Miên man tháng Ba

Vừa mới đi qua những ngày Tết sum vầy, Xuân ấm áp, đã bất chợt chạm tay vào tháng Ba. Một năm có 12 tháng, nhưng mỗi khi tháng Ba về lại có điều gì đó khiến lòng người bâng khuâng.

Minh họa: Thanh Hạnh

Những ngày đầu tháng Ba, không gian như bừng lên để góp chung lời tôn vinh những người phụ nữ - một nửa của nhân loại. Hoa, ngập tràn hoa trên các nẻo đường trong ngày mùng Tám và ngàn lời chúc mừng tốt đẹp được gửi tới các bà, các mẹ, các chị. Lời chúc mừng được gửi đến những người phụ nữ Việt Nam tảo tần mưa nắng, dịu dàng mềm mại, đã và đang góp sức làm nên những trang sử oai hùng của dân tộc Việt Nam.

Nghĩ về ngày mùng Tám tháng Ba, tôi chợt nhận ra rằng hình như trên thế giới này hiếm có đất nước nào như đất nước chúng ta: Đất nước có những bà mẹ “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ”, đất nước có những đội quân tóc dài “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, đất nước có những tấm lưng ong “vừa khéo chiều chồng, vừa khéo nuôi con”, nhưng cũng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Họ luôn là niềm tự hào của những người chồng, người con, niềm tự hào của cả một dân tộc.

Tháng Ba, mùa con ong đi lấy mật, tháng Ba cũng là tháng của tuổi trẻ, tháng của khát vọng, cống hiến. Tôi chợt nhớ trong dịp tham gia Hội chè Xuân ở Tân Cương mới đây, chị Đỗ Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã chè Thiên Phú Tân Cương, hướng tầm mắt về phía những thanh niêm tham gia giải chạy, bảo: Bây giờ ở quê, thanh niên năng động lắm, làm trang trại vườn đồi, làm trang trại chăn nuôi, có đất lo gì không giầu. Rồi chị kể chuyện thanh niên quê chị với chè, với ruộng bằng giọng đầy tự hào.

Nghe chuyện bây giờ lại nhớ chuyện ngày xưa, cái thời đất nước còn gian khó, chúng tôi nghe thầy giáo giải thích mãi về ngôn ngữ của thời bao cấp, nào gạo sổ, phiếu C… nào chuyện thầy giáo dạy học 30 năm được ưu tiên mua một cái xe đạp phân phối, đi đâu về là lau chùi sạch sẽ, mà ngắm nhiều hơn đi. Cái thời ấy tất cả dồn sức cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng quân thù. Đảng bảo “Ta thắng, địch thua” và lịch sử đã diễn ra như thế.

Cái thời ấy lớp trẻ bừng bừng khí thế, xếp bút nghiên ra trận như vào hội. Nhiều phong trào lớn của đoàn viên, thanh niên đã góp phần tích cực vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Nào là “Lao động kiến thiết Tổ quốc” năm 1965; “Ba sẵn sàng” năm 1964; “Năm xung kích” năm 1965; rồi đến “Hành quân theo bước chân những người Anh hùng” năm 1983… Còn rất nhiều phong trào lớn như thế đã diễn ra theo suốt chiều dài lịch sử. Đảng, dân tộc ta đã ghi nhận những đóng góp không nhỏ của Đoàn trong sự nghiệp chung của đất nước.

Nhưng kéo dài quá ưu điểm của ngày hôm qua cũng có thể trở thành khuyết điểm của ngày hôm nay. Đại hội VI của Đảng đã khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước với tư duy nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sư thật, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp.

Cả nước rùng rùng chuyển động. Hòa nhịp trong công cuộc đổi mới ấy, các phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước” đã trở thành khẩu hiệu hành động, phương châm sống của lớp trẻ. Không nằm ngoài nhịp sống đó, trên 9 huyện, thành của tỉnh Thái Nguyên ngày càng xuất hiện nhiều chủ trang trại trẻ làm kinh tế giỏi, nhiều doanh nghiệp trẻ dám nghĩ, dám làm. Trong các trường phổ thông và các trường đại học trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên biết nhiều ngoại ngữ, giỏi vi tính. Không ít người trong số họ đã đạt được thứ hạng cao trong các kỳ thi lớn của tỉnh và các kỳ thi cấp quốc gia, khu vực. Không chỉ biết sống vì mình, tuổi trẻ còn biết sống vì người khác nữa.

Từ những hoạt động uống nước nhớ nguồn, hoạt động từ thiện, nhân đạo đến việc xây dựng những tuyến đường thắp sáng làng quê, những ngày thứ Bảy tình nguyện đều được triển khai thực hiện. Mầu xanh hy vọng của Đoàn không dừng lại nơi phố phường mà tràn về nông thôn, vùng sâu, vùng xa để trợ giúp kiến thức pháp luật, mang ánh sáng văn hóa đến với đồng bào. Những gì tuổi trẻ Thái Nguyên làm được đáng để cho chúng ta ấm lòng.

Nhưng vẫn còn đâu đó trong trường học, những miền quê, các công sở có một bộ phận nhỏ thanh niên đang chạy theo lối sống hưởng thụ ích kỷ cá nhân, thụ động, trông chờ vào người khác. Đâu đó vẫn còn những tri thức trẻ mải mê làm giàu mà quên đi trau dồi nhân cách và còn đâu đó những gương mặt trẻ phù du trong khói thuốc...

May thay, đó chỉ là những hạt sạn mà chúng ta đang đãi nhặt, để xây dựng một cuộc sống mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Chúng ta sẽ làm được điều đó, bởi tuổi trẻ Thái Nguyên có sức mạnh truyền thống của quê hương cách mạng, có sức mạnh của tri thức hiện tại và ta có Đảng dẫn đường. Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đặt niềm tin vào tuổi trẻ, nhưng tuổi trẻ cũng phải vươn lên tự khẳng định mình.

Đảng coi Đoàn Thanh niên là đội dự bị, nhưng không có nghĩa là đoàn viên ngồi chờ Đảng kết nạp, trái lại, Đoàn phải thực sự là cánh tay đắc lực của Đảng, phải phấn đấu góp phần đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX vào cuộc sống hôm nay. Trí thông minh và lòng trung thực chẳng biết đã có tự bao giờ trên cuộc đời này, nhưng cuộc sống đã khẳng định trí thông minh và lòng dũng cảm bằng mối kết nối giữa các thế hệ và sự nhạy cảm kết tinh từ những điều tốt đẹp trong cuộc đời đã tạo nên tuổi trẻ. Tuổi trẻ có một ưu thế cơ bản trong nhịp sống hôm nay là sự nhạy bén với tư duy mới. Nhưng tuổi trẻ cũng cần có lòng tin của các thế hệ đi trước và của nhân dân giành cho họ như cuộc sống tin vào cái đẹp và lẽ phải trên đời.

Khi tôi đang gõ bàn phím viết nên những dòng chữ này, ngoài kia, mưa Xuân đang thấm đẫm đất trời, mưa Xuân rắc niềm tin lên cánh đồng của người nông dân, nơi cây mạ vừa cấy xuống, rắc niềm tin lên mầu xanh lên những tán cây vừa qua Tết trồng cây… Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Mùa Xuân, tuổi trẻ đang về!

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/202403/mien-man-thang-ba-9b90afb/