dục, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường. Trong đó, chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung. Chuyển dần từ sản xuất hộ nhỏ lẻ sang hình thức sản xuất có liên kết theo tổ, nhóm hộ sản xuất, hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2022 đạt từ 140-150 triệu đồng/ha/năm, tăng 30-35% so với sản xuất truyền thống. Xã triển khai nhiều mô hình, sản phẩm mới như: Măng lục trúc, nấm sò (đạt sản phẩm OCOP 3 sao), thanh long ruột đỏ, nhãn, ổi, bơ... Chăn nuôi phát triển theo quy mô trang trại, gia trại. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ đang từng bước phát triển.

Trên địa bàn xã có 1 doanh nghiệp may với hơn 500 lao động. Dịch vụ phát triển ở khu trung tâm cầu Chản, chợ Đình Tế, mở rộng trong các thôn với hơn 400 hộ, 1,3 nghìn lao động tham gia. Năm 2023, ước thu nhập bình quân đầu người đạt 51,17 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 17,3 triệu đồng so năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn 2%, giảm 0,78% so với năm 2022.

Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư bê tông hóa tương đối hoàn chỉnh, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương. Đến nay, cơ bản các tuyến đường trục thôn, ngõ xóm, khu đông dân cư đều có điện thắp sáng. 3 trường học (mầm non, tiểu học, THCS) của xã đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Các khu trung tâm văn hóa thôn khang trang sạch đẹp, xã hỗ trợ đầu tư lắp đặt các dụng cụ luyện tập thể thao ngoài trời, đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, thể thao của người dân.

Làng quê khởi sắc

Về Lam Cốt hôm nay, đi trên những con đường mới thênh thang sạch đẹp, băng qua cánh đồng xanh, ẩn hiện những ngôi nhà, công trình trường học khang trang mới thấy được sự đổi thay của vùng quê này.

Hệ thống giao thông trên địa bàn xã Lam Cốt được xây dựng đồng bộ.

Bà Dương Thị Xuyến, thôn Vân Chung chia sẻ: “Được các cấp quan tâm, hỗ trợ nên người dân trong xã cũng hăng hái tham gia xây dựng các công trình. Từ năm 2019 đến nay, mỗi hộ trong thôn Vân Chung góp từ 3 triệu đồng trở lên, chưa kể ngày công, hiến đất. Chúng tôi rất vui, vì số tiền đó được đầu tư vào những công trình phục vụ cho chính bà con mình”. Với tinh thần chung tay xây dựng NTM, từ năm 2019 đến nay, Lam Cốt đã huy động hơn 160,6 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp hơn 31,2 tỷ đồng.

Xuất phát từ một chi bộ Đảng, đến nay Đảng bộ Lam Cốt có 332 đảng viên, sinh hoạt tại 25 chi bộ. Trải qua 33 kỳ đại hội, tổ chức Đảng và hệ thống chính trị xã Lam Cốt ngày càng vững mạnh. Hoạt động của UBND xã đổi mới theo hướng kiến tạo, hành động, đồng hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Với những kết quả đạt được trên các mặt hoạt động, năm 2023, Lam Cốt được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Nhằm kết nối giao thương, thúc đẩy KT-XH của Lam Cốt phát triển nhanh, bền vững, vừa qua, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch Khu công nghiệp Phúc Sơn, trong đó hơn nửa diện tích thuộc xã Lam Cốt. Cùng với nâng cấp tuyến đường tỉnh 297, đường liên xã từ Cao Xá đi Lam Cốt, đường kênh Chính, tỉnh đang xây dựng đường nối quốc lộ 37-17 đi Võ Nhai - Thái Nguyên (có 3,6 km qua địa bàn xã).

Đồng chí Đồng Văn Phái, Chủ tịch UBND xã Lam Cốt cho biết, phát huy truyền thống anh hùng trong đấu tranh cách mạng, vận dụng sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên trong xây dựng NTM, qua 70 năm chiến đấu, xây dựng và phát triển, với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong xã đoàn kết, quyết tâm xây dựng và phát triển Lam Cốt trở thành miền quê đáng sống. Phấn đấu xây dựng xã Lam Cốt đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2025 -2030, đưa địa phương tiếp tục đi lên, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài, ảnh: Thế Đại

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/414368/mien-que-dang-song.html