Miền Bắc đề phòng các đợt không khí lạnh cường độ mạnh trong tháng 2

Trong tháng 2/2024, cần đề phòng các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh, có thể gây rét đậm, rét hại trên diện rộng và nguy cơ xảy ra băng tuyết ở khu vực vùng núi cao Bắc Bộ. Đồng thời, mưa nhỏ, mưa phùn xuất hiện nhiều hơn.

Chiều 26/1, tại Hà Nội, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia tổ chức "Hội thảo thông tin báo chí dự báo xu thế khí tượng thủy văn năm 2024 và triển khai kế hoạch phối hợp thông tin giữa cơ quan khí tượng thủy văn và các cơ quan báo chí."

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục khí tượng thủy văn Hoàng Đức Cường cho biết, năm 2023 là năm nóng nhất trong 174 năm qua; trên thế giới và khu vực đã xảy ra nhiều trận thiên tai lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, vượt mức lịch sử, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản.

Tại Việt Nam, mặc dù bão ít, mưa không nhiều nhưng vẫn xảy ra mưa thời đoạn 24 giờ kỷ lục gây ngập úng ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Đáng chú ý, năm 2023 đã xuất hiện 20 đợt nắng nóng, đặc biệt tại Tương Dương (Nghệ An) đã quan trắc được giá trị nhiệt độ cao nhất 44,2 độ vào ngày 7/5/2023. Đây là giá trị nhiệt độ ngày cao nhất trên cả nước đã từng được quan trắc.

Năm 2023, nước ta xuất hiện 20 đợt nắng nóng. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Báo cáo tại hội thảo, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết thêm, năm qua tại Việt Nam nhiệt độ trung bình trên toàn quốc cao hơn 1,09 độ so với trung bình nhiều năm (TBNN) và được ghi nhận là năm có mức nhiệt độ cao thứ hai trong chuỗi số liệu quan trắc (năm 2019 là năm có nhiệt độ trung bình trên toàn quốc cao hơn TBNN là 1,21 độ).

Cũng trong năm này, trên khu vực Biển Đông xuất hiện 8 xoáy thuận nhiệt đới, trong đó có 5 cơn bão và 3 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Số lượng bão/ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông ít hơn TBNN. Đặc biệt, các cơn bão hầu như không đổ bộ trực tiếp nên không gây gió mạnh trong đất liền.

Năm 2023, đã xuất hiện 24 đợt không khí lạnh, ít hơn so với TBNN (TBNN khoảng 29-30 đợt), tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) vào ngày 22/12/2023 nhiệt độ thấp nhất xuống mức -2,5°C, là giá trị nhiệt độ thấp nhất trong cùng thời kỳ tháng 12 tính theo số liệu ghi nhận tại Mẫu Sơn từ năm 2012 đến nay.

Còn không khí lạnh mạnh, mùa nắng nóng đến sớm

Nhận định về xu thế thiên tai năm 2024, TS. Hoàng Phúc Lâm cho biết, theo dự báo, hiện tượng El Nino xuất hiện từ giữa năm 2023 và sẽ còn duy trì đến tháng 4/2024 với xác suất trên 90%. Sau đó, El Nino suy yếu và có khoảng 60% cơ hội chuyển sang pha trung tính trong giai đoạn từ tháng 5-7/2024 và khoảng 50-60% khả năng chuyển sang La Nina vào cuối năm 2024.

Theo ông Lâm, nếu với diễn biến như trên thì năm 2024 cần lưu ý, hoạt động của bão, ATNĐ tập trung nhiều hơn vào nửa cuối mùa bão. Bão/ATNĐ hình thành trên biển Đông có thể sẽ nhiều hơn.

"Hiện tượng nắng nóng tại khu vực Nam Bộ, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với TBNN", ông Lâm nhấn mạnh.

Không khí lạnh cường độ mạnh gây rét đậm, rét hại và khả năng có băng tuyết. Ảnh băng giá trên đỉnh Mẫu Sơn đợt rét ngày 25/1: Kim Huyền

Về không khí lạnh và rét đậm, rét hại, ông Lâm dự báo, sau đợt không khí lạnh mạnh cuối tháng 1 này, dự báo không khí lạnh sẽ hoạt động yếu hơn so với TBNN nên khả năng xảy ra rét đậm, rét hại trong tháng 2-3/2024 ở mức thấp hơn so với TBNN cùng thời kỳ.

"Tuy nhiên, cần đề phòng các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh, nhất là trong tháng 2/2024, có thể gây rét đậm, rét hại trên diện rộng và nguy cơ xảy ra băng tuyết ở khu vực vùng núi cao Bắc Bộ. Ngoài ra, hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn ở khu vực Bắc Bộ trong mùa Đông Xuân 2023-2024 có khả năng xuất hiện nhiều hơn TBNN", ông Lâm lưu ý.

Ngoài ra, cơ quan khí tượng cũng cảnh báo nguy cơ thiếu nước nửa đầu năm 2024 ở khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Đồng thời, tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2023-2024 ở mức cao hơn TBNN.

Bảo Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mien-bac-de-phong-cac-dot-khong-khi-lanh-cuong-do-manh-trong-thang-2-2244201.html