Miên man tháng đầu niên khóa

Tròn một tháng, kể từ ngày khai giảng niên khóa 2023-2024. Một tháng có những câu chuyện giáo dục bộn bề. Dư luận thì nhiều chiều, song nghĩ đến nội dung trong và ngoài nhà trường, lại thấy ít nhiều… 'vương mang'!

1. Ngày trước đi dạy học, mái trường tôn thấp lè tè, bàn ghế xiêu vẹo. Muốn cải thiện một chút về cơ sở vật chất, thầy hiệu trưởng phải ngược xuôi vận động từ nguồn ngân sách chi rất ít ỏi cho giáo dục. Tuyệt nhiên không dám đụng đến túi tiền phụ huynh. Rất nhiều khi quý vị phụ huynh áy náy, muốn đề xuất đóng góp việc này việc nọ, nhà trường chỉ nói lời cảm ơn và từ chối.

Dĩ nhiên, chuyện mỗi thời mỗi khác, không ai phủ nhận. Nhưng căn bệnh lạm thu trầm kha suốt bao năm, nhiều trường tìm mọi cách “vận động” phụ huynh đóng tiền bằng cách “đi vòng” qua quỹ của hội cha mẹ học sinh, theo hình thức được cho là tự nguyện, vẫn cứ tái diễn càng ngày càng trầm trọng. Khi dư luận lên tiếng chỉ trích phê phán, đến nỗi phải đem tiền đi trả lại trong đêm, thì quả là một “vết thương” liên quan đến giáo dục khó chấp nhận.

Ai cũng muốn con em mình có điều kiện học tập tốt hơn, nhưng sự bất hợp lý trong các khoản thu ấy không khó nhìn ra. Vậy là sinh thị phi, và điều ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng là môi trường giáo dục, hình ảnh của nhà trường. Tất nhiên, với sự nhận thức của học sinh hiện nay, điều đó gây ra ít nhiều tổn thương, đó là chưa kể sự tự ái mặc cảm của quý thầy cô, vốn là những người gắn bó và nhiệt huyết ngày đêm để mang lại tri thức cho các em.

Bởi thế, câu chuyện lý và tình trong việc vận động thu tiền từ phụ huynh, mong sao được chấn chỉnh để hài hòa. Nhất là phải tuyệt đối cấm việc dùng một số phụ huynh khá giả làm… “mồi”, để từ đó gây ra khó khăn cho những phụ huynh khác, về cả mặt tâm lý lẫn vật chất!

2. Câu chuyện kiểm tra bài học cũ mỗi đầu giờ học (thường gọi là kiểm tra miệng) cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Song theo thiển ý của người viết, nếu lấy khẩu hiệu “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” để xóa nhòa câu chuyện lo học bài cũ của các em, lại có vẻ hơi khập khiễng. Vấn đề trọng tâm của các em khi đến trường vẫn là học tập. Mà đã như thế thì phải lo học, chứ không phải cho rằng kiểm tra miệng sẽ gây ra nỗi lo sợ cho các em, làm cho việc tiếp thu bài mới bị hạn chế.

Sợ kiểm tra miệng, là một câu chuyện truyền đời, với bất cứ thế hệ nào khi cắp sách đến trường. Tất nhiên, đó là với học sinh không chịu học bài hoặc vì những lý do khách quan nào đó không thuộc bài. Với những học sinh siêng năng, chăm chỉ thì đây lại là niềm cảm hứng. Còn gì vui hơn khi mỗi buổi sáng đến trường, đã chuẩn bị bài đầy đủ, mà được thầy cô gọi tên lên trả bài, giải toán?

Cũng cần nói rõ, dạy học mỗi tiết mỗi buổi của mỗi một thầy cô là cả một nghệ thuật. Hình thức kiểm tra, thái độ kiểm tra và linh hoạt trong cách kiểm tra đối với học sinh là một quá trình cần truyền vào đó bằng cả tâm huyết và sự yêu thương dạy bảo. Nếu đi kèm với đó là sự dụng công tổ chức các hoạt động ngoại khóa trực quan hoặc đa dạng hóa các hình thức thể nghiệm, khơi gợi ý thức ham học và óc sáng tạo của học sinh, thì chắc chắn sẽ đạt hiệu quả cao trong việc truyền thụ tri thức.

Vì thế, mới có chuyện rằng sau khi ra trường, các thế hệ học trò vẫn bày tỏ với nhau rằng “thầy A. dạy hay, cô B. dạy khó hiểu…”. Chỉ có nhiệt huyết và tình yêu của người giáo viên mới là thước đo cho những điều hay, cái đẹp, dù đôi khi có thể vượt ra ngoài các khuôn mẫu, vốn một thời vẫn cho là… “pháp lệnh”!

Vậy nên, nếu có một sự khuyến cáo cần thiết thì không phải là câu chuyện xóa bỏ việc kiểm tra theo hình thức này hay hình thức khác, mà là ngay từ trong môi trường đào tạo sư phạm, cần chú trọng nhấn mạnh lòng yêu nghề, yêu trẻ. Nếu làm được điều đó, thì sẽ tạo ra một tình cảm, trách nhiệm thao thức của người giáo viên trong từng tiết dạy mỗi khi vào lớp học!

Trần Thanh Bình

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/mien-man-thang-dau-nien-khoa/